Hiện nay, Việt Nam có 10 Vườn quốc gia được công nhận Vườn Di sản ASEAN gồm: Vườn quốc gia Ba Bể, Hoàng Liên, Kon Ka Kinh, Chư Mom Rây, U Minh Thượng, Bái Tử Long, Vũ Quang, KBT Ngọc Linh, Bidoup – Núi Bà và VQG Lò Gò – Xa Mát.
Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về môi trường năm 2022, Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 33 và chuỗi các hội nghị liên quan đang diễn ra từ ngày 3-7/10, tại Campuchia, các quan chức về môi trường của ASEAN đã thống nhất đề cử hai vườn quốc gia của Việt Nam trở thành Vườn Di sản thứ 54 và 55 của ASEAN lên cấp Bộ trưởng môi trường ASEAN phê duyệt trong đó có Vườn quốc gia Côn Đảo.
Vườn Quốc gia Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được ghi nhận là nơi có môi trường đa dạng sinh học và thực hiện tốt công tác bảo vệ rùa biển. Vườn quốc gia Côn Đảo chính thức được thành lập theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/3/1993 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Khu rừng cấm Côn Đảo được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thành lập tại Quyết định số 85/CT ngày 01/3/1984.
VQG Côn Đảo thuộc hệ thống rừng đặc dụng gồm 16 đảo nhỏ là 1 trong 34 Vườn quốc gia của Việt Nam. Tổng diện tích tự nhiên: 19.883,15 ha, gồm: Phần diện tích bảo tồn rừng trên các hòn đảo: 5.883,15 ha. Phần diện tích bảo tồn biển: 14.000 ha. Ngoài ra, diện tích vùng đệm trên biển là: 20.500 ha. Ban quản lý VQG Côn Đảo đã nỗ lực giữ gìn bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học rừng, biển, đất ngập nước và đã được các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế đánh giá cao và công nhận các danh hiệu VQG Côn Đảo là một Khu đất ngập nước quan trọng quốc tế, năm 2013 (Khu Ramsar); Là thành viên mạng lưới các Khu bảo tồn rùa biển Ấn Độ Dương – Đông Nam Á; Hiệp Hội bảo vệ thiên nhiên Việt Nam công nhận 02 cây Nhội và 01 cây Cóc Đỏ tại VQG Côn Đảo là Cây Di sản Việt Nam; Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận VQG Côn Đảo là nơi nuôi, ấp và thả về thiên nhiên nhiều rùa biển nhất Việt Nam.
Hồ ấp trứng rùa tại trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh nơi có rùa mẹ lên đẻ nhiều nhất cả nước
Vườn quốc gia Côn Đảo được xem là một trong số ít vườn quốc gia trên thế giới hội tụ cả 4 hệ sinh thái rừng và biển vô cùng đặc sắc và hiếm có. Hiện đây là nơi đang nuôi dưỡng và bảo tồn 1077 loại thực vật bậc cao, thuộc 640 chi, 160 họ và 155 loài động vật thuộc 64 họ, 26 bộ gồm 25 loài thú, 85 loài chim, 32 loài bò sát và 13 loài ếch nhái. Trong số đó có rất nhiều loài quý hiếm đang nằm trong sách đỏ như: sóc mun, sóc đen, chuột hưu,…
Sóc đen Côn Đảo nằm trong sách đỏ
Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi nuôi ấp và thả về thiên nhiên nhiều rùa biển nhất Việt Nam
Hệ sinh thái rừng ngập mặn Vườn quốc gia Côn Đảo
Hệ sinh thái san hô Vườn quốc gia Côn Đảo
Tin bài: Thanh Quyền
Phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế