Xây dựng Côn Đảo thành khu du lịch kinh tế mới hiện đại

Thứ tư, 20/10/2010, 15:44 GMT+7
2692 xem
Chia sẻ:

“Đầu tư tôn tạo để phát huy giá trị các di tích lịch sử, cách mạng, kết hợp với du lịch sinh thái biển đảo để phát triển Côn Đảo thành một điểm du lịch tiêu biểu, đặc sắc của Việt Nam và thế giới. Đó là nội dung lớn mà Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ này sẽ bàn sâu và tìm giải pháp thực hiện” – Ông Hoàng Nghĩa Doãn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo nhấn mạnh.

CÔN ĐẢO ĐÃ GẦN HƠN, ĐẸP HƠN

 

Nhiều du khách đến tham quan Côn Đảo đã nhận xét như vậy. Bởi điều dễ nhận thấy là, phương tiện đi lại giữa đảo và đất liền đã thuận lợi hơn, tần suất hoạt động của tàu vận chuyển hành khách, hàng hoá và máy bay tăng. Máy bay ATR72 (70 chỗ ngồi) đã tăng từ 7 chuyến/tuần lên 14 chuyến/tuần. Mạng lưới thông tin liên lạc của Côn Đảo có bước phát triển nhảy vọt. Hiện nay Côn Đảo đã phủ sóng điện thoại di động các mạng Vinaphone, MobiFone, Viettel, phát triển thêm dịch vụ điện thoại cố định không dây G-Phone. Huyện có 1 Đài viễn thông, 1 Bưu điện trung tâm, 2 Bưu cục (Cỏ Ống và Bến Đầm) với doanh thu dịch vụ bưu chính - viễn thông tăng bình quân 19%. Hiện nay toàn huyện đã lắp đặt 3.288 máy điện thoại cố định, bình quân 51,38 máy/100 dân; 2.517 máy điện thoại di động, bình quân 42,54 máy điện thoại di động/100 dân và có 656 line thuê bao đường truyền internet tốc độ cao (đường truyền băng rộng ADSL).

 

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn huyện Côn Đảo đến cuối năm 2010 ước thực hiện được 1.470 tỷ đồng, đạt 132,79% chỉ tiêu. Ngân sách Trung ương và địa phương đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 144 công trình với tổng giá trị 824 tỷ đồng (đạt 132,2% chỉ tiêu); vốn sự nghiệp kinh tế của huyện 81 tỷ đồng (đạt 142,5%), vốn của các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước và vốn của nhân dân 565 tỷ đồng (đạt 198,2%).

 

Ông Hoàng Nghĩa Doãn cho biết, quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhấn mạnh đến việc khai thác tối đa các nguồn lực để phát triển Côn Đảo thành khu kinh tế-du lịch và dịch vụ chất lượng cao. Đây là chương trình nhằm cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương IV (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Điều thuận lợi là, 5 năm qua, Côn Đảo đã đẩy mạnh xây dựng hạ tầng cơ sở, nhất là hệ thống cảng biển, đường giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống điện, nước sinh hoạt... Quy hoạch phát triển nguồn và lưới điện đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Dự án cảng Côn Đảo tại Vũng Tàu, Đền thờ Côn Đảo, Bảo tàng Côn Đảo đã khởi công một số hạng mục và tiếp tục thực hiện; Dự án chung cư cho người thu nhập thấp, Dự án cầu tàu du lịch cũng đang chuẩn bị được khởi công.

 

Tuy nhiên, đến thời điểm này, huyện cũng còn một số khó khăn nhất định: tình hình sản xuất và cung ứng điện, nước về cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và du lịch. Kinh tế dịch vụ phát triển chậm, kinh tế tập thể chưa phát huy được hiệu quả. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân chưa thực sự phong phú, có một sự cách biệt với đất liền, mức sống của một bộ phận nhân dân còn thấp, một số chưa ổn định, có nguy cơ tái nghèo. Công tác cán bộ gặp khó khăn từ khâu tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại chỗ có trình độ cao, chủ động đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt cũng như lâu dài. “Hiện nay, huyện chỉ thực hiện được những chính sách mà Chính phủ và tỉnh cho phép. Ví dụ như, phụ cấp thu hút, phụ cấp đặc biệt 50%, phụ cấp khu vực 95%; giáo viên, kiểm lâm làm việc xa trung tâm huyện, hoặc ở các đảo nhỏ thì được hưởng thêm 200-300 ngàn đồng/tháng, chưa đủ hấp dẫn để thu hút cán bộ lao động quản lý, chuyên môn kỹ thuật cao. Điều đó luôn làm cho chúng tôi băn khoăn, trăn trở” – Ông Doãn chia sẻ.

 

THÚC ĐẨY DU LỊCH BẰNG HẠ TẦNG VÀ DỊCH VỤ

 

Với thế mạnh về di tích văn hóa, lịch sử cách mạng và thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, Côn Đảo đã thu hút 107.458 lượt khách tham quan du lịch trong 5 năm 2005 – 2010. Trong đó khách quốc tế 11.010 lượt người, đạt 109,35% chỉ tiêu, tốc độ tăng bình quân hàng năm 16,41%. Vốn đầu tư cho du lịch Côn Đảo thông qua 11 dự án đầu tư kinh doanh khách sạn, nhà hàng, khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao là 921 tỷ đồng và 52 triệu USD. Doanh thu du lịch thực hiện trong 5 năm 2005 – 2010 là 98,4 tỷ đồng, đạt 267,3% chỉ tiêu, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 30,7%.

 

Tuy nhiên, để thúc đẩy nhanh các chương trình, dự án nhằm thúc đẩy mũi nhọn kinh tế du lịch phát triển, Côn Đảo cần đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch tham quan thắng cảnh bằng đường bộ và đường thủy, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển đảo và du lịch văn hóa - lịch sử.

 

Để làm được điều đó, phải không ngừng hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch sẵn có, xây dựng thêm cơ sở lưu trú và trung tâm thông tin du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai dự án; rà soát các dự án đầu tư, triển khai đầu tư một số dự án trọng điểm, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, nhất là các dự án lớn như: Nâng cấp Cảng Côn Đảo tại Vũng Tàu, đầu tư cảng du lịch tại khu trung tâm Côn Đảo, cải tạo nâng cấp đường và hệ thống thoát nước nội thị; cải tạo lưới điện trung và hạ thế khu trung tâm… Vấn đề phát triển thương mại và dịch vụ cũng phải được coi trọng. Ví dụ như phải bảo đảm được nhu yếu phẩm đáp ứng nhu cầu cả những khi biển động dài ngày; làm tốt công tác quản lý thị trường giá cả, tránh tình trạng đầu cơ hàng hóa, tăng giá bán bất hợp lý. Trong giai đoạn 2011-2015, cần xây dựng siêu thị và mở rộng dịch vụ bán lẻ phục vụ cho khách du lịch trong nước và quốc tế; kêu gọi đầu tư những dự án phát triển thương mại theo hướng hình thành khu trung tâm thương mại tại khu vực Cỏ Ống, khu Trung tâm và khu Bến Đầm.

 

 

Theo baobariavungtau.com.vn

 

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc