Triển khai các chương trình quản lý, bảo tồn Vườn Quốc gia Côn Đảo

Thứ ba, 27/11/2012, 10:02 GMT+7
2150 xem
Chia sẻ:

  Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập từ năm 1993 trên cơ sở chuyển từ Khu rừng cấm Côn Đảo, quy mô gồm 14 hòn đảo lớn, nhỏ thuộc quần đảo Côn Sơn rất phong phú về hệ sinh thái tự nhiên và các loài đặc hữu, có tiềm năng đa dạng sinh học cao. Sự hiện hữu của các hệ sinh thái tự nhiên như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng nhiệt đới hải đảo, rừng ngập mặn là nơi sinh sống của các loài động vật quý hiếm như rùa biển, cá heo, bò biển đã tạo nên cho Côn Đảo tiềm năng sinh học đặc sắc, có ý nghĩa quốc gia và toàn cầu về bảo tồn thiên nhiên biển.

VQG Côn Đảo có diện tích gần 6.000 ha trên cạn và 14.000 ha vùng nước, trong đó có 3 hệ sinh thái chính: Hệ sinh thái rừng ngập mặn (18 ha); Hệ sinh thái cỏ biển (200 ha); Hệ sinh thái các rạn san hô (1.000 ha). Mối quan hệ tương tác của rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn tạo nên môi trường thuận lợi cho sinh sản, ươm giống và bảo tồn các loài sinh vật biển. Theo thống kê, VQG có 882 loài thực vật rừng bậc cao thuộc 562 chi, 161 họ, trong đó có 371 loài thân gỗ, 30 loài phong lan, 103 loài dây leo, 202 loài thảo mộc…; 144 loài động vật rừng, bao gồm thú (28 loài), chim (69 loài), bò sát (39)...; 1.383 loài sinh vật biển, trong đó rong biển (127 loài), cỏ biển (11 loài), thực vật phù du (157 loài), động vật phù du (115 loài), san hô (219 loài), cá biển (202 loài), thú và bò sát biển (8 loài)… 

 Ngoài ra, vùng nước nông ven đảo là nơi cư trú của nhiều loài động vật biển quý như rùa biển, cá heo, bò biển (dugong). Hiện Côn Đảo là vùng có nhiều rùa biển nhất ở Việt Nam, với hai loài thường gặp là đồi mồi và tráng đông. Có 17 bãi cát được ghi nhận là bãi đẻ của rùa, trong đó 4 bãi được ghi nhận có 1.000 rùa mẹ lên đẻ hàng năm. Các nghiên cứu cho thấy, rạn san hô ở đây còn giữ được những đặc tính đặc trưng cho vùng biển, có độ phủ trung bình là 42,6%. Trong số rạn san hô nghiên cứu có đến 74,2% san hô đạt độ phủ cao, chỉ có 2,8% thuộc loại độ phủ thấp. Mật độ cá ở những rạn san hô tại các điểm nghiên cứu đạt trung bình 400 con/m2. Đây là giá trị rất cao so với các vùng biển ven bờ khác ở Việt Nam, nhờ chế độ dòng chảy Biển Đông với sự thay đổi hai mùa gió chính tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ấu trùng sinh vật biển từ Côn Đảo đi về phía Bắc và phía Nam. Vì vậy, có thể coi Côn Đảo như một cầu nối cho sự phát tán sinh vật từ trung tâm đa dạng của vùng biển Ấn Độ - Tây Thái Bình Dương đến vùng biển ven bờ Việt Nam. 

 Để phát triển VQG Côn Đảo trở thành Trung tâm đa dạng sinh học mang tầm quốc gia và quốc tế, ngày 21/9/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án phát triển VQG Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), tầm nhìn đến năm 2020 với các mục tiêu cơ bản cần tập trung thực hiện. Đó là bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái biển, các loài động, thực vật bản địa quý hiếm, các sinh cảnh tự nhiên độc đáo của VQG; bảo vệ nguyên vẹn và phát triển diện tích rừng để gia tăng độ che phủ rừng đầu nguồn các khe, suối, bảo vệ đất, góp phần phát triển kinh tế trên đảo; sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái.

 Đứng trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, nguy cơ suy giảm hệ sinh thái do sự khai thác quá mức của con người và biến đổi khí hậu, Ban quản lý (BQL) VQG Côn đảo đã xây dựng Quy chế bảo tồn tài nguyên biển, thực hiện cam kết bảo vệ rừng, đồng thời triển khai các chương trình quản lý, bảo tồn VQG mang lại những hiệu quả thiết thực. Cụ thể như BQL VQG Côn Đảo đã xây dựng mạng lưới các trạm quản lý bảo vệ gồm 5 Trạm Kiểm lâm ở đảo lớn trung tâm, 7 trạm Kiểm lâm ở các đảo nhỏ có đa dạng sinh học cao tạo ra một hệ thống quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên rừng và biển khép kín quần đảo Côn Đảo. Lực lượng Kiểm lâm của VQG là lực lượng nòng cốt, chuyên trách bám đảo 24/24h thực thi nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý theo pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân xâm phạm tài nguyên trái phép trong Khu bảo tồn. 

 Hàng năm BQL VQG tổ chức cho các cán bộ khoa học thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học cơ sở để phục vụ cho nhiệm vụ quản lý, bảo tồn. Một số chuyên đề nghiên cứu khoanh nuôi phục hồi, phát triển rừng đã được triển khai thực hiện. Điển hình như công tác nghiên cứu đa dạng sinh học biển, giám sát các rạn san hô, nghiên cứu chuyên sâu bảo tồn một số loài quý hiếm ở biển như rùa biển, dugong, trai tai tượng…được quan tâm nghiên cứu và bảo tồn. Phối hợp với các cá nhân, tổ chức khoa học bảo tồn trong và ngoài nước để nâng cao chương trình nghiên cứu khoa học, nhờ đó giá trị đa dạng sinh học tại Côn Đảo được phát hiện, thu hút giới khoa học trong và ngoài nước.

 Đặc biệt, một trong những thành công nổi bật trong nghiên cứu bảo tồn biển tại VQG Côn Đảo là đạt kỷ lục quốc gia về nơi bảo tồn rùa biển lớn nhất Việt Nam; Chương trình hợp tác trong và ngoài nước phục vụ bảo tồn thiên nhiên. Nhận thức được vai trò của các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược quản lý, bảo tồn biển, BQL VQG Côn Đảo đã nỗ lực tìm kiếm đối tác đặt mối quan hệ quốc tế rất sớm. Nhờ đó đội ngũ quản lý, khoa học của đơn vị đã tiếp cận được những kiến thức mới về khoa học bảo tồn biển, tiếp nhận được nguồn kinh phí tài trợ, các phương tiện, thiết bị chuyên dùng cho bảo tồn biển. Đồng thời thu hút rất nhiều lượt chuyên gia quốc tế đến Côn Đảo tham gia thực hiện dự án trên các lĩnh vực khoa học quy hoạch, quản lý, bảo tồn, phát triển bền vững.

 BQL VQG đã tổ chức thành công các dự án do quốc tế tài trợ như: Quỹ bảo vệ Thiên nhiên - WWF; Quỹ Môi trường toàn cầu-GEF; Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc-UNDP; Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch - DANIDA. BQL VQG đã lập và trình Chính phủ Dự án quy hoạch phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Côn Đảo, với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Đây là cơ sở cho việc thực hiện Chiến lược bảo tồn và phát triển bền vững, phát huy các giá trị về thiên nhiên, cảnh quan để phát triển kinh tế, xã hội tại Côn Đảo.  

 Hàng năm, VQG đã tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái rừng và biển để đáp ứng nhu cầu của du khách đến Côn Đảo, xúc tiến kêu gọi đầu tư tại Côn Đảo. BQL còn phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện chương trình giáo dục môi trường cho các đối tượng học sinh các cấp ở địa phương, lực lượng bộ đội, nhân dân ở các khu dân cư, du khách …với nhiều nội dung và hình thức phong phú nhằm cung cấp cho cộng đồng những hiểu biết, kiến thức cơ bản về tài nguyên, môi trường, vai trò ý nghĩa của công tác bảo vệ môi trường đối với cuộc sống. Qua đó thu hút quần chúng địa phương, du khách tham gia công tác bảo tồn thiên nhiên tại Côn Đảo. Vận động cộng đồng tham gia vào công tác bảo tồn biển với hình thức tổ chức các buổi hội thảo xây dựng kế hoạch, quy hoạch bảo tồn thiên nhiên; thu hút người dân tham gia thực hiện các dự án về bảo vệ, phát triển rừng và biển do ngân sách, quốc tế tài trợ. Tranh thủ nguồn tài trợ quốc tế thực hiện phương án chuyển đổi ngành nghề, tạo thu nhập thay thế; cho vay ưu đãi hỗ trợ những hộ nghèo phát triển sản xuất, nuôi trồng từ nguồn vốn của Quỹ bảo tồn do quốc tế tài trợ…  

 Việc thực hiện đồng bộ các Chương trình quản lý, bảo tồn đã giúp VQG Côn Đảo giữ gìn được vẻ đẹp hoang sơ, bảo vệ phục hồi và phát triển tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đảo, thu hút được rất nhiều khách du lịch đến tham quan, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng và tài nguyên biển nơi đây.  

Châu Minh

 

 

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc