Biến đổi khí hậu đang chuyển hóa 99% rùa con thành rùa cái

Thứ ba, 07/08/2018, 11:13 GMT+7
8045 xem
Chia sẻ:

Đó là nhận định của các nhà sinh học thế giới được đăng tải trên The Washington Post ngày 08/01/2018 của tác giả Ben Guarino.

rua_xanh_bo_ve_bien
Một rùa xanh bò xuống biển sau khi đẻ thành công  một tổ trứng tại đảo Bảy Cạnh-Vườn quốc gia Côn Đảo
Theo báo cáo gần đây của Tạp chí Current Biology, hiện đã có một vài quần thể rùa biển bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ khi đa phần các rùa con đã mang giới tính cái. “Đây là một trong những bài báo bảo tồn quan trọng nhất của thập kỉ”, nhà sinh vật học David Owens - Giáo sư danh dự của trường đại học Charleston đánh giá như vậy và sẽ không lâu nữa, có thể chỉ trong vài thập kỷ tới “không đủ rùa đực trong quần thể rùa biển nữa,” ông đã cảnh báo.
Đã từ lâu khoa học đã cho chúng ta biết, giới tính của rùa biển không được quy định từ nhiễm sắc thể (gene) của bố mẹ chúng mà hoàn toàn phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường bên ngoài của bãi cát ấp trứng quy định. Đây là một đặc điểm sinh học khác thường của loài rùa biển không giống như của con người và các loài động vật có vú khác. Và chính đặc điểm sinh học khác thường này, theo các nhà khoa học, lại đang là mối đe dọa đối với rùa biển trong tương lai khi điều kiện biến đổi khí hậu và hiện tượng Trái Đất đang ấm lên đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Tại quần đảo Raine (Đông Bắc nước Úc), hàng năm đã ghi nhận có khoảng 200.000 cá thể rùa xanh lên lên làm tổ đẻ trứng. Đây được xem là một trong những nơi đẻ trứng tập trung nhiều rùa xanh nhất trên thế giới. Allen (nhà nghiên cứu nội tiết học của Cơ quan quản lý khí tượng và Đại dương quốc gia Mỹ) và cộng sự (2018) đã tiến hành nghiên cứu xác định giới tính của rùa con tại đây bằng phương pháp kiểm tra hóc môn và đã cho ra một kết quả ngoài sức tưởng tượng: 99% rùa con là rùa cái, 87% rùa trưởng thành là rùa mẹ và tỉ lệ đực cái là 1:116 (cứ 01 rùa đực là có 116 rùa cái).
Ảnh hưởng các điều kiện môi trường đối với sự ấp nở của trứng rùa:
Quá trình ấp và nở của trứng rùa biển trong tự nhiên phụ thuộc vào các điều kiện môi trường, bao gồm các yếu tố cơ bản: sự trao đổi khí, độ ẩm và nhiệt độ của bãi cát ấp trứng khi đáp ứng thỏa mãn giới hạn sự chịu đựng của phôi trong trứng. Khi sự trao đổi khí không thỏa đáng sẽ làm chậm sự phát triển của phôi và tăng tỉ lệ chết phôi. Còn ảnh hưởng của các cấp độ ẩm được thấy rõ hơn, trứng rùa biển rất nhạy cảm với sự khô hạn, tỉ lệ chết phôi cao khi điều kiện bãi cát khô hơn và ngược lại sự ngập nước của tổ trứng trong vài giờ sẽ làm tăng tỉ lệ chết phôi do thiếu ô xy cần thiết cho sự hô hấp của phôi trứng. Đối với nhiệt độ bãi cát là yếu tố tác động được thấy rõ ràng nhất. Theo Miller (1985), phôi trứng rùa biển sẽ không phát triển ở nhiệt độ tối thiểu không đổi là 23oC và nhiệt độ tối đa không đổi là 34oC; nhiệt độ càng cao thì thời gian ấp trứng càng ngắn. Nhiều nghiên cứu cũng đã cho thấy: trứng rùa được ấp ở nhiệt độ <23oC vào 1/3 của kỳ ấp trứng thì rất hiếm nở, trứng được ấp ở nhiệt độ >33oC trong thời gian dài sẽ làm chết phôi trứng không nở được. Rõ ràng nhiệt độ của bãi ấp trứng là yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến các thông số về thời gian trứng nở, tỉ lệ nở, tỉ lệ giới tính của rùa con. Một nghiên cứu tại Vườn quốc gia Côn Đảo (theo Nguyễn Trường Giang, 2003) đối với rùa xanh tại Côn Đảo có thời gian ấp trứng là 55,18 ± 6,22 ngày (biến động từ 41 - 86 ngày); một nghiên cứu khác của Maria A (2003) đối với rùa xanh tại Côn Đảo: nhiệt độ ở giai đoạn 1/3 giữa của kỳ ấp trứng là 28,6 ± 0,8oC thì thời gian ấp trứng là 57,5 ± 2,4 ngày với tỉ lệ trứng nở là 76,1%.…và khoa học cũng cho chúng ta biết: ở tất cả các loài rùa biển, quá trình ấp trứng trong môi trường nhiệt độ cao (vượt qua mức nhiệt độ cân bằng) sẽ nở ra cá thể cái với tỉ lệ cao và ngược lại ở môi trường nhiệt độ thấp hơn thì rùa con nở ra mang giới tính đực nhiều hơn.

Các yếu tố ngoại cảnh tác động đến sự ấp trứng rùa biển được mô tả dưới đây:
 Untitled
Theo Allen và các cộng sự: “Đó không phải là gen. Đó chính là nhiệt độ và tại mức nhiệt độ cân bằng (pivot temperature), trứng rùa nở ra rùa đực và rùa cái với tỉ lệ 50:50. Đối với rùa xanh (Chelonia mydas), nhiệt độ cân bằng này là 29,30C. Nếu thấp hơn 29,30C vài độ, tất cả rùa biển nở đều là rùa đực, nhiệt độ tăng lên vài độ thì chỉ có rùa cái nở ra”. Nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới cũng cho biết: ở các loài rùa khác nhau thì mức nhiệt độ cân bằng giới tính có sự khác nhau.
tha_rua_ve_bien
Trứng rùa biển từ VQG Côn Đảo được chuyển vị về Cù Lao Chàm ấp nở thành công và thả rùa con về biển vào tháng 8 năm 2017
Liên quan đến giới tính của rùa biển, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu khác nhau để làm mái che tại các bãi ấp trứng rùa, và kết quả các nghiên cứu đó cho thấy khi sử dụng các vật liệu làm mái che khác nhau (bằng lưới màu xanh, lưới màu đen, tấm bạt plastics, bằng lá,... ) thì khi rùa nở có tỉ lệ giới tính cũng khác khác nhau. Trong chương trình bảo tồn và nghiên cứu rùa biển của mình, Vườn quốc gia Côn Đảo cũng quan tâm khá sớm đến tỉ lệ giới tính trong quá trình ấp trứng và vật liệu sử dụng thường là các loại lưới nhựa xanh, đen và lá dừa với mức độ che khác nhau, rất tiếc chưa có thống kê chi tiết về kết quả nghiên cứu, và nghiên cứu này ban đầu chỉ quan tâm đến tỉ lệ giới tính (tăng tỉ lệ rùa đực cho quần thể), điều này lại rất ý nghĩa và phù hợp với hoàn cảnh biến đổi khí hậu, nhiệt độ ấm lên toàn cầu đã và đang diễn ra ở hiện tại và nghiêm trọng hơn trong tương lai. Do vậy, có điều kiện Vườn quốc gia Côn Đảo nên quan tâm hơn nữa trong nghiên cứu về giới tính của rùa biển nhằm tạo sự cân bằng về giới tính cho quần thể rùa biển trong tương lai để ứng phó với điều kiện bất thường của khí hậu.
ho_ap_trung ho_ap_trung_2
Vườn quốc gia Côn Đảo thường sử dụng vật liệu lưới nhựa, lá dừa làm dàn che tại các hồ ấp trứng rùa để điều tiết giới tính cho rùa con.
Thời gian gần đây, sự hợp tác giữa Vườn quốc gia Côn Đảo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tỉnh Quảng Nam thực hiện một nghiên cứu mới về bảo tồn rùa biển, đó là chuyển vị 1.400 trứng rùa biển có 40 ngày tuổi đã được ấp tự nhiên tại đảo Bảy Cạnh - Côn Đảo di dời về tiếp tục ấp nở thành công với tỉ lệ nở khá cao tại bãi cát của Cù Lao Chàm, kết quả này cho thấy sự thành công bước đầu của một hướng nghiên cứu mới trong bảo tồn chuyển vị rùa biển, nếu số lượng rùa con được nở ra tại bãi cát của Cù Lao Chàm, sau 25 đến 30 năm quay về đẻ trứng thì nghiên cứu này đóng góp quan trọng trong nỗ lực hành động quốc gia về bảo tồn và phục hồi rùa biển trong phạm vi cả nước.
Phần cuối bài báo đã đề cập nói trên, Owens và Allen cũng đã nhận định “các phương pháp quản lý vẫn có khả năng khắc phục được, che bóng râm bãi biển hoặc tưới nước trên cát có thể làm giảm nhiệt độ nơi ấp trứng rùa biển. Chính phủ Úc thông qua dự án phục hồi quần thể rùa biển đảo Raine đang triển khai thực hiện giám sát và bảo vệ loài động vật này”.
Với quá trình và kinh nghiệm hơn 2 thập kỷ quản lý, bảo tồn các loài rùa biển, Vườn quốc gia Côn Đảo xứng đáng là lá cờ đầu trong việc nghiên cứu, bảo tồn các loài rùa biển quý, hiếm trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu nhằm duy trì và phát triển quần thể rùa biển cho đất nước trong tương lai. Loài rùa có thể sống đến 70 - 80 năm, chúng ta vẫn còn hàng chục năm phía trước cho đến khi tất cả rùa đực biến mất, như Allen đã nói “thứ chúng ta đang có trong tay là thời gian”. Nhưng quan trọng nhất là chúng ta phải hành động ngay lúc này và ngay lập tức!!!
Biên soạn: Lê Xuân Đà(1)Lê Xuân Ái(2)
Tài liệu tham khảo:
  • Ben Guarino, January 8, 2018. Climate change is turning 99 percent of these baby sea turtles female (The Washington Post, January 8, 2018);
  • Nguyễn Trường Giang, 2009. Cẩm nang nghiên cứu và bảo tồn rùa biển. Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà Nội 2009
 
(1): Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo.
(2): Cố vấn khoa học Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm
.
Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc