Bản tin tuần V536 - Thông tin về thiên nhiên và bảo tồn (bản tin ENV)

Thứ hai, 30/09/2013, 09:39 GMT+7
1470 xem
Chia sẻ:

 TIN HOẠT ĐỘNG

Đoàn đại biểu Việt Nam thăm và làm việc tại Nam Phi về vấn đề buôn bán sừng tê giác xuyên quốc gia

Ngày 8 tháng 9, đoàn đại biểu Việt Nam gồm Ông Võ Tuấn Nhân - Đại biểu quốc hội – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Ông Nguyễn Việt Tiến – Phó Phòng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - Công an Tp. Hà Nội, Ông Đỗ Doãn Hoàng - Nhà báo – Báo Lao động, Nghệ sỹ Xuân Bắc và các cán bộ của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã lên đường sang Nam Phi trong chuyến thăm và làm việc tại quốc gia này về vấn đề buôn bán sừng tê giác xuyên quốc gia.

 Chuyến đi do Quỹ bảo tồn Tê giác (Rhinose Foundation) và Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đồng tổ chức. Trong chuyến thăm quan, đoàn đại biểu sẽ có dịp trực tiếp chứng kiến những ảnh hưởng của nạn buôn bán sừng tê giác xuyên quốc gia tại Nam Phi và đến thăm Vườn quốc gia Kruger để hiểu hơn về những hiểm họa mà các cá thể tê giác còn lại hiện đang phải đối mặt từng ngày.

 

 

Trở về Việt Nam sau chuyến thăm và làm việc tại Nam Phi, các thành viên trong đoàn sẽ tham gia buổi họp báo được tổ chức vào thứ Sáu ngày 20/9/2013. Tại buổi họp báo, các đại biểu sẽ cùng chia sẻ và trao đổi về chuyến làm việc tại Nam Phi cũng như cùng tham gia, hưởng ứng Ngày Tê giác thế giới - ngày 22/9.

 

 

 

TIN TỔNG HỢP

 

Truy tố đối tượng buôn bán trái phép hơn 95 kg ngà voi

 

Ngày 4/9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ án tới Viện KSND tối cao đề nghị truy tố bị can Phạm Mạnh Hùng về tội danh buôn bán hàng cấm theo Điều 155 Bộ luật Hình sự.

 

Năm 2010, Hùng đi xuất khẩu lao động tại Angola. Đến cuối tháng 1/2013, Hùng được một đối tượng tên Quang đang làm việc ở Angola thuê vận chuyển 95,2 kg vật phẩm chế tác từ ngà voi chứa trong 3 vali hành lý từ Angola về Việt Nam và được trả công 2.000 đô la Mỹ. Hùng đã vận chuyển trót lọt số ngà voi từ Angola về sân bay Tân Sơn Nhất, tuy nhiên khi Hùng tiếp tục bay từ Hồ Chí Minh ra Hà Nội thì bị bắt giữ.

 

*Voi là loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm, thuộc Phụ lục I của Công ước CITES và được liệt kê trong Nhóm IB -  nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi cũng là mặt hàng nghiêm cấm sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam theo quy định tại Nghị định 59/2006/NĐ-CP. Theo Điều 155 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009), tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, tùy theo tính chất, mức độ  nghiêm trọng của hành vi phạm tội, hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.

  

Quảng Trị: Thả cá thể vích quý hiếm về tự nhiên

 

Ngày 9/9, khi đang đánh bắt hải sản ở vùng biển thuộc xã Hải Khê, Quảng Trị, ngư dân Trần Minh Hùng đã bắt được một cá thể vích quý hiếm có trọng lượng hơn 10 kg, chiều dài khoảng 60 cm và chiều ngang khoảng 40 cm. Biết được đây là loài ĐVHD quý hiếm, ngư dân Hùng ngay lập tức đã báo với chính quyền địa phương. Buổi chiều cùng ngày, cá thể vích đã được cơ quan chức năng thả về đại dương.

 

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về bảo tồn rùa biển quý hiếm nên từ năm 2006 đến nay, ngư dân vùng biển Quảng Trị đã thả về đại dương hơn 20 cá thể rùa biển, trong đó có nhiều loài có tên trong sách đỏ thế giới.

 

*Vích là loài thủy sinh nguy cấp, quý, hiếm được liệt kê trong phụ lục I, Công ước CITES và thuộc nhóm CR (cực kỳ nguy cấp) theo Quyết định 82/2008/QĐ-BNN do Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn ban hành.

 

Đăk Nông: Phát hiện nhiều vụ tàng trữ ĐVHD

 

Ngày 11/9, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an đã phối hợp với Công an tỉnh Đắk Nông tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều vụ tàng trữ ĐVHD trên địa bàn tỉnh. Khi kiểm tra nhà ông Nguyễn Danh Cường (thôn 3, thị trấn Đức An, huyện Đắk Song), lực lượng chức năng phát hiện 61 cá thể ĐVHD đã bị giết thịt, trong đó có 13 cá thể vọc chà vá chân đen, cầy hương, 7 cá thể mèo rừng, 11 cá thể sóc Côn Đảo, 5 cá thể vượn đen má vàng, 5 cá thể sóc bay… Tại thời điểm kiểm tra, ông Cường đã bỏ trốn khỏi hiện trường, lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản và thu giữ toàn bộ tang vật.

 

Buổi chiều cùng ngày, cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra nhà của ông Lê Trường Sơn và Phan Công Nhân (thôn 9, xã Kiến Thành, huyện Đắk R’Lấp), phát hiện hơn 100 kg gồm da, thịt ĐVHD đựng trong 5 thùng phuy nhựa. Khi lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra giấy tờ và nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm trên thì ông Lê Trường Sơn đã đe dọa tấn công lực lượng chức năng, buộc đoàn kiểm tra phải yêu cầu công an huyện tăng cường lực lượng hỗ trợ.

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc