Bảo vệ động, thực vật hoang dã, góp phần bảo tồn bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam

Thứ năm, 03/09/2009, 09:37 GMT+7
2506 xem
Chia sẻ:

Đó là chủ đề của Hội thảo sẽ được tổ chức từ ngày 12-13/8/2009 tại Khách sạn Vân Long Resort, Khu Bảo tồn đất ngập nước Vân Long, xã Gia Vân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Hội thảo "Bảo vệ động, thực vật hoang dã, góp phần bảo tồn bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam" được tổ chức nhằm tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cán bộ, viên chức, đảng viên và người dân thay đổi hành vi, thói quen tiêu dùng động vật, thực vật hoang dã.

Hội thảo được tổ chức do sự phối hợp và tài trợ của Traffic (mạng lưới theo dõi, giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã toàn cầu), Ban Tuyên giáo Trung ương, phối hợp với Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, và Huyện ủy, Ban Tuyên giáo huyện ủy huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Bảo vệ động, thực vật hoang dã góp phần bảo tồn bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên là một trong những chủ trương đã được Đảng ta khẳng định tại nhiều văn kiện quan trọng của Đảng (Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị, Khoá IX; Chỉ thị 29-CT/TW ngày 21/01/2009 của Ban Bí thư, Khoá X và Hướng dẫn số 72-HD/BTGTW ngày 20/3/2009 của Ban Tuyên giáo Trung ương về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước) cũng như sự thể hiện trong những văn bản pháp luật.

Quy định về bảo tồn động, thực vật hoang dã, trong đó có Luật Đa dạng sinh học, được Quốc hội thông qua tháng 11/2008. Đây là văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất, điều chỉnh toàn diện và thống nhất các vấn đề về đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn động, thực vật hoang dã nói riêng. Luật có dành một chương riêng (chương IV) quy định về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật. Quan điểm về bảo tồn động, thực vật hoang dã trong Luật Đa dạng sinh học đã có sự đổi mới cơ bản, đó là bảo tồn phải kết hợp với khai thác, sử dụng; chia sẻ lợi ích giữa các bên có liên quan bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và lợi ích của các tổ chức, cá nhân.

Dù đã có nhiều nghị quyết, văn bản pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã, nhưng trên thực tế, nguồn tài nguyên đa dạng sinh học của chúng ta tiếp tục bị suy thoái, các loài động, thực vật tiếp tục bị rơi vào nguy cơ tuyệt chủng trên lãnh thổ Việt Nam.

Tình trạng buôn bán, vận chuyển động thực vật hoang dã trái phép từ năm 1996-2007 ngày càng gia tăng, quy mô ngày càng lớn, cả nước đã có 14.758 vụ vi phạm về săn bắt và buôn bán động, thực vật hoang dã. Lực lượng chức năng đã tịch thu 181.670 cá thể với trọng lượng khoảng 635 tấn. Số vụ vi phạm hàng năm vẫn có xu hướng tăng. Việt Nam không chỉ đóng vai trò là nơi cung cấp, mà còn là thị trường trung chuyển đối với động, thực vật hoang dã đi các thị trường khác. Vụ bắt giữ trên 25 tấn tê tê đông lạnh và vảy tê tê năm 2008 và gần đây là 6,2 tấn ngà voi ở cảng Hải phòng càng cho thấy Việt Nam đã và đang trở thành nơi trung chuyển động, thực vật hoang dã trái phép sang thị trường quốc tế.

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần là bởi công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ động, thực vật hoang dã chưa được quan tâm đúng mức; tuyên truyền vận động chưa kết hợp tốt với các biện pháp kinh tế nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Người dân vẫn có thị hiếu tiêu dùng động vật hoang dã. Tiêu thụ động, thực vật hoang dã vẫn diễn ra phổ biến công khai ở nhiều cơ sở kinh doanh phục vụ ăn uống.

Hội thảo "Bảo vệ động, thực vật hoang dã, góp phần bảo tồn bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam" được tổ chức nhằm tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cán bộ, viên chức, đảng viên và người dân thay đổi hành vi, thói quen tiêu dùng động vật, thực vật hoang dã.
Hội thảo sẽ tập trung thảo luận về giải pháp bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã, góp phần bảo tồn bền vững tài nguyên và môi trường Việt Nam trong thời gian tới như sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đa dạng sinh học, và các văn bản dưới luật khác, trong đó xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì quản lý; quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện. Tăng cường công tác tuyên tuyền giáo dục cán bộ, viên chức, đảng viên, người dân thay đổi hành vi, thói quen tiêu dùng động, thực vật hoang dã không bền vững. Có chính sách ổn định đời sống người dân khu vực bảo tồn, tạo điều kiện cho người dân tham gia và có thu nhập từ hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học để họ trở thành lực lượng chính trong việc bảo tồn động, thực vật hoang dã.|
 Hội thảo sẽ có những kiến nghị với Đảng, Nhà nước nhằm phát huy sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của toàn xã hội để thực hiện tốt hơn nữa việc bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã nói riêng trong thời gian tới.

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc