Côn Đảo xa mà gần

Thứ ba, 19/06/2012, 09:00 GMT+7
7625 xem
Chia sẻ:

Trong những ngày cả nước kỷ niệm 37 năm miền Nam giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất, chúng tôi may mắn được có mặt trong đoàn cán bộ tỉnh Sóc Trăng đi khảo sát thực tế vùng biển Sóc Trăng kết hợp tham quan di tích lịch sử Côn Đảo.

Ông Trần Ngọc Ẩn, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Sóc Trăng, đơn vị tổ chức chuyến khảo sát, tham quan cho biết: Chuyến đi này nằm trong kế hoạch tuyên truyền về biển đảo của tỉnh cũng như nắm bắt thực tế để có kế hoạch tốt hơn trong thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên địa bàn tỉnh cũng như vùng ven biển, ngư trường biển Sóc Trăng...

* Côn Đảo mỗi ngày như gần hơn với đất Mẹ

Dù gặp phải sóng to gió lớn, nhưng sau nửa ngày hành trình trên biển, hình ảnh quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc cũng hiện dần ra. Mọi người trên tàu ồ lên: Đảo kìa, thấy đảo rồi! Nhiều người dù còn mệt nhoài vì sóng dữ cũng tươi tỉnh hẳn , chỉ mong nhanh được bước lên một vùng đất huyền bí linh thiêng mà lâu nay chỉ nghe nói là “địa ngục trần gian” của một thời đất nước còn chìm trong ách giặc ngoại xâm.

Cách từ cả chục km, những hòn đảo trong quần thể Côn Lôn đã hiện rõ: Hòn Trứng, trông giống cái trứng nổi giữa biển khơi; hòn Bông Lan, hòn Bảy Cạnh, Trác Lớn, Tài lớn... lần lượt hiện ra. Khi tàu vào vịnh Côn Lôn, hình ảnh đầu tiên nhìn thấy được là bến tàu tấp nập tàu thuyền neo đậu của cả ngư dân và tàu du lịch đông đúc giữa 2 cầu tàu 914 và bến tàu du lịch. Bãi biển đẹp với bãi cát vàng và những du khách đông đúc đang tắm biển, đi dạo trên bờ cát mịn. Ngay phía trên là những hàng dương, hàng cây bàng cổ thụ hàng trăm năm. Trụ sở huyện ủy và UBND huyện Côn Đảo to đẹp hiện ra với hàng chữ kết bằng hoa lớn chạy dài trước cổng: “Chào mừng kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975-30/4/2012” mà cách xa hàng trăm mét vẫn nhìn rõ như đón chào du khách tới thăm đảo Ngọc.

Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, là một quần đảo gồm 16 đảo lớn nhỏ, cách thành phố Hồ Chí Minh 230km, Vũng Tàu 185 km, cách cửa sông Hậu thuộc tỉnh Sóc Trăng chỉ 45 hải lý, tương đương với 83km; tổng diện tích tự nhiên (phần đất liền) là 76km2, nhưng riêng đảo lớn Côn Sơn (52km2) là có dân ở. Hùng vĩ giữa biển khơi, khí hậu quanh năm ôn hòa, với nhiều tài nguyên biển, rừng phong phú, đa dạng, nhưng từ thời Pháp thuộc cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Côn Đảo chỉ được biết đến như là một hệ thống nhà tù khét tiếng, là nơi giam cầm hàng vạn chiến sĩ cách mạng với những tội danh chúng cho là đặc biệt nguy hiểm. Trước đây, nói đến Côn Đảo ai cũng nghĩ là nơi xa xôi vời vợi, còn bây giờ, Côn Đảo đang ngày càng trở nên gần hơn bởi phương tiện ra đảo ngày càng dễ dàng.

Từ đất liền ra Côn Đảo bây giờ có nhiều đường. Về vận tải biển, từ Vũng Tàu ra Côn Đảo có 2 tàu khách, sức chở mỗi chuyến 200 hành khách và khoảng 70 tấn hàng hóa, mỗi ngày một chuyến đi về, thời gian đi từ Vũng Tàu ra tới Côn Đảo khoảng trên dưới 12 tiếng đồng hồ. Về đường hàng không, sân bay Côn Đảo hiện đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng đường băng đưa vào khai thác các loại máy bay có sức chở đến 90 hành khách/chuyến, với 4 chuyến bay mỗi ngày giữa Côn Đảo – thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại; thời gian bay chỉ 45 phút là tới đảo. Đặc biệt, từ ngày 19/5/2012 vừa qua, hãng Air Mekong đã mở đường bay thẳng từ Hà Nội đến Côn Đảo vào thứ 4, thứ 7 hàng tuần, với giờ cất cánh từ sân bay Nội Bài là 13h đến sân bay Cỏ Ống (Côn Đảo) lúc 15h. Việc mở đường bay thẳng Hà Nội – Côn Đảo nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao trong mùa hè đến vùng biển đảo phía Nam. Hãng sẽ tăng chuyến vào thứ 5 và thứ 6, nếu nhu cầu từ Hà Nội đến Côn Đảo tiếp tục tăng cao trong mùa hè này. Trước đó, từ ngày 1/6/2011, tại cảng hàng không Cần Thơ, Công ty bay dịch vụ Hàng không (VASCO) cũng đã chính thức làm lễ khai trương đường bay Cần Thơ - Côn Đảo và ngược lại với tần suất bốn chuyến/tuần vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và Chủ nhật bằng loại máy bay ATR72-500 thế hệ mới, thời gian bay chỉ mất khoảng 40 phút/lượt.

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: Hiện Sóc Trăng đang xúc tiến việc mở tuyến du lịch bằng tàu cao tốc nối Sóc Trăng với Côn Đảo. Việc khảo sát, kêu gọi đầu tư đã được tiến hành, đã có một số nhà đầu tư đã trình dự án, tỉnh đang xem xét và trong tương lai không xa, tuyến cao tốc này sẽ được đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu du lịch biển đảo của người dân miền tây Nam bộ. Theo đề án, do khoảng cách chỉ bằng nửa đường so với từ TP.Vũng Tàu ra (83 km so với 185 km) nên từ Sóc Trăng ra Côn Đảo chỉ mất khoảng 3-4 tiếng bằng tàu cao tốc.

Như vậy, với nhiều tuyến bay, tuyến biển đã và đang được kết nối, Côn Đảo mỗi ngày như gần hơn với đất Mẹ.

* Vùng đất linh thiêng, kỳ thú

Năm 2011, tạp chí Lonely Planet đã bình chọn top 9 hoang đảo quyến rũ nhất hành tinh, trong đó có Côn Đảo của Việt Nam. Trong lời bình về Côn Đảo có đoạn: “Được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, Côn Đảo từng là nhà tù khét tiếng dã man của thực dân Pháp tại Đông Dương. Ngày nay, được bảo tồn trong vườn quốc gia Côn Đảo, 16 đảo lớn nhỏ ở đây là cả thế giới tự nhiên phong phú, đa dạng gồm rừng nguyên sinh, biển xanh màu ngọc bích, những bãi cát trắng mịn và là quê hương của các loài lợn biển, rùa, cá heo và những rạn san hô tuyệt đẹp...”

Đến Côn Đảo hôm nay, du khách sẽ được nghe những câu chuyện huyền bí và kỳ thú về vùng đất này, những câu chuyện liên quan đến những tù nhân, những người yêu nước bị tù đày tra tấn dưới các chế độ hà khắc của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trước đây. Ngày nay, dấu ấn của Côn Đảo là hệ thống di tích lịch sử để lại với 19 di tích trọng điểm thuộc Khu di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo. Những hình tượng, chứng tích còn lưu giữ lại là một bản cáo trạng sống về tội ác của thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai.

Sau khi chiếm đóng Côn Đảo, từ tháng 3/1862, thực dân Pháp đã biến Côn Đảo thành nơi giam cầm, đày đọa những nông dân và sỹ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương, Đông kinh nghĩa thục và các cuộc nổi dậy ở nhiều nơi trong cả nước, trong đó có những danh sỹ như cụ Phan Chu Trinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng… Sau đó là hàng vạn cán bộ, đảng viên cộng sản thời kỳ tiền khởi nghĩa, trong đó có các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng… Trải qua thời kỳ thực dân Pháp, rồi đế quốc Mỹ, số lượng tù nhân bị lưu đày tại Côn Đảo ngày càng tăng lên, có lúc lên tới trên 10.000 người (1967-1969), trong đó có phụ nữ, sinh viên, học sinh và cả trẻ em theo mẹ chịu chung cảnh tù đày. Theo tài liệu của BQL di tích Côn Đảo, đến ngày giải phóng, tại nhà tù Côn Đảo có 7.448 tù nhân, trong đó có 4.243 tù chính trị, 494 tù nhân nữ...

Tư dinh của các chúa đảo nay trở thành nơi trưng bày di tích. Nhìn những bức ảnh chụp tù nhân, những công cụ đặc chế để tra tấn, đánh đập tù nhân…, người xem không khỏi xúc động. Qua các thời kỳ, hệ thống nhà tù Côn Đảo có tổng cộng 127 phòng giam, 44 xà lim, 504 phòng “Biệt lập chuồng cọp”. Sự tồn tại của mỗi loại phòng giam: hầm đá, phòng cầm cố tập thể, biệt lập chuồng cọp (kiểu Pháp, kiểu Mỹ), phòng tắm nắng, hầm phân bò… đều gắn liền với những câu chuyện rùng rợn về cách mà bọn cai ngục tra tấn, hành hạ người tù cho đến chết. Ngay cả bệnh xá cũng không còn là nơi chữa bệnh, mà trở thành nhà xác, nơi tù nhân "có vào mà không có ra". Hình ảnh đặc biệt ấn tượng với du khách là cảnh tượng tù nhân Nguyễn Thị Bé, dù bị giam trong chồng cọp nhưng để phản đối chế độ hà khắc của nhà tù đã dùng dao lam rạch bụng, móc ruột ném thẳng vào mặt tên cai ngục... Rồi huyền thoại về Người con gái Đất Đỏ-chị Võ Thị Sáu quả cảm vô song, linh thiêng.

Qua nhiều thế hệ bị tù đày kéo dài suốt 113 năm, hàng vạn chiến sỹ cách mạng, đồng bào yêu nước đã hy sinh dưới ách tàn bạo của thực dân, đế quốc. Hơn 20 ngàn người đã nằm lại nghĩa trang Hàng Dương. Ngày nay, nghĩa trang được tôn tạo lại to đẹp, với mục đích giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau. Mỗi nắm đất nơi đây là một dấu tích của bao sự kiện đấu tranh cách mạng qua các thời kỳ. Biết bao câu chuyện lưu truyền rằng, kẻ thù càng dã man tàn bạo bao nhiêu thì những chiến sỹ yêu nước cách mạng lại càng kiên trung, bất khuất bấy nhiêu.

Chính vì ý nghĩa lịch sử to lớn của hệ thống nhà tù Côn Đảo mà ngày 10/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng Côn Đảo là 1 trong 13 di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia./.

(Theo TTXVN)

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc