Vườn quốc gia Côn Đảo - Những nét đầu tiên trong bức tranh du lịch

Thứ ba, 27/11/2007, 09:59 GMT+7
3386 xem
Chia sẻ:
Năm 2000, Nhà nước cho phép quy hoạch, xây dựng Vườn quốc gia Côn Đảo thành địa điểm du lịch sinh thái rừng, biển. Dự án này đặt ra trọng trách rất lớn cho những người làm công tác quản lý, bảo tồn và phát triển những tiềm năng về sinh thái nơi đây. Bất kỳ một sản phẩm du lịch nào ra đời đều phải cân nhắc kỹ, sao cho vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa bảo tồn và phát huy được giá trị di sản thiên nhiên mà tạo hóa đã ban tặng cho Côn Đảo. Vườn Quốc gia Côn Đảo là một trong hai vườn quốc gia đầu tiên được Nhà nước quy hoạch là khu bảo tồn quốc gia. Vườn có tổng diện tích 5.998 ha, trong đó có hơn 4.900 ha đất rừng, gồm rừng nhiệt đới hải đảo và rừng ngập mặn. Vườn có 2.700 loài sinh vật, trong đó có hơn 100 loài động, thực vật hoang dã quý hiếm, đặc hữu được liệt kêvào Sách đỏ của Việt Nam và quốc tế. Quần đảo có nhiều bãi tắm đẹp, sạch, cảnh quan môi trường hoang sơ, thơ mộng là điều kiện tốt để phát triển du lịch sinh thái biển.

 Thực hiện dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái, Vườn quốc gia Côn Đảo đã lựa chọn địa điểm quy hoạch để các nhà đầutư xây dựng các khu du lịch. Đồng thời đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho Vườn Quốc gia làm công tác du lịch: Nhà khách tại trung tâm Vườn, trạm giao dịch tại Vũng Tàu, mở rộng và nâng cấp các tuyến đường: Hang Đức Mẹ –Bến Ông Đụng, Sở Rẫy – Ông Đụng, Sân Bay Cỏ Oáng – Đầm Tre; nâng cấp và cải hoán tàu phục vụ du lịch sinh thái biển đủ sức chở 24 hành khách, trang bị các thiết bị lặn, thiết kế nhiều bảng diễn giải, in ấn nhiều ấn phẩm quảng bá du lịch…Sau 5 năm phát triển du lịch, đến nay, Vườn Quốc gia Côn Đảo đã đưa vào khai thác 5 điểm du lịch với 11 tuyến tham quan gồm: trung tâm Vườn Quốc gia, Bãi ông Đụng, Đầm Tre (tại đảo Côn Sơn), Hòn Bảy Cạnh và Hòn Cau. Du khách đến đây được thưởng thức các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn như: câu cá, leo núi, đi bộ, bơi lội, đi xe đạp, tắm biển, nghiên cứu khoa học.

 Hiện nay, có ba đối tác đã thỏa thuận địa điểm và đầu tư khai thác các sản phẩm du lịch: Công ty lặn Raibow và CocoDive khai thác loại hình lặn biển, Công ty dịch vụ du lịch Dầu khí (OSC) khai thác khu du lịch Hòn Cau và Công ty Hồng Bàng Phương Đông- TP. Hồ Chí Minh đầu tư khu Bãi Dương, bãi Cát Lớn, hòn Bảy Cạnh và Bãi Nhát – Bến Đầm. Ngoài các công ty trên, gần đây có thêm hai nhà đầu tư mới là Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Đông Nam Á và Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Vũng Tàu nộp hồ sơ xin đầu tư khai thác du lịch sinh thái Vườn quốc gia, nhưng huyện chưa phê duyệt. Riêng Vườn Quốc gia Côn Đảo, được sự tài trợ của Công ty dầu nhờn BP, đã phục hồi được 20 ha rừng nguyên sinh tại khu vực Sở Rẫy, trồng nhiều cây gỗ và nuôi các loài động vật quý hiếm như: khỉ, sóc đen… Việc làm này vừa có ý nghĩa bảo tồn, duy trì nguồn gen quý hiếm đã bị tàn phá, vừa tạo thêm điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

 Để phát triển du lịch bền vững, đúng định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, ông Lê Xuân Ái, Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo cho rằng: sản phẩm du lịch tại đây phải là sản phẩm của khoa học và trí tuệ, mang tầm vóc quốc gia, quốc tế. Vì vậy, việc lựa chọn đối tác rất quan trọng.

 Mặc dù đang trong giai đoạn khuyến khích đầu tư, nhưng Côn Đảo sẵn sàng loại ngay những đối tác kém năng lực, đầu tư không đúng định hướng. Đồng thời, trong quá trình khai thác du lịch, huyện luôn giám sát những thay đổi thiên nhiên để có sự uốn nắn, điều chỉnh kịp thời. Ông Aùi cho biết, hiện Côn Đảo đang trình phê duyệt Dự án đầu tư phát triển Vườn Quốc gia giai đoạn 3 (2006 – 2010). Trong đó có hạng mục quan trọng là điều chỉnh lại ranh giới, quy hoạch các phân khu chức năng của Vườn Quốc gia. Đây là điều kiện để mở rộng và phát triển các dự án đầu tư du lịch sinh thái đã xây dựng, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của huyện Côn Đảo và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

 Trong chuyến thăm và làm việc với Côn Đảo, đồng chí Vũ Khoan, Phó Thủ tướng Chính phủ có nói 'Côn đảo như một tờ giấy trắng, khi đặt bút lên đó, ngay từ đầu chúng ta phải vẽ những nét cho đẹp'. Việc lựa chọn mô hình kinh tế sao cho phù hợp với những tiềm năng, đặc điểm sinh thái, lịch sử, văn hóa Côn Đảo là một trọng trách mà lịch sử đã giao cho những người làm công tác quản lý bảo tồn và phát triển Côn Đảo nói chung và Vườn quốc gia nói riêng.

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc