Khác xa với ý nghĩ ban đầu về những người chiến sĩ kiểm lâm - lực lượng được sinh ra để bảo vệ rừng, kiểm soát lâm tặc trên các tuyến rừng… các chiến sĩ kiểm lâm thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo ngoài việc bảo vệ rừng còn phải gánh vác nhiều trọng trách bảo vệ nguồn sinh vật biển, bảo tồn rùa biển. Đặc biệt, họ còn là lực lượng nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh biên giới và hải đảo.
Ngoài 5.990 ha rừng trên cạn, Vườn quốc gia Côn Đảo còn phải quản lý bảo tồn trên 14.000 ha mặt nước trên biển và quản lý 20.500 ha vùng đệm với hệ sinh thái cực kỳ phong phú. Đến nay, có hàng nghìn động thực vật quý hiếm đang sống trong khu vực bảo vệ của Vườn quốc gia Côn Đảo, trong đó nhiều loài được xếp vào sách đỏ... Đặc biệt, Côn Đảo mỗi năm có khoảng 350 con rùa mẹ lên đẻ, chiếm khoảng trên 80% số rùa lên đẻ trên toàn quốc. Với lượng công việc cực lớn nhưng lực lượng lại mỏng nên nhiều khi kiểm lâm phải căng hết mình.
Mùa khô Côn Đảo Mùa khô năm nay đến với Côn Đảo sớm hơn mọi năm, nhưng công tác chuẩn bị tiếp nước cho anh em trạm kiểm lâm trên hòn đảo nhỏ thuộc Vườn Quốc Gia Côn Đảo được chuẩn bị khá kỹ. Tàu BVOI 52 thường xuyên chở khách du lịch nay đã được chuyển sang nhiệm vụ tiếp tế. Để theo kịp chuyến tàu đầu tiên trong mùa khô đi tiếp nước ngọt, chúng tôi phải dậy từ 6 giờ sáng. Trên tàu đã được chuẩn bị mọi thứ từ lọ nước mắm, mớ rau, bao gạo... cùng với 6 m3 nước ngọt đựng trong 60 can nhựa loại 20 lít, còn lại được đựng trong bể chứa của tàu. Tàu trưởng Lê Minh Tho giải thích: Nếu xuất phát muộn, thuỷ triều rút thì anh em sẽ rất vất vả.
Những can nước - hàng hiếm - đang được đưa vào đảo
Điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là Phân Trạm kiểm lâm Bãi Dương thuộc quản lý của Trạm hòn Bảy Cạnh. Khi tàu lớn vừa hạ neo, tất cả anh em tập trung bốc hàng và chỉ nháy mắt chuyến canô hàng đầu tiên được chất đầy. Trên bờ là anh Nguyễn Văn Vĩnh cùng Nguyễn Đức Mỹ đã trực sẵn để đón hàng. Việc tiếp tế diễn ra trong khoảng 30 phút, khi 12 can nước được đặt lên bờ là chiếc canô đã nổ máy chạy tiếp và để lại phía sau nụ cười của những người trên đảo. Tàu chúng tôi tiếp tục chuyển hướng sang Trạm kiểm lâm bãi Cát Lớn. Lúc này đã quá 12 giờ trưa, nước biển bắt đầu rút làm cho tàu phải thả neo cách bờ khoảng hơn 500 m và toàn bộ nước, thực phẩm tiếp tế được chuyển qua canô. Ông Nguyễn Duy Thành, người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm điều khiển canô tiếp tế nói: "Trễ khoảng 15 phút nữa là có khi anh em phải vận chuyển cả hàng trăm mét mới lên tới trạm". Chỉ kịp nói thế rồi ông vội vàng điều khiển canô về tàu. Hàng năm mùa khô tại Côn Đảo thường kéo dài từ đầu tháng 12 đến tháng 5 năm sau. Thời gian này đội tàu tiếp vận phải hoạt động theo vòng quay, cách ngày đi tiếp nước một lần và mỗi lần được 1 hoặc 2 trạm. Vườn quốc gia Côn Đảo hiện có 10 trạm, phân trạm kiểm lâm trên các đảo nhỏ và mỗi trạm được bố trí 2-3 nhân viên. Trong đó, có 7 trạm thường xuyên phải tiếp nước và 3 trạm còn lại khi mùa Yến về làm tổ cần người gác mới phải tiếp tế. Theo vòng quay này khoảng 5 - 7 ngày trạm sẽ được tiếp tế một lần nhưng vào mùa gió chướng, biển động mạnh thuyền không thể ra khơi được, có khi anh em phải chịu "khát" cả tháng. Làm bạn với biển khơi Nằm cách đảo lớn khoảng 7 hải lý, Hòn Bảy Cạnh có tổng diện tích khoảng trên 550 ha rừng, trong đó vùng lõi có hơn 10 ha rừng ngập mặn. Tất cả đều nằm trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt. Đặc biệt, nơi đây còn được coi là "rốn" của rùa biển. Theo ông Nguyễn Trường Giang - Phó Phòng Khoa học và Giáo dục môi trường Vườn quốc gia Côn Đảo thì số rùa hàng năm vào hòn Bảy Cạnh đẻ trứng nhiều hơn tất cả số rùa vào các bãi khác của VN cộng lại. Tính từ tháng 4 đến nay, tại hòn Bảy Cạnh đã có 367 tổ trứng rùa vào đẻ, trong đó lực lượng kiểm lâm đã rời về ấp 281 tổ trứng và đã nở được 29.013 rùa con, tỷ lệ rùa nở đạt trên 82,5%. Tuy nhiên, với một khối lượng lớn công việc như vậy nhưng lực lượng kiểm lâm thường xuyên chỉ có 6 người được phân ra làm một trạm chính và phân trạm. Anh Trần Quang Thêm - Trưởng Trạm kiểm lâm hòn Bảy Cạnh cho biết: "Do đặc tính của loài rùa chỉ vào bờ đẻ trứng vào ban đêm nên vào mùa rùa đẻ phải huy động anh em làm việc cả đêm mới có thể di dời hết những tổ trứng rùa về nơi an toàn. Thế nhưng ban ngày vẫn thường xuyên tổ chức anh em đi kiểm tra trên đảo. Chỉ tính bãi Cát Lớn đêm cao điểm nhất có đến 32 con rùa vào đẻ và như thế 3 anh em phải thức trắng đêm". Với anh em kiểm lâm Côn Đảo đây cũng là thời điểm vui nhất trong năm.
Dù vất vả nhưng người lính kiểm lâm Trần Quang Thêm vẫn hồn nhiên bên tổ trứng rùa Theo quy chế của Vườn quốc gia Côn Đảo, để giảm bớt thiệt thòi trong anh em kiểm lâm các trạm được luôn phiên đảo người với vòng quay 2 năm một lần và một tháng được thay nhau về nghỉ 5 ngày. Vào mùa biển động, tàu không cập hòn được là anh em phải ở lại luôn. "Đây là thời điểm buồn nhất. Ban ngày ngoài việc đội mưa đi tuần tra hàng chục km đường rừng, tối về là cả một không gian tĩnh lặng bao trùm và chỉ còn lại 3 anh em làm bạn với biển khơi. Nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con trỗi dậy. Nhưng chỉ vào đất liền vài hôm lại nhớ đến đảo" - anh Thêm kể lại. Tôi chợt thấy từ khóe mắt của chàng trai xứ Thanh đang ngấn lệ. Thực tế, lực lượng biên phòng tại Côn Đảo chủ yếu đóng quân và quản lý tại một số hòn đảo lớn. Trong đó, lực lượng kiểm lâm được bố trí ở hầu hết các hòn đảo và luôn được coi là tai mắt của an ninh biển. Ông Lê Xuân Ái - Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo cho rằng: "Lực lượng kiểm lâm hiện đang chịu thua thiệt. Ngoài chính sách của ngành lực lượng kiểm lâm, họ không được hưởng bất kỳ khoản phụ cấp nào từ việc đảm bảo an ninh hải đảo và biên giới". Và một chút lãng mạn Mọi khó khăn, gian khổ đã không làm vơi đi những lãng mạn của những người kiểm lâm trẻ tuổi: "Ai ra Côn Đảo mà coi Chúng tôi thực sự bị cuốn hút bởi những câu chuyện về công việc, tâm tư tình cảm, chuyện buồn, chuyện vui... của các chiến sĩ kiểm lâm. Buổi chiều trên biển buông xuống thật nhanh và cuối cùng chúng tôi cũng phải chia tay. Cơn gió chướng đầu mùa thổi ngày càng mạnh làm cho những đợt sóng đổ mỗi lúc một dày thêm, xen lẫn vào đó là hình ảnh những chiến sĩ kiểm lâm đang hàng ngày... giữ rừng giữa biển dần xa. Nhưng những giọng nói vẫn còn mãi âm vang trong tôi.
Ở đây có chuyện nực cười
Hải quân trèo lên núi ở
Kiểm lâm sống giữa biển khơi".