- Ẩn mình trong khu vực phía đông bắc Vườn quốc gia Côn Đảo, Vịnh Đầm Tre không chỉ là nơi trú ngụ lý tưởng cho nhiều loài chim biển, rùa và cá mà còn nổi bật với hệ sinh thái biển đa dạng – trong đó có sự hiện diện dày đặc của rong mơ (Sargassum spp.), một loài rong nâu đóng vai trò quan trọng trong cân bằng sinh thái biển ven bờ.
- Vẻ đẹp tự nhiên của rong mơ
Vào mùa phát triển mạnh, thường từ tháng 3 đến tháng 6, rong mơ mọc thành từng rừng dưới đáy vịnh, với màu nâu vàng đặc trưng trải dài theo từng đợt sóng, tạo nên một bức tranh biển cả trầm mặc nhưng không kém phần sống động. Những cụm rong mơ dài từ 30 đến hơn 100 cm, có nhiều nhánh nhỏ như chùm lá, thường bám vào đá hoặc nền san hô chết, vươn lên dưới ánh nắng mặt trời.
- Từ trên cao, khu vực rong mơ phủ kín tạo nên những mảng màu nâu lượn sóng giữa nền nước xanh ngọc, là một hình ảnh vừa ấn tượng vừa đặc trưng của khu vực bảo tồn nghiêm ngặt tại Vịnh Đầm Tre.
-Vai trò sinh thái của rong mơ
Rong mơ là "lá phổi xanh" và là "ngôi nhà" cho nhiều sinh vật biển. Tán rong rậm rạp là nơi trú ẩn, sinh sản và kiếm ăn của hàng loạt sinh vật như cá con, tôm, cua, ốc và cả các loài sinh vật phù du. Đồng thời, rong mơ giúp giữ nền đáy ổn định, giảm sóng và hạn chế xói mòn khu vực ven bờ.
- Không những thế, quá trình quang hợp của rong mơ còn hấp thụ CO₂ và giải phóng ôxy, đóng góp tích cực vào việc làm sạch môi trường nước và duy trì cân bằng sinh học trong hệ sinh thái biển.
- Bảo tồn rong mơ tại Côn Đảo
Tại Vườn quốc gia Côn Đảo, đặc biệt ở khu vực Vịnh Đầm Tre – nơi ít chịu tác động của con người – rong mơ vẫn còn giữ được mật độ cao và phát triển tự nhiên. Tuy nhiên, những tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm nước thải từ đất liền, và khai thác ven bờ nếu không được kiểm soát có thể ảnh hưởng xấu đến hệ rong mơ.
- Hãy liên hệ với Phòng Du Lịch Sinh Thái & Giáo Dục Môi Trường Để Có Trải Nghiệm Tuyệt Vời Tại Vịnh Đầm Tre.
Tin bài: Văn Phái