Theo dấu Côn Đảo

Thứ ba, 23/08/2011, 14:45 GMT+7
2395 xem
Chia sẻ:

AT - Từ sân bay Tân Sơn Nhất với máy bay ATR - 72 của Công ty bay dịch vụ Vasco đưa chúng tôi đến Côn Đảo. Sau một giờ ngồi máy bay, nơi chúng tôi mở đầu cuộc viếng thăm là nhà Chúa Đảo.

Ngôi nhà được xây từ năm 1862 và là nơi cư trú của 53 ông Chúa Đảo. Tên gọi Chúa Đảo dễ làm người ta nhầm tưởng đến một vị chúa tể ở đảo hoang. Thật ra, Chúa Đảo là một cách gọi khác của người dân đặt cho những người quản đốc đề lao thời Pháp thuộc. Khu nhà Chúa Đảo có tổng diện tích gần 19.000m2 gồm nhà chính, nhà phụ và sân vườn. Từ năm 1975, ngôi nhà này trở thành nơi lưu giữ di tích lịch sử ở Côn Đảo.

Cách nhà Chúa Đảo không xa là trại giam Phú Hải. Chị Nguyễn Thị Xuân, hướng dẫn viên khu di tích, dẫn chúng tôi đến Hầm xay lúa. Đây là “địa ngục của địa ngục” - theo lời chị Xuân. Một phòng tối bưng, không đèn, không cửa sổ, chỉ có năm chiếc cối xay lúa cùng 100 người lao động từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Rời Hầm xay lúa, chúng tôi đến với một hình thức lao động khác ở đây. Đó là Khu đập đá tại chỗ.

Năm 1907, cụ Phan Chu Trinh bị phạt lao động khổ sai ở Khu đập đá này. Trên bức tường vuông góc với nơi cụ từng đập đá, những câu thơ trong bài Đập đá ở Côn Lôn được khắc lên: “Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn / Lừng lẫy làm cho lở núi non / Xách búa đánh tan năm bảy đống / Ra tay đập bể mấy trăm hòn…”. Đập đá là hình thức lao động khổ sai nhẹ nhất ở trại giam Phú Hải. Đá được lấy từ trên núi đem về để người tù ngồi đập.

“Gió đưa cây cải về trời - Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”, câu hát ru này gắn với địa danh Côn Đảo. Răm là tên của bà Phi Yến, vợ chúa Nguyễn Ánh. Cải là tên của vị hoàng tử Hội An. Khi quân Tây Sơn đánh ra đảo, Nguyễn Ánh chạy ra biển. Hòn Chúa là nơi Nguyễn Ánh từng ở trốn quân Tây Sơn. Trước đó vì khuyên can chồng không nên đánh nhau với đội quân này, Phi Yến bị Nguyễn Ánh cho giam ở Côn Đảo. Nơi đó giờ có tên là Hòn Bà.

Còn hoàng tử Cải, khi Nguyễn Ánh chạy ra biển trốn quân Tây Sơn, lúc đó mới 4 tuổi đòi mẹ đi cùng. Trong cơn tức giận, Nguyễn Ánh đã ném con xuống biển. Xác hoàng tử Cải trôi vào bãi biển Cỏ Ống. Dân làng chôn cất hoàng tử. Bà Phi Yến, theo truyền thuyết, được một con vượn và một con hổ cứu ra khỏi hang và về sống với dân làng Cỏ Ống để trông nom mộ con. Một lần sau khi bị kẻ xấu xúc phạm, bà đã tự tử để thủ tiết với chồng. Hiện nay ở Côn Đảo có ngôi miếu An Sơn do dân đảo dựng vào năm 1785 để thờ bà Phi Yến.

Côn Đảo nổi tiếng với loài rùa xanh hay còn gọi là rùa biển, vích. Tháng 4 và tháng 5 là mùa rùa sinh sản. Theo anh Lê Bá Lộc, kiểm lâm viên Vườn quốc gia Côn Đảo, hằng năm ở đây đón 350 con rùa về sinh đẻ. Mỗi mùa như thế, một con rùa có thể đẻ một đến nhiều lần.

Anh Lộc nói: “Khi rùa đẻ, các kiểm lâm như tụi tôi được dân gọi là những “ông mụ“của rùa”. Vì trong thời gian rùa đẻ họ phải đứng canh. Sau khi nó đẻ xong, các anh kiểm lâm phải ghi lại tất cả thông tin về rùa, kích thước bao nhiêu, xem rùa gắn thẻ chưa, thẻ đeo trên mai rùa được quy định trên thế giới như một thẻ căn cước.

Hoàn tất khâu đẻ trứng, rùa lấp tổ và xuống biển. Những kiểm lâm sẽ di dời trứng rùa đến chỗ ấp mới an toàn hơn. Nếu không di dời thì tổ trứng cũ có nguy cơ ngập nước bị hư hoặc rùa khác tới đẻ và bới trứng của rùa cũ lên. “Ông mụ” của rùa giải thích: “Trứng rùa khi đẻ ra phôi chưa hình thành giới tính đực hay cái. Giới tính của rùa được quyết định bởi nhiệt độ của nền cát. Nhiệt độ trên 32 độ là rùa cái, ngược lại dưới 32 độ đa số trứng nở là rùa đực. Để cân bằng giới tính, kiểm lâm đã tạo hai hồ. Một hồ để ánh sáng trắng và một hồ dùng mái che để giảm nhiệt độ”.

Sau khi kết thúc một mùa sinh sản, rùa sẽ di cư đến nơi khác kiếm thức ăn. Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tài trợ vườn quốc gia Côn Đảo đang theo dõi bốn con vích. Một con qua đảo Phú Quý, một con qua Trường Sa và hai con qua đảo Kalawa ở Philipines với chiều dài đường đi gần 1.500km. Hai, ba năm sau, rùa quay về vùng biển Côn Đảo để đẻ tiếp.

HIẾU HẠNH

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc