Được thành lập từ ngày 31/3/1993 trên cơ sở chuyển hạng Khu Rừng cấm Côn Đảo, Vườn Quốc gia Côn Đảo (QGCĐ) thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có tổng diện tích 19.992 ha, gồm 14 hòn đảo lớn, nhỏ thuộc quần đảo Côn Sơn. Trong đó diện tích rừng và đất có rừng 5.991 ha, diện tích vùng bảo vệ đa dạng sinh học biển 14.000 ha; ngoài ra còn có vùng đệm biển 20.500 ha.
Ông Lê Xuân Ái, Giám đốc Vườn QGCĐ cho biết: Cùng với nhiệm vụ bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái rừng và biển; bảo tồn các loài sinh vật hoang dã đặc hữu, quý hiếm; các cảnh quan tự nhiên của rừng và biển; thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học, môi trường, Vườn QGCĐ cũng đang đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái với nhiều loại hình như: Du lịch nghỉ ngơi, tỉnh dưỡng; du lịch lịch thể thao, khám phá (câu cá, leo núi, bơi lặn, tắm biển…); du lịch kết hợp nghiên cứu khoa học…ở 6 điểm và 11 tuyến du lịch. Khách có thể đi theo đoàn, có hướng dẫn viên giúp đỡ, hoặc có thể tự do khám phá vẻ hoang sơ của đảo, dưới sự chỉ dẫn của lực lượng Kiểm lâm. Lượng khách đến du lịch sinh thái tại Vườn QGCĐ ngày càng tăng. Trong năm 2010, Vườn đã đón tiếp 12.000 lượt khách du lịch, trong đó có gần 7.000 lượt khách nước ngoài, tăng 142% so với năm 2009.
Hiện Vườn QGCĐ có tiềm năng rất lớn về tài nguyên sinh vật rừng và biển, với hàng ngàn loài thực vật, động vật sinh sống, trong đó có những động vật hoang dã quý hiếm, giá trị cao, được bảo vệ đặc biệt trên phạm vi toàn cầu, như: Delphin mõm dài (Stenella longirostris), cá voi xanh (Balaenoptera musculus), Dugong (còn gọi là bò biển)... Đặc biệt, Vườn QGCĐ có 2 loài rùa biển là vích và đồi mồi với số lượng rất lớn đang sinh sống và làm tổ đẻ trứng tại nhiều khu vực. Chương trình bảo hộ rùa biển được thực hiện từ năm 1995, với sự tài trợ của Tổ chức WWF Chương trình Đông Dương nhằm hạn chế tối đa sự bất lợi của thiên nhiên đối với rùa biển; nghiên cứu các đặc tính của rùa biển và thực hiện các mô hình bảo tàng tham gia vào mạng lưới bảo tồn loài động vật này của ASEAN. Hàng năm, vào mùa sinh sản, hàng ngàn rùa biển đã lên làm tổ đẻ trứng tại VCườn QGCĐ. Từ khi có Chương trình bảo hộ vào năm 1995 đến nay, đã có gần 3.500 rùa mẹ lên làm tổ đẻ trứng đã được đeo thẻ kiểm soát và hơn 500.000 rùa con được thả về biển. Riêng trong năm 2010, có gần 1.500 tổ rùa đẻ, đeo thẻ mới cho gần 200 rùa mẹ và thả về biển gần 100 ngàn rùa con.
Ngoài ra hệ sinh thái san hô phát triển rất mạnh ở vùng bao quanh Vườn QGCĐ gồm 342 loài phong phú, đa dạng vào loại nhất, nhì ở Việt Nam. Rừng của Côn Đảo thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo. Các đảo ở đây đều có thảm thực vật rừng với độ che phủ 92% diện tích tự nhiên, bắt đầu từ mép nước lên tới đỉnh núi. Vùng biển Côn Đảo cũng được đưa vào danh sách “Các vùng được ưu tiên bảo vệ cao nhất” trong hệ thống các vùng bảo vệ biển của Ngân hàng Thế giới, đang được đề nghị công nhận là khu di sản của ASEAN.
Để có thể phát triển bền vững và lâu dài các loại hình du lịch sinh thái tại Côn Đảo, Vườn QGCĐ đã hết sức chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống của các loài thực vật và động vật hoang dã, giữ gìn vẻ hoang sơ của đảo. Vườn đã chủ động phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học, các dự án bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đẩy mạnh các chương trình giáo dục, tuyên truyền bảo vệ môi trường đối với du khách đến thăm Côn Đảo.
Lê Bá Lư