Ngày 18 tháng 6 năm 2013, Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới đã công nhận Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo là 1 trong 2.203 Vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Wetlands of International Importance). Tính đến nay, Vườn quốc gia Côn Đảo là Khu đất ngập nước quan trọng (gọi tắt là khu Ramsar) thứ 6 của Việt Nam.
Trước đó, Vườn quốc gia Xuân Thủy - Nam Định; Vùng đất ngập nước Bàu Sấu thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên - Đồng Nai; Hồ Ba Bể - Bắc Kạn; Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp; Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, thuộc huyện Ngọc Hiển, Cà Mau đã được công nhận là các khu Ramsar thế giới. Ngày 11/9/2014, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã họp quyết định thống nhất thời gian tổ chức Lễ nhận Bằng công nhận Vườn Quốc gia Côn Đảo là khu Ramsar vào ngày 1/11/2014 tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Côn Đảo.
Vườn quốc gia Côn Đảo hiện có 14.000 ha đất ngập nước với các hệ sinh thái: rạn san hô, rừng ngập mặn và cỏ biển được bảo vệ khá nguyên vẹn. Đất ngập nước là môi trường hữu ích nhất trên thế giới. Là cái nôi của đa dạng sinh học và cung cấp nước cũng như những điều kiện cơ bản giúp vô số các loài động thực vật tồn tại. Đây cũng là nơi tập trung ở mức cao các loài chim, loài thú có vú, bò sát, động vật lưỡng cư, cá và các loài nhuyễn thể. Đất ngập nước cũng là kho của nguyên liệu gen thực vật. Năm 1995, VQG Côn Đảo đã được Ngân hàng thế giới đưa vào danh sách Hệ thống các khu vực biển quan trọng cần bảo vệ trên toàn cầu (A Global Representative System of Marine Protected Areas) và Côn Đảo cũng là khu vực trọng điểm nằm trong Kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt.
Công ước Ramsar có 9 tiêu chí. Muốn được công nhận khu Ramsar thì vùng đất ngập nước phải đạt 1 trong 9 tiêu chí mà Công ước Ramsar đã đề ra. VQG Côn Đảo thỏa đến 5 tiêu chí theo công ước Ramsar:
- Vườn quốc gia Côn Đảo là mẫu chuẩn về sự độc đáo, hiếm, và đại diện cho một kiểu đất ngập nước tự nhiên ở vùng biển phía Đông – Nam của Việt Nam và của khu vực.
- Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi phân bố của các loài cực kỳ nguy cấp và các quần xã sinh thái đang bị đe dọa.
- Vườn quốc gia Côn Đảo đóng vai trò hỗ trợ cho các loài động, thực vật có ý nghĩa trong việc duy trì đa dạng sinh học quan trọng tại Việt Nam và của khu vực.
- Vườn quốc gia Côn Đảo đóng vai trò hỗ trợ cho các loài động, thực vật đang trong giai đoạn quyết định vòng đời, là nơi trú ẩn cho các loài này khi chúng gặp điều kiện nguy hiểm.
- Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi cung cấp nguồn thức ăn quan trọng cho các loài động vật thủy sinh, là nơi sinh sản, nuôi dưỡng và đường di cư mà nhờ đó các loài động vật này có thể sinh sôi, nảy nở tại khu vực biển phía Đông – Nam của Việt Nam và của khu vực.
Trong đó, tiêu chí đầu tiên được xem là tiêu chí quan trọng đối với vùng đất ngập nước Vườn quốc gia Côn Đảo là mẫu chuẩn điển hình cho các đảo ngoài khơi của Việt Nam, nơi phân bố của các quần xã sinh vật trên đất liền lẫn dưới biển. Đó là 3 hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới: hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển và hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Rạn san hô ở đây thuộc kiểu cấu trúc rạn riềm điển hình (typical fringing reef) với bãi triều rộng và không điển hình (non typical fringing reef) với sườn rạn khá dốc, khu hệ san hô Côn Đảo phong phú và đa dạng vào loại nhất, nhì của Việt Nam. Hệ sinh thái thảm cỏ biển có vai trò quan trọng ở Côn Đảo với phân bố rải rác nhiều khu vực nhưng tập trung nhất ở vịnh Đông Nam, cho đến nay có 11 loài cỏ biển được ghi nhận ở Côn Đảo. Hệ sinh thái rừng ngặp mặn: có 46 loài thực vật phân bố tại rừng ngập mặn Côn Đảo trong đó có 28 loài cây rừng ngập mặn chủ yếu thuộc 14 họ và 18 loài tham gia rừng ngập mặn thuộc 13 họ.
Họ có nhiều loài nhất trong khu vực là họ Đước với 9 loài, họ Bàng 3 loài, họ Đậu 3 loài, các họ còn lại có 1 – 2 loài. Rừng ngập mặn ở đây phân bố trên lập địa cát, sỏi nhỏ và san hô chết, đây là điểm khác biệt, độc đáo của rừng ngập mặn Côn Đảo so với rừng ngập mặn của các vùng khác.
Vườn quốc gia Côn Đảo được tổ chức khoa học trong và ngoài nước đánh giá là nơi có tiềm năng đa dạng sinh học cao, các hệ sinh thái phong phú, có nhiều loại động thực, vật quý hiếm, đặc hữu là nơi có ý nghĩa quan trọng toàn cầu về sinh vật biển, sinh cảnh trên cạn bởi tiềm năng sinh học và vị trí của nó. Như vậy, Vườn quốc gia Côn Đảo xứng đáng là vùng đất đất ngập nước quan trọng của thế giới.
HOÀNG LONG