Đất thiêng côn đảo

Thứ sáu, 01/10/2010, 10:17 GMT+7
3051 xem
Chia sẻ:

(Banduong.vn) - Trong suốt 113 năm xâm lược thống trị (1862 - 1975), thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ đã giam cầm hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước Việt Nam thuộc nhiều thế hệ tại Côn Đảo. Chúng biến nơi đây thành “địa ngục trần gian”. Song, đây cũng chính là trường học cách mạng lớn thể hiện ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ Cộng sản. Ngày nay, Côn Đảo được xem là vùng đất thiêng liêng, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Phong cảnh Mũi Cá Mập, Côn Đảo - Ảnh: Hoàng Vũ

Những chứng tích thiêng liêng

 

Đón chúng tôi tại sân bay Cỏ Ống là Chi - cô nhân viên khách sạn Saigon Tourist. Chi người gốc Bà Rịa, nhưng sinh ra và lớn lên tại Côn Đảo. Trong hành trình khám phá vùng đất thiêng, Chi khuyên chúng tôi, dù gì thì nội đêm nay các anh cũng nên đến viếng nghĩa trang Hàng Dương, nhất là phần mộ nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Chi dặn đi dặn lại chúng tôi là nên đến viếng nghĩa trang vào độ 23 đến 24 giờ đêm mới linh nghiệm.

 

Đêm nghĩa trang Hàng Dương huyền bí bởi sự tĩnh lặng. Ánh sáng le lói của những ngọn đèn tích điện năng lượng mặt trời trải dài trên hơn 22.000 ngôi mộ. Đã thành lệ, đêm nào ở đây cũng nhộn nhịp du khách thập phương đến hương khói, nhất là ở phần mộ liệt sĩ Võ Thị Sáu. Côn Đảo được ví như “bàn thờ của Tổ quốc”, bởi sự linh thiêng. Vì thế mà bất cứ ai đặt chân đến Côn Đảo không thể không đến thắp một nén tâm nhang.

 

Ở Côn Đảo không có nhà thờ, chùa chiền, chỉ còn sót lại một di tích nhà thờ trong khu “chuồng cọp” xưa do thực dân đế quốc dựng lên để biện hộ cho sự nhân quyền giả tạo của chúng nơi tù ngục. Người dân sống ở Côn Đảo tôn thờ hai vị nữ huyền thoại là Đức bà Phi Yến (vợ thứ của chúa Nguyễn Ánh) và nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Họ coi đây những vị thánh cứu giúp, chở che mình trong đời sống thường nhật. Nhiều huyền thoại về hai vị nữ thiêng này được lưu truyền mãi qua các thế hệ cư dân ở Côn Đảo.

Du khách đến Côn Đảo bằng đường hàng không - Ảnh: Hoàng Vũ

 

 

Côn Đảo có tới 2/3 điểm đến là di tích lịch sử. Di tích nào ở đây cũng ấn tượng, huyền thiêng. Chỉ riêng hệ thống nhà tù Côn Đảo với những khu biệt giam, phòng tra tấn... cũng đã làm những người được chứng kiến thán phục ý chí kiên cường, bất khuất của những người yêu nước Việt Nam bị tù đày. Hệ thống nhà tù Côn Đảo qua 2 thời kỳ Pháp - Mỹ có tổng cộng 127 phòng giam, 44 xà lim, 504 phòng biệt lập chuồng cọp.

 

Ngay sau khi thành lập nhà tù (1/2/1862), thực dân Pháp đã đày ra Côn Đảo hàng ngàn người. Họ là những nông dân, sĩ phu yêu nước trong các phong trào Cần Vương, Đông Du, Đông kinh nghĩa thục, chống thuế ở Trung kỳ, nổi dậy ở Nam kỳ. Trong đó có các cụ Nguyễn Thiện Kế, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Trần Cao Vân... Những năm sau có hàng chục vạn đảng viên cộng sản như các đồng chí: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, Hà Huy Giáp, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Duy Trinh...

 

Bên cạnh hệ thống nhà tù, chuồng cọp khét tiếng, thực dân Pháp còn thiết lập các cơ sở tù để đầy ải người tù làm lao dịch khổ sai nhằm giết dần mòn sinh mạng tù nhân và phục vụ bộ máy hành chính của đảo. Chỉ riêng khu di tích Cầu Ma Thiên Lãnh, trong những năm 1930 - 1945 đã có 356 tù nhân đã bị chết hại do đòn roi của chúa ngục, đói khát và bệnh tật khi lao động khổ sai làm một cây cầu trên đèo Ông Đụng. Cây cầu sau phải bỏ dở khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.

 

Với những chiến sĩ cựu tù Côn Đảo và du khách từng đến đây hẳn không ai lại không biết đến địa danh Cầu tàu lịch sử 914. Năm 1873, người Pháp khởi sự xây cầu. Đây là nơi chứng kiến nỗi cực nhục đầu tiên của tù nhân Côn Đảo. Nhiều người chỉ qua cầu một lần rồi vĩnh viễn yên nghỉ tại Côn Đảo. Con số 914 được đặt tên cho cầu là do tù nhân nhẩm tính số người chết do lao dịch, tai nạn trong quá trình khổ sai xây cầu. Cầu tàu 914 cũng là nơi chứng kiến những giờ phút vinh quang, xúc động mỗi dịp đảo được giải phóng.

 

Tài nguyên đa dạng

 

Nhìn trên bản đồ, Côn Đảo giống như hình chú gấu bằng ngọc đang vươn mình giữa đại dương bao la. Côn Đảo có tổng diện tích 76,78km2 và là huyện có chính quyền 1 cấp, thông qua các cơ quan chức năng huyện, trực tiếp đến địa bàn dân cư. Dân số tính đến đầu năm 2010 là khoảng 6.300 người, chia làm 10 khu. Những công dân sống trên đảo hôm nay đang thực sự là những người làm chủ huyện đảo. Họ là những người đã được sinh ra trên đảo và cả những người tứ xứ có “duyên” tìm đến cư ngụ tại hòn đảo xinh đẹp này.

 

Trần Anh Đồng - chàng trai quê tận Quảng Trạch (Quảng Bình), tốt nghiệp ngành lâm nghiệp, một lần lên mạng internet tìm nhà tuyển dụng, tình cờ biết Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo tuyển người. Thế rồi, Đồng “bén duyên” với nghề kiểm lâm ở Vườn quốc gia Côn Đảo. Trạm kiểm lâm của Đồng đóng trên hòn Bẩy Cạnh. Ngày ngày, anh vẫn cùng đồng đội tuần tra bảo vệ, ươm trồng những cánh rừng xanh ngắt. Nguyễn Tri Phương là người gốc Hải Phòng, anh ra đảo từ năm 1996. Lúc nào cũng thấy Phương cười tươi khi kể về công việc của anh em kiểm lâm ở Vườn quốc gia Côn Đảo, cho dù cuộc sống sinh hoạt và công việc của các anh ở đảo còn đầy gian khó.

 

Vườn quốc gia Côn Đảo là một trong số 10 vườn quốc gia của Việt Nam và là một trong hai vườn quốc gia vừa có rừng, vừa có biển. Khác với quần thể Cát Bà - Hạ Long, Vườn quốc gia Côn Đảo chỉ có diện tích 19.998 hécta, trong đó rừng núi chiếm 5.998 hécta, mặt biển chiếm 14.000 hécta và một vùng biển đệm quanh các đảo là 20.000 hécta. Động thực vật ở Vườn quốc gia Côn Đảo đa dạng, quý hiếm. Có tới 578 loài cây cho gỗ, 91 loài cây dùng làm thuốc và khoảng 80 loài cây dùng làm cảnh, trong đó có 30 loài phong lan. Rừng Côn Đảo có nhiều thú quý hiếm như: sóc mun, sóc đỏ dạ, đại bàng biển, gầm ghì trắng... Động thực vật biển ở đây rất đa dạng, có tới 23 loài thực vật ngập mặn, 127 loài rong biển, 219 loài san hô, 116 loài giáp xác, 178 loài thân mềm, 160 loài cá rạn san hô. Trong 44 loài quý hiếm được đưa vào sách đỏ,  có hai loài rùa biển là vích và đồi mồi. 

 

Chuyện giao thông và một Côn Đảo yên bình

 

Du khách đến Côn Đảo chủ yếu bằng hàng không và đường thuỷ. Đường hàng không từ Tp. Hồ Chí Minh đi Côn Đảo mỗi tuần có 4 chuyến, bay bằng máy bay ATR72 sức chứa 64 chỗ với thời gian bay khoảng 45-50 phút. Nếu đến Côn Đảo bằng đường thuỷ thì có tàu Côn Đảo số 09 và 10 với hành trình mất khoảng 12 giờ từ đảo vào đất liền hoặc ngược lại. Ở Côn Đảo chỉ có mấy nhánh đường bộ chạy lòng vòng quanh đảo chính. Con đường dài nhất của đảo khởi nguồn từ sân bay Cỏ Ống kéo dài theo bờ biển qua trung tâm thị trấn Côn Đảo đến điểm cuối là cảng Bến Đầm. Tháng 7/2003, cảng Bến Đầm được Bộ GTVT công nhận là phân cảng quốc tế Vũng Tàu nằm trong hệ thống hàng hải quốc tế. Đường Tôn Đức Thắng chạy dọc theo bờ vịnh Côn Sơn luôn vắng bóng xe cộ và đẹp đến mức du khách dễ lầm tưởng mình đang đi trong một công viên ven biển với những rặng bàng cổ kính, những thảm hoa đua sắc.

 

Ở Côn Đảo không có dịch vụ taxi, chỉ có số ít người hành nghề “xe ôm”. Do giá xăng đắt và sự “độc quyền” chở khách nên mấy bác tài “xe ôm” ở đây “chặt chém” khách cũng rất “êm”. Du khách nào máu mê thăm thú hết các địa chỉ trên đảo bằng “xe ôm” là đi tong mấy trăm ngàn đồng. Nam - một tài xế “xe ôm” quê ở Vĩnh Long cho hay, do cuộc sống ở quê khốn khó, anh phiêu bạt ra đảo đã 3 năm nay. Có lưng vốn mua chiếc xe Wave  chạy “xe ôm” kiếm kế sinh nhai. Vào mùa du lịch còn kiếm đủ sống, đến mùa gió chướng, chẳng có mấy khách đến đảo nên cánh “xe ôm” cũng “treo niêu” luôn. Nam bảo, ở đảo mà có xe máy thì tiện đủ đường, nhưng lại lo hỏng hóc không có phụ tùng thay thế, vì ở đảo không có ai kinh doanh thứ này.

 

Do hiếm phương tiện đi lại nên khách đến Côn Đảo phần lớn phải tuân thủ lịch trình của các khách sạn. Muốn ra sân bay đáp chuyến sáng vào đất liền, khách phải dạy sớm, ra xe chuyên chở của khách sạn đúng giờ, nếu không chỉ có nước ở lại và bay về chuyến khác.

 

Còn nhớ hôm mới đến Côn Đảo, cô nhân viên Saigontourist thông tin mấy điều khá thú vị mà chỉ ở Côn Đảo mới có. Đó là chuyện thường nhật ngày hai lần cúp điện. Rồi chuyện đi xe máy ở đây quăng quật xó xỉnh nào cũng chẳng sợ mất. Chuyện rau, thịt là thứ xa xỉ, còn hải sản là thức ăn của “nhà nghèo”... Hoá ra những chuyện Chi nói là có thực. Chẳng là, để có điện dùng cho cả đảo, Nhà nước cho xây dựng 2 nhà máy điện Diesel. Thông lệ cứ 7 giờ sáng và 5 giờ chiều hàng ngày là toàn đảo bị cúp điện để chuyển nguồn. Còn chuyện không lo mất xe máy rõ hơn khi chúng tôi được biết tổng số cả đảo hiện chỉ có vài chục chiếc xe máy được dân mua trong đất liền chuyển ra. Nhẩm tính số tiền chi phí mang được 1 chiếc xe máy ra đảo gần bằng số tiền mua được 2 chiếc trong đất liền. Cũng vì cái lý này mà ngồi trò chuyện với mấy bác tài “xe ôm”, có anh “xui” tôi đầu tư mở một cửa hàng bán xe gắn máy ở Côn Đảo thì chẳng mấy chốc phát đạt. Cái lý của người kiếm sống là vậy.

 

Tạm biệt Côn Đảo với biết bao hình ảnh lưu nhớ, nhưng câu chuyện “kinh doanh” xe máy mà các bác tài “xe ôm” luận bàn làm tôi không khỏi nghĩ suy. Giả sử có ai đó quyết định kinh doanh hoặc cấp phép kinh doanh môtô, xe gắn máy ở nơi đảo này liệu có nhận ra rằng hòn đảo yên bình này sẽ bị đảo lộn bởi gia tăng phương tiện cá nhân, bởi sự ô nhiễm môi trường. Và không ai dám chắc tình hình an ninh trật tự và vi phạm pháp luật ATGT ở hòn đảo này lại chẳng thua kém các đô thị trong đất liền. 

 

Côn Đảo, mùa thu 2010 

                                                                                                                                                          H.H.P

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc