Côn Đảo, một huyện đảo thuộc tỉnh BR-VT nổi tiếng với những bãi biển xanh ngắt và nắng vàng rực rỡ… đã và đang là địa chỉ hấp dẫn thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến. Nhiều loại hình du lịch trên đảo vì thế cũng không ngừng phát triển. Trong số này có một loại hình du lịch đặc thù mà khi tham gia, du khách phải trả khoản chi phí đắt hơn những chuyến du lịch thông thường, nhưng lại không hoàn toàn được nghỉ ngơi, thư giãn, tận hưởng hay thỏa mãn sở thích riêng, đó là việc cùng nhau góp sức và hành động để cứu loài rùa biển…
Du khách đang chờ xem rùa đẻ - Ảnh: Thời sự BRT
Với đặc tính luôn di chuyển, mỗi năm, hành trình ngao du của rùa biển có khi lên tới 5.000 km. Thế nhưng, cứ đến mùa sinh sản (chu kỳ từ 2-3 năm/lần), nhiều rùa mẹ lại tìm về vùng biển BR-VT, tìm đến Côn Đảo làm nơi đẻ trứng. Bãi cát được rùa mẹ chọn làm tổ, đẻ trứng thường là các bãi cát phẳng mịn, sạch sẽ, các điều kiện tự nhiên phải còn nguyên vẹn, chưa bị con người tác động nhiều.
Thực tế, để gìn giữ môi trường thiên nhiên Côn Đảo gần như nguyên vẹn, cũng là bảo vệ sự đang dạng sinh học, Côn Đảo đã từng phải qua biết bao lần điều chỉnh để đảm bảo phát triển du lịch hiện đại mà vẫn có thể bảo tồn thiên nhiên để phát triển du lịch bền vững; phải qua nhiều nỗ lực và quyết tâm gìn giữ của các cấp-các ngành, đặc biệt là của Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Tuy nhiên nếu chỉ bảo vệ nguyên vẹn môi trường thiên thiên trên đảo thôi vẫn chưa đủ. Lực lượng kiểm lâm của vườn quốc gia Côn Đảo còn có nhiệm vụ cứu hộ rùa biển. Suốt thời gian rùa biển sinh sản, ròng rã từ tháng 4 đến tháng 9, lực lượng kiểm lân hầu như không được nghỉ ngơi. Do lực lượng mỏng, các anh phải chia nhau đến từng điểm rùa lên làm tổ, ban ngày thì thu dọn bãi cát, làm vệ sinh; Ban đêm chờ Rùa mẹ đẻ xong lại phải di dời trứng, đào hố ấp trứng, đón các ổ rùa con chào đời, thả rùa về biển.
Du khách thích thú với rùa con mới nở
- Ảnh: Thời sự BRT
Sự nỗ lực của các anh trong việc cứu hộ rùa biển đã được đền đáp bằng những kết quả tốt đẹp. Côn Đảo nay đã là nơi được loài Rùa xanh đang có nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu chọn làm tổ sinh sản lớn nhất Việt Nam. Đồng thời qua thực tế và qua khảo sát, nhiều nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế về lĩnh vực sinh vật biển, bảo tồn thiên nhiên cũng đã đánh giá Côn Đảo là nơi bảo vệ và ấp trứng rùa thành công nhất. Từ đây, mỗi năm, đại dương bao la lại được đón nhận thêm 120.000-150.000 rùa con. Và cũng chính từ thành quả này mà ở Côn Đảo có một loại hình du lịch đặc trưng: Du lịch xem rùa đẻ, hay nói cách khác là du lịch…cứu hộ.
Yêu cầu khi đi xem rùa đẻ rất nghiêm ngặt, du khách phải nói chuyện khẽ, di chuyển trong bóng đêm nhẹ nhàng và tuyệt nhiên không được bật đèn bởi rùa rất nhạy cảm với tiếng động, ánh sáng và những vật cản. Do đó, ngồi đợi để xem rùa đẻ cũng phải rất kỳ công, rùa thường lên bờ theo thủy triều nên việc thức trắng đêm để canh xem rùa đẻ là điều rất bình thường. Mặt khác, du khách phải hết sức cẩn thận bởi chỉ một phát hiện khác lạ, rùa mẹ ngay lập tức ngưng đẻ và quay về đại dương. Gian nan xem rùa đẻ, du khách càng thấm thía sự khổ cực gấp bội lần công việc cứu hộ rùa biển của lực lượng chức năng. Rất nhiều du khách sau khi chứng kiến rùa mẹ mang nặng đẻ đau; chứng kiến các kiểm lâm giúp rùa sinh nở trọn vẹn, đã tự nguyện tham gia các phần việc di chuyển trứng, ấp trứng, thả rùa con.
Bà Cate Evelien, du khách Hà lan cho biết: “Thật tuyệt vời khi được chứng kiến cảnh sinh nở của một loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới. Và như vậy cũng có nghĩa là các bạn đã làm được điều tuyệt vời. Điều này khiến tôi thấy mình phải cùng góp sức”.
Không ít du khách còn trở lại Côn Đảo nhiều lần để được tham gia cứu hộ rùa, giúp kiểm lâm nâng cao tỷ lệ rùa nở và trở về biển khỏe mạnh, dù để làm công việc này họ phải trá chi phí du lịch rất đắt.
Chị Trương Ái Vân, hướng dẫn viên du lịch Vườn QGCĐ chia sẻ: “Tôi thường dẫn nhiều đoàn khách xem rùa đẻ, có nhiều người trong số họ đến đây nhiều lần nhưng lần nào cũng đầy háo hức.”
Những du khách chọn loại hình du lịch cứu hộ tại Côn Đảo phần lớn là khách quốc tế. Không chỉ vì yêu thích môi trường thiên nhiên biển đảo, nhiều người trong số họ còn đến đây để nghiên cứu về sinh vật biển. Anh Marco Campoli, một du khách đến từ Ý, từng tìm hiểu về loài rùa biển ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng rùa biển Côn Đảo cho anh ấn tượng mạnh mẽ hơn cả. Bởi tại đây anh được trực tiếp tham gia cứu hộ rùa, được tự tay thả những chú rùa con vừa chào đời về biển. Và biết đâu, trong tỷ lệ sống sót “một phần ngàn” của loài rùa biển, có chú rùa mà Marco Campoli cùng con trai đã thả hôm nay, lại tiếp tục quay về vùng biển Côn Đảo để sinh nở …
Anh Marco Campoli, du khách Ý cho biết: “Tôi rất vui được tham gia cứu hộ rùa biển… Thật kỳ diệu khi mình được giúp cho rùa mẹ đẻ trứng và được thả rùa con về biển. Điều này càng thôi thúc tôi phải quay lại nhiều lần nữa.”
Côn Đảo đã thu hút được ngày càng nhiều du khách tìm đến trong hành trình du ngoạn, khám phá. Và hơn thế, du lịch cứu hộ, một loại hình du lịch rất riêng tại Côn Đảo còn thuyết phục, khơi gợi nâng cao nhận thức, lòng trắc ẩn của con người đối với thiên nhiên hoang dã, để thông qua đó kêu gọi những hành động cụ thể bảo vệ giá trị đa dạng sinh học của hệ sinh thái mà Côn Đảo đang lưu giữ.
Quỳnh Lê