Hằng năm, về mùa sinh sản, loài rùa xanh (tên khoa học chelonia mydas) hay còn gọi là Vích, lại từ các đại dương xa xôi tìm về nơi sinh sản của chúng. Tại đây chúng tiến hành ghép đôi để giao phối.
Vừa qua tại Bãi cát lớn, hòn Bảy Cạnh thuộc Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã bắt gặp một cảnh tượng hiếm có của hai cá thể rùa xanh đang thực hiện giao phối rất gần bờ, đây là khoảnh khắc hiếm gặp ngay cả đối với lực lượng Kiểm lâm, những người công tác lâu năm và có kinh nghiệm bảo tồn và cứu hộ rùa biển, bởi rùa biển thường ghép đôi và giao phối ngoài khơi xa, hình ảnh rùa biển ghép đôi gần bờ như thế này đã cho thấy được công tác quản lý và bảo tồn rùa biển của Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo được tiến hành cực kỳ hiệu quả, khu vực bãi đẻ của rùa biển đảm bảo an toàn, yên tĩnh.
Cận cảnh quá trình rùa biển ghép đôi giao phối gần bờ (ảnh: Phùng Hải – VQG Côn Đảo).
Hầu hết các loài rùa biển sống đơn độc trong suốt quãng đời và chỉ tìm đến nhau vào mùa giao phối. Ở thời điểm này loài rùa biển dễ gặp nguy hiểm nhất, Trong suốt quá trình ghép đôi, rùa đực bám vào rùa cái và rùa cái phải chịu sức nặng của cả hai trong lúc giao phối, đồng thời phải ngoi lên mặt nước một vài lần để thở, con cái có thể bị chết ngạt nếu không lấy được oxi kịp thời.
Đối với rùa biển trưởng thành, bằng mắt thường chúng ta có thể dễ dàng nhận biết được giới tính của chúng thông qua hình dáng và kích thước của đuôi, rùa đực có đuôi dài và lớn hơn so với rùa cái. Cơ quan sinh sản của rùa đực và cái đều nằm ở phần gốc đuôi bên trong lỗ huyệt (cloaca) – cơ quan kết hợp đường tiêu hóa, đường tiểu và sinh dục, khi giao phối rùa đực sẽ đưa đuôi của mình vào bên dưới đoạn sau mai của rùa cái để tiếp cận lỗ huyệt của rùa cái.
Rùa đực tiếp cận và bám vào mai của rùa cái bằng hai chi trước, hai chi này có móng móc ngược về sau, bởi vậy rùa cái có thể chịu những vết thương trên lưng, cổ bởi quá trình này. Thời gian giao phối có thể kéo dài hàng giờ đồng hồ, khi kết thúc rùa đực sẽ bám tiếp tục vào mai rùa cái để ngăn các con đực khác đến giao phối.
Rùa đực bám trên lưng rùa cái và rùa cái phải chịu sức nặng của cả hai (ảnh: Phùng Hải – VQG Côn Đảo)
Ở cùng một thời điểm, Các con đực có thể tranh giành một con cái, bởi vậy chúng ta có thể sẽ bắt gặp trường hợp hai hoặc ba con đực bám theo một con cái, chúng sẽ cắn vào đuôi và vây của con đực đang bám vào rùa cái, buộc nó phải buông rời ra. Lúc này, rùa cái có thể gặp nguy hiểm nếu không lấy được không khí để thở, và có thể chết đuối.
Suốt mùa sinh sản, rùa cái sẽ giao phối với nhiều rùa đực trước khi lên bãi để đẻ trứng, chúng sẽ dự trữ tinh trùng và khi làm tổ đẻ trứng, các trứng đã được thụ tinh bởi một hoặc nhiều con đực.
Tin bài: Phùng Hải
Phòng KH-TC