Đây là loài cua cạn to nhất Việt Nam, chiều dài mai có thể hơn 10cm. Đôi càng to dị hình (bên to, bên nhỏ) chắc khoẻ của chúng đủ sức xé lá và ăn các loài thực vật.
Loài này có mặt ở vườn quốc gia Côn Đảo đã lâu mà giới khoa học nước nhà không hề hay biết. Chúng chưa có tên trong sách động vật chí và mỗi lần nhắc đến loài này, các nhà nghiên cứu chỉ biết gọi với cái tên chung chung là “cua xe tăng” (đơn giản vì nó bò giống như... xe tăng). Sau nhiều lần đến Côn Đảo để mục kích cua xe tăng, chúng tôi xin giới thiệu một số nét thú vị về loài cua này.
Xứng với hỗn danh
Sau khi thu mẫu và đối chiếu với mô tả trước đây của các nhà nghiên cứu, cũng như tham vấn các chuyên gia nước ngoài về cua xe tăng thì bức màn bí ẩn về loài cua kỳ lạ này đã được vén lên dần. Cua xe tăng có tên khoa học (tên Latinh) là Cardisoma canifex (Herbst, 1794) thuộc họ cua cạn – Geocarcinidae. Tên giống Cardisoma của loài cua này có nguồn gốc từ tiếng Latinh với sự kết hợp của hai nhóm từ: “Cardi” có nghĩa là “trái tim”, “soma” có nghĩa là “cơ thể”, do hình dạng mai trông rất giống hình trái tim. Loài cua này còn có đồng danh khác như Cardisoma obesum Dana, 1851; Cardisoma urvillei Milne Edwards, 1853; Perigrapsus excelsus Heller, 1865; Cardisoma carnifex Miers, 1886; Cardisoma guanhumi var. carnifex Ortmann, 1894; Cancer hydrodromus Herbst, 1796.
Cua xe tăng là loài cua cạn to nhất ở Việt Nam và bán đảo Đông Dương: chiều dài mai có thể hơn 10cm. Cua xe tăng là loài ăn tạp, chân bơi sau cùng biến thành chân để bò, các gai trên mai cũng đã tiêu biến hoàn toàn, thích nghi với đời sống hang. Màu sắc mai cua có màu hạt dẻ (nâu sẫm). Cua xe tăng có thể đào hang sâu đến 2m với đường kính hang 8 – 12cm. Mặc dù sống trong hang ở trên cạn vùng chân triều hoặc những bãi cát, sình pha đá trên mực nước triều nhưng cua xe tăng phải di cư ra biển để đẻ trứng, do đó là nơi có nhiệt độ nước ổn định và giàu thức ăn, thích hợp cho ấu trùng phát triển. Vòng đời của ấu trùng trải qua năm giai đoạn: giai đoạn đầu kéo dài 22 – 25 ngày, sau đó chuyển qua giai đoạn ấu trùng mắt to. Lúc này chúng trôi nổi trong các đại dương cho đến khi hình thái bên ngoài phát triển giống với cua xe tăng trưởng thành. Tuy nhiên, kích cỡ lúc này chỉ vài milimet. Sau đó, cua con sẽ tìm đường trở về nơi tổ tiên chúng từng sống.
To lớn mà mong manh
Trên thế giới, cua xe tăng phân bố rất rộng: châu Phi và biển Inđô – Thái Bình Dương, kể cả đảo Fiji. Dân đảo Fiji đã đưa hình loài cua quý hiếm này vào tem thư của đảo quốc. Ở Việt Nam, duy nhất có vườn quốc gia Côn Đảo, khu vực rừng ngập mặn là có loài cua này. Sở dĩ loài cua xe tăng phân bố rộng vì các giai đoạn ấu trùng của loài này chu du trong các vùng nước ấm của đại dương, bị gió dạt sóng xô rồi bằng cách nào đó các cua non lại trở về nguồn. Nhưng vì sao cua xe tăng có thể sống ở vùng ngập mặn Côn Đảo mà không thể sống ở các vùng rừng ngập mặn khác như Cần Giờ, Cà Mau... vẫn là điều khó lý giải nếu không có những nghiên cứu chuyên sâu đa ngành như dòng chảy hải lưu, lưới thức ăn của loài, sinh thái, di truyền… cũng như những điều kiện môi trường sống cụ thể của loài cua xe tăng Côn Đảo.
Loài cua này không có tên khoa học trong sách vở của nước nhà, nên muốn bảo tồn chúng thì cần có chương trình nghiên cứu chuyên sâu. Nhiều năm qua, người ta đã bất công khi không thèm ngó ngàng đến chúng thì bây giờ vẫn chưa muộn để đưa ra những chính sách bảo tồn hợp lý.