Vườn Quốc gia Côn Đảo sẵn sàng cho mùa cao điểm sinh sản của rùa biển

Thứ hai, 17/04/2023, 09:34 GMT+7
1207 xem
Chia sẻ:

Bà Rịa - Vũng Tàu - Là nơi bảo tồn và phát triển rùa biển lớn nhất Việt Nam, Vườn Quốc gia Côn Đảo đã chuẩn bị sẵn sàng khi bước vào mùa sinh sản của loài vật quý hiếm đang được bảo tồn này.

Rua-Bien

Rùa biển bắt cặp khi vào mùa sinh sản tại Côn Đảo. Ảnh: Vườn Quốc gia Côn Đảo

Vào mùa cao điểm sinh sản của rùa biển

Trong 4 tháng đầu năm 2023, Vườn Quốc gia Côn Đảo đã ghi nhận rùa biển lên bãi đẻ thành công 50 tổ. Qua đó, đã ấp nở 134 tổ (cộng dồn các tổ đẻ những tháng cuối năm 2022) và thả về biển có kiểm soát hơn 8.000 cá thể rùa con.

Theo nghiên cứu của Vườn quốc gia Côn Đảo, mùa làm tổ sinh sản của rùa biển là quanh năm, nhưng cao điểm thường vào dịp cuối tháng 4 đến tháng 10.

Đến mùa sinh sản, rùa biển di cư từ vùng kiếm ăn đến khu vực làm tổ, quá trình giao phối thường diễn ra trên đường di cư và trước các bãi đẻ.

Sau khi giao phối 2-4 tuần, rùa đực trở về khu vực kiếm ăn, còn rùa cái lên bãi làm tổ đẻ lần đầu. Sau khoảng thời gian từ 11-13 ngày nghỉ tạo trứng, chúng tiếp tục đẻ lần tiếp theo.

Một cá thể rùa mẹ trong mùa sinh sản bình quân đẻ 3 lần, chu kỳ sinh sản giữa 2 mùa là 1-5 năm.

Ghi nhận tại Côn Đảo có trường hợp đặc biệt, một cá thể rùa mẹ đẻ 11 tổ/năm và đạt số trứng kỷ lục là 993 trứng.

Tại Côn Đảo, ghi nhận được 4 loài rùa biển gồm: Rùa xanh (Chelonia mydas –còn gọi là vích), Đồi mồi (Eretmochelys imbricata), Đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea), rùa Quản Đồng (Caretta caretta) tìm đến sinh sản. Trong đó, quần thể rùa xanh có số lượng lớn nhất Việt Nam.

Chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ loài động vật quý hiếm

Ngoài việc cố gắng gìn giữ môi trường thiên nhiên Côn Đảo nguyên vẹn với đa dạng sinh học trong quá trình phát triển, lực lượng kiểm lâm của Vườn quốc gia Côn Đảo còn có nhiệm vụ cứu hộ rùa biển.

Ho-Ap-Trung

Thay cát, vệ sinh khu vực hồ ấp trứng rùa biển. Ảnh: Vườn Quốc gia Côn Đảo

Trong mùa cao điểm, lực lượng rất bận rộn khi ban ngày thì thu dọn bãi cát, làm vệ sinh để rùa lên đẻ trứng. Ban đêm phải canh chờ rùa mẹ đẻ xong để thực hiện di dời trứng, đào hố ấp trứng. Sau đó là quá trình theo dõi để đón các ổ rùa con chào đời, thả rùa con về biển.

Vì vậy, Vườn Quốc gia Côn Đảo đã lên kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng cho mùa cao điểm rùa biển đẻ trứng năm 2023.

Đơn vị đã triển khai tập huấn công tác quản lý, bảo tồn rùa biển cho lực lượng kiểm lâm và các viên chức liên quan; ra quân thay cát các hồ ấp trứng rùa; vệ sinh san lấp bãi cát, tạo thuận lợi cho rùa mẹ lên đẻ trứng; kiểm tra các hoạt động quản lý liên quan đến bảo tồn rùa biển...

Ông Nguyễn Văn Vững - chuyên viên Phòng Bảo tồn và Hợp tác Quốc tế Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, việc di dời trứng chỉ trong khoảng 6h kể từ khi được rùa mẹ đẻ ra. Vì đây là thời gian phôi tạm dừng phát triển, có thể chịu đựng được va chạm nhẹ và xáo trộn.

Bên cạnh đó, nếu nhiệt độ trong tổ trứng nhỏ hơn  26oC thì tỉ lệ con đực cao hơn con cái, và trên 30oC thì ngược lại. Do vậy phải sử dụng thiết bị ghi nhiệt độ trong hồ ấp với thời gian ghi liên tục sau 150 phút, thường xuyên kiểm tra nhiệt độ để điều chỉnh, đảm bảo cân bằng giới tính rùa con và nhiệt độ không vượt ngưỡng trứng chết phôi.

Vào các tháng mùa khô còn cần chú ý theo dõi độ ẩm của hồ ấp trứng và tiến hành tưới nước giữ ẩm thích hợp.

Như thế sau khoảng 55 ngày, rùa con sẽ nở, với tỉ lệ nở khoảng 83%. Lúc này sẽ tiến hành thu đếm số lượng và thả ngay về biển khi thủy triều cao, cũng như xử lý vệ sinh lại hồ ấp trứng. Hàng đêm, lực lượng kiểm lâm còn phải tổ chức kiểm tra theo dõi rùa mẹ lên bãi đẻ trứng hàng đêm, triển khai đeo thẻ để theo dõi…

don-ve-sinh-bai-cat_2

Ra quân dọn vệ sinh, chướng ngại vật trên bãi cát để thuận lợi cho rùa mẹ lên đẻ trứng. Ảnh: Vườn Quốc gia Côn Đảo

Ngoài ra, Vườn quốc gia Côn Đảo còn tiến hành phối hợp tổ chức chương trình tình nguyện viên bảo tồn rùa biển năm 2023; có phương án hạn chế các phương tiện tàu thuyền ra vào các bãi cát làm ảnh hưởng đến quá trình sinh sản của rùa biển.

Đồng thời nghiêm cấm các hoạt động đánh bắt trái phép, xẻ thịt, lấy trứng rùa...

Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công chương trình bảo tồn Rùa biển. Mỗi năm có khoảng 450 cá thể rùa mẹ lên bãi đẻ và thả hơn 150.000 rùa con về biển.

Theo thống kê, từ 1993-2022 đã có khoảng có 11.643 rùa mẹ lên bãi làm tổ đẻ trứng, trong đó cứu hộ, di dời thành công 31.400 tổ rùa với tổng số 2.898.640 trứng, qua đó ấp nở thả về biển 2.238.597 cá thể rùa con.

Ngày 31.01.2009, Vườn Quốc gia Côn Đảo đã được xác lập kỷ lục “Nơi nuôi ấp và thả Rùa con về biển nhiều nhất Việt Nam”

Và 1.12.2022, Vườn quốc gia Côn Đảo vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì “Đã có thành tích trong công tác bảo tồn Rùa biển".

Theo báo: laodong.vn

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc