Theo quan điểm của A.G.Tansley thì thảm thực vật rừng hiểu đúng theo nghĩa rộng là gồm cả thảm thực vật nguyên sinh và thảm thực vật thứ sinh nhân tác hiện còn tồn tại trên phần lãnh thổ, đất lâm nghiệp quản lý hoạt động. Không những chỉ gồm những kiểu rừng kín rậm cây gỗ lớn mà gồm cả những quần thụ cây gỗ nhỏ, những kiểu rừng thưa, trảng cỏ, những truông gai và cả những hoang mạc tự nhiên hay vùng đất trơ trọc do con người phá hủy lớp thực bì trên mặt.
Áp dụng theo phương pháp phân loại thảm thực vật rừng của GS.TS. Thái Văn Trừng năm 1999, theo quan điểm sinh thái phát sinh và phương pháp luận của Richards (1964), vận dụng các quan điểm và phương pháp nghiên cứu hệ sinh thái rừng nhiệt đới. Khi phân tích, đặt tên các quần xã (thảm thực vật rừng) được xem xét một cách toàn diện từ các yếu tố:
- Sinh thái phát sinh: địa hình, địa chất, thổ nhưỡng, đá mẹ, khí hậu thủy văn ...
- Hình thái cấu trúc của quần xã thực vật
- Sự hoạt động của sinh vật và con người
- Giá trị bảo tồn của quần xã thực vật ...
- Các hệ sinh thái rừng
Căn cứ trên các yếu tố: địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, khu hệ thực vật và các yếu tố tác động của con người thì rừng của Vườn quốc gia Côn Đảo có 4 hệ sinh thái như sau:
Hệ sinh thái rừng trên vùng đồi núi thấp: chiếm hầu hết diện tích của 14 hòn đảo từ sát mép nước biển cho đến đỉnh núi cao nhất (núi Thánh Giá cao 577 m), hệ sinh thái này gồm các núi đá có độ dốc lớn, có nhiều vách đá dựng đứng, và lộ đầu, luôn chịu sự tác động của gió biển thổi mạnh...kiểu thảm thực vật của hệ sinh thái này đa dạng, phong phú và phân bố ở các khu vực trên các đảo không giống nhau. ở các sườn núi khuất gió có tầng đất dày, cấu trúc rừng nhiều tầng, nhiều loài thực vật cây gỗ khác nhau sinh sống; ở các sườn núi hướng về phía gió biển, có nhiều vách đá dựng đứng thực vật rừng chủ yếu gồm những cây bụi, cây gỗ nhỏ, thấp, phân cành nhiều và ken sát vào nhau để chống đỡ với gió biển, cấu trúc của rừng chỉ có 1 tầng nhìn từ phía trên tán rừng như một mặt phẳng nghiêng.
Hệ sinh thái rừng trên đồi cát và bãi cát ven biển: phân bố thành dải hẹp ở phía Đông đảo Côn Sơn, chạy dài khoảng 15 km từ mũi Đá Trắng (An Hội) đến sân bay Cỏ ống, gồm những đồi cát và bãi cát trắng ven biển với nhiều chủng loài cây chịu hạn sinh sống.
Hệ sinh thái rừng Sát (ngập mặn): diện tích nhỏ vào khoảng 30 ha, phân bố ở các eo biển, bãi cát, xác san hô, mảnh vụn sinh vật biển và hàng ngày bị ngập nước thủy triều... trên 3 hòn đảo lớn: hòn Côn Sơn, hòn Bảy Cạnh, hòn Bà. Các loài thực vật đặc trưng của hệ sinh thái này là thực vật rừng ngập mặn như: Đước (Rhizophoza), Vẹt (Brugniera), Mắm (Avicennia), Cóc (Lumnitzera)...
Hệ sinh thái rừng ngập nước phèn (hậu rừng Sát): diện tích rất nhỏ phân bố ở khu vực An Hải, kế tiếp khu rừng Sát theo diễn thế đi lên trên đất cát trắng, bị ngập nước mùa mưa hàng năm với thành phần thực vật chủ yếu là Tràm (Melaleuca cajuputi)...
Những hệ sinh thái này được phân bố kế tục nhau trên một không gian nhỏ hẹp tại Côn Đảo, đây là một nét độc đáo thu hẹp, có ý nghĩa về mặt tự nhiên, diễn thế và khoa học.
Các kiểu rừng và các xã hợp thực vật
- Kiểu và kiểu phụ thảm thực vật:
Vườn quốc gia Côn Đảo có 2 kiểu rừng chính là: Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và Kiểu rừng kín nửa rụng lá mưa ẩm nhiệt đới. Trong 2 kiểu rừng này có các kiểu phụ thực vật sau:
+ Mv. Kiểu phụ miền thực vật thân thuộc với khu hệ thực vật bản địa Bắc Việt
+ Mi. Kiểu phụ miền thực vật thân thuộc với khu hệ thực vật
+ Mva. Kiểu phụ miền thực vật thân thuộc với khu hệ thực vật bản địa Bắc Việt
+ Đu. Kiểu phụ thổ nhưỡng trên đất địa đới úng nước hàng ngày hay từng mùa.
+ Đk. Kiểu phụ thổ nhưỡng trên đất phi địa đới kiệt nước.
+ N. Kiểu phụ thứ sinh nhân tác.
- Xã hợp thực vật (Ưu hợp và quần hợp)
Thảm thực vật rừng Vườn quốc gia Côn Đảo có 19 quần hợp, ưu hợp và sinh cảnh rừng khác nhau nằm trong 2 kiểu rừng chính sau:
- Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới có 14 xã hợp.
- Kiểu rừng kín nửa rụng lá mưa ẩm nhiệt đới có 5 xã hợp.
Những hệ sinh thái, kiểu rừng và các xã hợp thực vật rừng được phân bố xen kẽ nhau trên một không gian nhỏ hẹp 6.000 ha tại Vườn quốc gia Côn Đảo, đây là một nét độc đáo thu hẹp, có ý nghĩa về mặt tự nhiên và khoa học.
Đặc điểm về sự phân bố thảm thực vật rừng ở Vườn quốc gia Côn Đảo
Cấu trúc chung của thảm thực vật rừng ở Vườn quốc gia Côn Đảo
Do đặc điểm các đảo của Vườn quốc gia Côn Đảo là diện tích nhỏ, địa hình dốc, độ dày tầng đất dày từ 30 cm - 60 cm, với tỷ lệ đá lẫn, đá nổi 20 - 30% và thường xuyên chịu ảnh hưởng của gió biển thổi mạnh, cho nên về hình thái và cấu trúc của các ưu hợp thực vật rừng thường chỉ có từ 1 - 4 tầng so với 5 tầng mà GS.TS. Thái Văn Trừng đã phân chia cho thảm thực vật Việt
- Tầng A1: Tầng vượt tán (tầng trội) gồm các cây có chiều cao cây từ 30 m trở lên.
- Tầng A2: Tầng ưu thế sinh thái gồm các cây có chiều cao cây từ 20 – 30 m
- Tầng A3: Tầng dưới tán gồm các cây có chiều cao từ 8 - 20 m
- Cả 3 tầng trên (A1 + A2 + A3) được gọi là tầng A hay gọi là tầng lập quần của lâm phần (Thảm thực vật Việt Nam - Thái Văn Trừng, 1978)
- Tầng B: Tầng cây bụi có chiều cao cây từ 2 - 7 m
- Tầng C: Tầng thảm tươi gồm các loài cỏ, quyết, dây leo bò dưới đất...
Về hình thái cấu trúc của các ưu hợp thực vật rừng Vườn quốc gia Côn Đảo được thể hiện bởi các thành phần loài cây ưu thế như sau:
- Tầng A1 (tầng vượt tán): Thường không có
- Tầng A2 (tầng ưu thế sinh thái): Gồm khoảng 40 loài thực vật, trong đó có 4 họ có tổ thành số lượng cá thể loài cao: họ Xoan (Meliaceae) chiếm 9,8% tổng số số lượng cây gỗ điều tra (5 loài), họ Sến (Sapotaceae) 4,1% (2 loài), họ Trôm (Sterculiaceae) 3,1% (1 loài), họ Luân quả (Gyroccarpus americanus) 3,1% (2 loài)
- Tầng A3 (tầng dưới tán): có khoảng 50 loài cây ưu thế, trong đó có 7 loài thường gặp có tổ thành cao: Doi Phú Quốc (Archidendron) chiếm 12,8%, Trường (Xerospermum) 12,8%, Trâm (Syzygium) 7,7%, Máu chó (Knema) 6,6%, Thị (Diospyros) 5,4%, Đại phong tử (Hydrocarpus) 3,2%, Bứa (Garcinia) 2,1%...
- Tầng B (tầng cây bụi): Có khoảng 15 loài thực vật ưu thế; trong đó có 8 loài thường gặp Dâu da (Baccaurea ramiflora), Sầm (Memecy), Thầu tấu (Aporosa), Phất dủ (Dracaena), Đùng đình (Caryota), Cáp (Capparis), Bóm lùn (Scolopia), Găng (Randia)...
- Tầng C (tầng thảm tươi): Có khoảng 15 loài ưu thế, trong đó có 7 loài thường gặp như sau: Lấu (Psychotria), Môn tía (Homalomena occulta), Thiên niên kiện (Homalomena occulta), Ràng ràng (Alpinia canchigera), cỏ Ba cạnh (Scleria), cỏ Cú (Cyperus), cỏ Mảnh (Leptaris urceolata)...
Đặc điểm các kiểu thảm thực vật trên cạn
Từ cơ sở phân loại và đặc điểm thảm thực vật nêu trên, qua điều tra, khảo sát phân chia thảm thực vật ở Vườn quốc gia Côn Đảo như sau:
Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới (Rkx)
Kiểu rừng này phân bố ở hầu hết trên các đảo từ sát mép biển đến độ cao 577 m với nhiều dạng địa hình và loại đất khác nhau với thành phần thực vật chủ yếu là cây lá rộng thường xanh, tỷ lệ cây rụng lá theo mùa và rải đều trong năm qua số liệu điều tra thống kê: Số lượng cây rụng lá chiếm khoảng 14,7%, tỷ lệ này phù hợp với tiêu chuẩn phân loại kiểu rừng kín thường xanh của GS.TS. Thái Văn Trừng (năm 1978) quy định là dưới 25%.
Kiểu rừng kín nửa rụng lá mưa ẩm nhiệt đới (Rkn)
Kiểu rừng này phân bố ở các đảo Côn Sơn, hòn Bảy Cạnh, hòn Bà, hòn Cau và hòn Tre Lớn, thường phân bố thành từng vạt nhỏ không liên tục trên nhiều địa hình và điều kiện lập địa khác nhau, thành phần thực vật chủ yếu là loài cây gỗ lớn rụng lá theo mùa hoặc rụng lá rải khắp trong năm.
Kết quả điều tra số loài cây rụng lá là 27/68 tổng số loài cây đã điều tra, chiếm 39,7% tổng số cây. Tỷ lệ cây rụng lá này phù hợp với tiêu chuẩn phân loại kiểu rừng kín nửa rụng lá của GS.TS. Thái Văn Trừng (1978) qui định từ 25 - 75%.