Vườn Quốc gia Côn Đảo: Cần bảo vệ , sử dụng bền vững đa dạng sinh học rừng - biển

Thứ ba, 08/01/2008, 08:04 GMT+7
3215 xem
Chia sẻ:

Thiên nhiên và lịch sử đã tạo dựng Côn Đảo thành một địa danh đặc biệt và nổi tiếng trong và ngoài nước. Côn Đảo là một khối di sản thống nhất về di tích lịch sử, văn hóa và tài nguyên thiên nhiên rừng - biển với đầy đủ các hệ sinh thái tự nhiên điển hình quan trọng như : rừng xanh nhiệt đới hải đảo, rừng ngập mặn, các hệ sinh thái san hô, cỏ biển, các loài sinh vật quý hiếm…

Với diện tích 76km2, Côn Đảo có đầy đủ các hệ sinh thái tự nhiên điển hình . Hiện Côn Đảo có trên 2.700 loài sinh vật rừng và biển, trong đó có hơn100 loài động-thực vật có trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Một số loài đang trong tình trạng có nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu như Dugong Dugon (Bò biển), các loài rùa biển, trai tai tượng, bồ câu Nicobar, trăn Ấn Độ… Sự tồn tại và bảo vệ khá tốt các hệ sinh thái biển, các loài quý hiếm này mở ra cơ hội quan trọng có ý nghĩa quốc gia và quốc tế trong việc hợp tác bảo tồn và phát triển các giá trị đa dạng sinh hoạc và tài nguyên môi trường tại Côn Đảo. Chính do vị trí, giá trị về tiềm năng đa dạng sinh học, Côn Đảo được xác định là một ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch hành động về đa dạng sinh học (1995) của quốc gia. Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng đưa Côn Đảo vào danh sách các khu vực ưu tiên bảo vệ trong khu vực.. . Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho thực hiện dự án “Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển và ven biển tại Côn Đảo” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ. Có thể nói, công tác bảo tồn biển và ven biển tại Côn Đảo được chú trọng khá sớm so với các địa phương trong cả nước. Thực hiện điều này chính là sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ công nhân viên Vườn Quốc gia Côn Đảo, sự quan tâm hỗ trợ, hợp tác của địa phương, cộng đồng, các tổ chức quốc tế. Hiệu quả là hệ sinh thái biển - rừng được an toàn và phát triển. Ví dụ, tính riêng loài rùa biển, nhờ thực hiện việc di dời bảo vệ chặt chẽ nên hàng năm có khoảng 400 rùa mẹ về làm tổ, chiếm 80% rùa biển về làm tổ trên lãnh thổ Việt Nam. Mới đây, Dugong liên tục xuất hiện trở lại như một sự khẳng định hệ sinh thái biển Côn Đảo vẫn ổn định. Nhằm phát triển hơn nữa công tác bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học biển, ven biển tại Côn Đảo, Vườn Quốc gia trên quan điểm tiếp tục bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của quần đảo phù hợp với “khả năng chịu đựng” của nó. Bởi các hệ sinh thái tự nhiên ở đây rất nhạy cảm với những tác động của con người, do cấu trúc địa hình đặc trưng. Hiện Côn Đảo đang cương quyết nói không với các dự án đầu tư không thân thiện, tôn trọng các di tích lịch sử, tài nguyên và môi trường. Trong một lần tới thăm Côn Đảo, Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: phát triển Côn Đảo nhất thiết phải xác định theo hai hướng vừa rừng-biển và vừa lịch sử... Côn Đảo hiện như một tờ giấy trắng, chúng ta phải làm sao vẽ ngay từ đầu cho đẹp.

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc