Phát triển du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Côn Đảo

Thứ hai, 12/04/2010, 14:15 GMT+7
3284 xem
Chia sẻ:

Vườn quốc gia Côn Đảo là khu vực giàu tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái hình mẫu tại Việt Nam. Bởi ở đây có gần 1.383 loài sinh vật biển, trong đó có 40 loài có tên trong sách đỏ thế giới; là nơi có thể quan sát rùa đẻ trứng; có cảnh quang đẹp…

      Vừa qua, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (gọi tắt là UNDP) và Quỹ Môi trường toàn cầu (gọi tắt là GEF) hợp tác cùng chính phủ Việt Nam khởi xướng đề án tư vấn “Xây dựng chiến lược định hướng phát triển du lịch bền vững cho huyện Côn Đảo”. Đề án này nhằm đưa Vườn quốc gia Côn Đảo trở thành nơi tiên phong về quản lý du lịch sinh thái tại Việt Nam. Trong đó, “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch sinh thái cho vườn quốc gia Côn Đảo thời kỳ 2008 – 2015” là một phần trong nhiệm vụ tư vấn đó. Phạm vi thực hiện bao gồm: 5.990,7 ha các đảo, trong đó diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 4.272,7 ha và diện tích phân khu phục hồi sinh thái là 1.718 ha; phần diện tích trên biển là 14.000 ha.

 
      Côn Đảo được xác định là khu vực ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học; nằm trong danh sách vùng biển được ưu tiên bảo vệ trên phạm vi toàn cầu (năm 2005) và được đề cử công nhận là Di sản thiên nhiên ASEAN (năm 2005). Phó giáo sư Tiến sĩ Phạm Trung Lương – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch khẳng định: “Qua công tác nghiên cứu, chúng tôi đánh giá rất cao tiềm năng du lịch của Côn Đảo nói chung và vườn quốc gia Côn Đảo nói riêng. Côn Đảo là một trong ba đỉnh của tam giác trọng điểm về du lịch sinh thái nhưng hiện trạng phát triển ở đây chưa tương xứng với kỳ vọng của chúng tôi.    
 
      Qua khảo sát và nghiên cứu, vườn quốc gia Côn Đảo là nơi tập hợp 4 hệ sinh thái nhiệt đới điển hình: rừng nhiệt đới hải đảo, rừng ngập mặn, hệ sinh thái san hô và hệ sinh thái cỏ biển. Nhiều loại động thực vật quý hiếm có mặt tại đây. Đặc biệt vườn quốc gia Côn Đảo có số lượng quần thể các loài rùa đẻ trứng cao nhất ở Việt Nam và là khu vực duy nhất có chương trình tổng thể quản lý rùa. Như vậy, có thể thấy, giá trị nổi bật tài nguyên du lịch sinh thái ở vườn quốc gia Côn Đảo là các giá trị về đa dạng sinh học, rất thích hợp cho việc phát triển du lịch sinh thái tại đây.
 
      Tiến sĩ Lê Văn Lanh – Chuyên gia quy hoạch du lịch sinh thái cho biết: “Có thể khẳng định, đây là dự án quy hoạch rất tiên tiến, nếu thực hiện tốt sẽ mang lại hiệu quả kinh tế to lớn cho vườn quốc gia Côn Đảo cũng như cho huyện Côn Đảo, đặc biệt sẽ tạo ra một hình mẫu về du lịch sinh thái cho Việt Nam.”
 
      Với những đặc thù riêng cùng sự phong phú về sinh thái của vườn quốc gia Côn Đảo, việc xây dựng định hướng phát triển đối với du lịch sinh thái nơi đây là việc làm thiết thực. Các chỉ tiêu phát triển cụ thể: đưa ra định hướng phát triển ngành, tổ chức không gian du lịch, cơ sở vật chất và hạ tầng tại vườn quốc gia Côn Đảo phục vụ cho du lịch.
 
      Ông Lê Xuân Ái – Giám đốc vườn quốc gia Côn Đảo cho biết: “ Việc xây dựng quy hoạch tổng thể về du lịch sinh thái trong vườn quốc gia Côn Đảo để làm cơ sở tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương. Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt xây dựng Côn Đảo thành một khu vực kinh tế dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng mục tiêu phát triển Côn Đảo trong tương lai.”
 
      Tuy nhiên, việc thực hiện và xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch sinh thái cho vườn quốc gia Côn Đảo thời kỳ 2008 – 2015 cần phải có sự hỗ trợ rất nhiều từ các ngành liên quan. Yếu tố dân cư, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch… cần được đầu tư đúng mức, có kế hoạch. Có như thế, mới đảm bảo phát triển đúng quy hoạch cũng như phát triển bền vững cho mô hình du lịch sinh thái tại vườn quốc gia Côn Đảo trong tương lai. 
 

     Cho biết thêm về điều này, Phó giáo sư Tiến sĩ Phạm Trung Lương khẳng định: “Để phát triển bền vững, điều đầu tiên là các quy hoạch phải tôn trọng nguyên tắc bảo tồn vườn quốc gia, phát triển hạ tầng phải hết sức chú ý yêu cầu này; thứ ba là cần xác định rõ cơ chế giữa phát triển với bảo tồn.”

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc