Phát triển mạng lưới khu bảo tồn biển tại Việt Nam, thực trạng và thách thức.

Thứ sáu, 28/06/2013, 15:40 GMT+7
1662 xem
Chia sẻ:

 Trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng ngày môi trường thế giới 05/6 và tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2013, ngày 06/6/2013, tại Hà Tĩnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo quốc gia Phát triển mạng lưới khu bảo tồn biển tại Việt Nam, thực trạng và thách thức.

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia mạng lưới các khu Bảo tồn biển, Bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam tới dự và chủ trì Hội thảo; Tham dự Hội thảo có các địa biểu đến từ Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Lâm nghiệp, đại diện Lãnh đạo các Sở NN&PTNT một số tỉnh ven biển, Ban quản lý các Khu BTB, Vườn quốc gia, một số tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực BTB tại VN. Tham dự và chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo còn có đại diện các tổ chức quốc tế: IUCN, SEAFDEC

 Bảo tồn biển ở Việt Nam đã hình thành từ rất lâu, với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của một số tổ chức chính phủ và phi chính phủ quốc tế, đén nay, Việt Nam đã thiết lập và đi vào hoạt động 8 khu bảo tồn biển (BTB), trong tổng số 16 khu BTB được phê duyệt tại Quyết định 742/QĐ-TTg, ngày 26/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Trong giai đoạn tới, sẽ tập trung mở rộng mạng lưới các khu BTB Việt Nam để đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 có 20 khu BTB được thành lập và đi vào hoạt động.

Tại Hội thảo, đại diện các Khu BTB Cù Lao Chàm, Khu BTB thuộc vườn Quốc gia Núi chúa, Khu BTB thuộc vườn Quốc gia Côn Đảo đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc thiết lập, tổ chức và duy trì hoạt động của các khu BTB, khắc phục các khó khăn về tài chính khi nguồn tài chính và hỗ trợ kỹ thuật của các nhà tài trợ kết thúc, phát huy vai trò của cộng đồng trong việc vận hành các khu BTB, các phương pháp truyền thông nâng cao nhận thức, phát triển sinh kế cộng đồng, phương án bảo vệ một số loài thủy sản quý hiếm, giám sát đa dạng sinh học biển. Chia sẻ những kinh nghiệm trong giải quyết các khó khăn trong công tác phát triển du lịch trong các khu BTB.

Đại diện tố chức Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) đã chia sẻ bài học kinh nghiệm thiết lập, quản lý khu BTB và khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên cơ sở tiếp cận hệ sinh thái tại các nước trong khu vực Đông Nam á, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý về thủy sản, môi trường và một số ngành khác trong việc quản lý khu BTB, lợi ích mang tính vùng của mạng lưới các khu BTB. Đặc biệt là kinh nghiệm thiết lập các khu BTB cần có sự liên kết giữa các tỉnh, vùng , liên vùng và hiệu quả của sự liên kết này.

Thảo luận tại Hội thảo các đại biểu đã tập trung kiến nghị trong thời gian tới cần có các định mức kinh tế - kỹ thuật đặc thù cho công tác BTB, hoàn thiện khung thể chế cho việc quản lý các khu BTB, khi thiết lập các khu BTB cần tính đến sự liên kết giữa hệ sinh thái rừng và biển, tính vùng, liên vùng và khi phân vùng trong khu BTB phải đảm bảo tính khoa học; bổ sung thêm phân hạng khu dự trữ thiên nhiên cho các khu BTB; tiếp tục truyền thông cho tất cả các đối tượng tiếp cận với KBTB, phát triển sinh kế thông qua các nguồn lực bên trong và bên ngoài khu BTB. Về tính pháp lý, cần có chế tài xử lý vi phạm riêng khi khai thác bất hợp pháp nguồn lợi trong khu BTB; đẩy mạnh hợp tác trong khu vực và quốc tế trong việc thiết lập và hoạt động của các khu BTB, phát triển mạng lưới cùng như tổ chức mạng lưới quốc gia và khu vực về các khu BTB. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về BTB.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của các khu BTB, và hiện nay, Bộ NN&PTNT đã và đang rà soát để có những hướng dẫn và khung pháp lý phù hợp nhằm tăng cường hiệu quả của các khu BTB trong thời gian tới.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                               Văn Ninh

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc