Thuê môi trường rừng để đầu tư, kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên là một giải pháp bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học

Thứ sáu, 17/07/2020, 11:03 GMT+7
6403 xem
Chia sẻ:

Tác giả: Trần Đình Huệ

Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo

Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương, có sự tham gia của cộng đồng, kết hợp với giáo dục bảo vệ môi trường (Luật du lịch năm 2017).

Khai thác hợp lý, thế mạnh giá trị tài nguyên rừng, biển Vườn quốc gia Côn Đảo để phát triển du lịch là quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 870/QĐ-TTg  ngày 17/6/2015, về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030”.

Cho các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng đặc dụng để kinh doanh du lịch sinh thái kết bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên là chủ trương của chính phủ được quy định tại Điểm C, Khoản 3, Điều 23 Nghị định 117/2010/NĐ-CP về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng; Điểm a, Khoản 5, Nghị định 156/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Lâm nghiệp.

Căn cứ Thông tư 78/2011/TT-BNNPTNN (Khoản 3, Điều 8), từ năm 2014, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 625/QĐ-UBND phê duyệt Đề án cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên tại Vườn quốc gia Côn Đảo đến năm 2020. Đề án này đã phê duyệt trong Vườn quốc gia Côn Đảo có 19 khu vực cho thuê môi trường rừng (năm 2018 bổ sung 2 khu vực theo Quyết định số 1732/QĐ-UBND), Đề án quy định chặt chẽ, cụ thể nguyên tắc cho thuê môi trường rừng là không thay đổi quyền sở hữu của nhà nước về rừng; và nguyên tắc tổ chức du lịch sinh thái là không gây ảnh hưởng tiêu cực đến bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường, đời sống tự nhiên của các loài động, thực vật hoang dã cũng như bản sắc văn hóa của cộng đng dân cư ở địa phương.Thực hiện Luật Lâm nghiệp năm 2017 (Khoản 1, Điều 27), BQL Vườn quốc gia Côn Đảo lập, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thẩm định, ngày 16/8/2020 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1668/QĐ-UBND Phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững VQG Côn Đảo đến năm 2030. Bố cục, nội dung Phương án đã lập theo hướng dẫn Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững bao gồm nhiều nội dung, trong đó tiếp tục xác định các khu cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên theo Quyết định số 625/QĐ-UBND năm 2014 của UBND tỉnh. Thực hiện Nghị định 156/2018/NĐ-CP (Khoản 1, Điều 14), hiện nay BQL Vườn quốc gia Côn Đảo đang lập, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Côn Đảo giai đoạn đến năm 2030 để tiếp tục triển khai các phương thức tổ chức du lịch sinh thái theo quy định trong đó có phương thức cho thuê môi trường rừng.

Nguyên tắc xây dựng công trình du lịch sinh thái tại các khu vực cho thuê môi trường rừng trong Vườn quốc gia Côn Đảo phải tuân thủ quy định tại Điều 15, Nghị Định 156/2018/NĐ-CP bao gồm:

- Công trình xây dựng phục vụ DLST, nghỉ dưỡng, giải trí bảo đảm không làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và cảnh quan tự nhiên của khu rừng; phù hợp với đề án DLST, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chỉ được lập các tuyến đường mòn, đường cáp trên không, đường cáp ngầm dưới mặt đất, trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, biển chỉ dẫn bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái.

- Trong phân khu phục hồi sinh thái chỉ được lập các tuyến đường bộ phù hợp nhưng tối đa không vượt quá quy mô đường cấp IV miền núi, trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, biển chỉ dẫn, đường cáp trên không, đường cáp ngầm dưới mặt đất, cầu dành cho người đi bộ ở khu rừng ngập nước.

- Trong phân khu dịch vụ hành chính của vườn quốc gia được xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Không ảnh hưởng đến mục tiêu bảo tồn, không phá vỡ cảnh quan môi trường, không chặt phá rừng; các công trình xây dựng phải dựa vào thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan môi trường, chiều cao tối đa của công trình nghỉ dưỡng không quá 12 m;

b) Không làm mất quyền sở hữu của Nhà nước về rừng, tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất và dưới lòng đất;

c) Chỉ được xây dựng các công trình ở những nơi đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi không có khả năng tự phục hồi;

d) Chịu trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn, phát triển tài nguyên rừng trên diện tích tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của chủ rừng;

đ) Không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử - văn hóa.

Đề án Du lịch sinh thái cũng đã đưa nguyên tắc lựa chọn nhà đầu tư được cho thuê môi trường rừng để kinh doanh DLST ở VQG Côn Đảo phải thực hiện theo quy định tại Điều 14, Điều 15 của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ về quy định thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, nội dung của Phương án QLRBV VQG Côn Đảo giai đoạn đến năm 2030 và nội dung của Đề án DLST, nghỉ dưỡng, giải trí VQG Côn Đảo được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt.  Lập tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư rõ ràng, các dự án đảm bảo môi trường, không tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học sẽ được lựa chọn, đồng thời có các tiêu chí giám sát, đánh giá dự án trong quá trình triển khai và khi đi vào hoạt động để xử lý đúng quy định hiện hành.

Rùa biển quay về đẻ trứng tại bãi biển Đất Dốc, thuộc khu Resort Côn Đảo (Sixsense) hoặc rừng được chăm sóc, bảo vệ và ngày càng phát triển trong khu du lịch Poulocondor sau khi các công ty này đi vào hoạt động là minh chứng cho việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học của các doanh nghiệp du lịch.

Cty_Sixsene_phoi_hop_VQG_cuu_ho_rua_bien1

Six senses Côn Đảo phối hợp với Ban quản lý Vườn quôc gia Côn Đảo cứu hộ rùa biển

Du_khach_xem_tha_rua_con_ve_bien_tai_Sixsense_2

Du khách xem thả rùa con về biển tại khu Resort Sixsenses Côn Đảo

Tóm lại khai thác bền vững các tiềm năng tự nhiên về cảnh quan, môi trường và sự đa dạng các hệ sinh thái tự nhiên rừng, biển, bản sắc văn hóa địa phương, nhân văn, di tích lịch sử để phát triển du lịch sinh thái sẽ góp phần to lớn cho công tác bảo tồn thiên nhiên, góp phần tạo ra cơ chế tài chính bền vững cho Vườn quốc gia Côn Đảo, đồng thời góp phần cho sự phát triển kinh tế của địa phương. Thông qua phát triển du lịch sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục cho người dân địa phương và du khách về các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử và nhân văn của Côn Đảo, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường./.

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc