Ngày 31/10, Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức tọa đàm mang tên “Chia sẻ kinh nghiệm và mô hình quản lý hiệu quả Vườn di sản ASEAN bền vững” tại Côn Đảo.
Sự kiện này do Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, nằm trong nhiệm vụ kết nối các Vườn di sản ASEAN (AHP) của Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025.
Mục tiêu của nhiệm vụ này là xây dựng mạng lưới và chia sẻ thông tin giữa các Vườn di sản ASEAN tại Việt Nam, đồng thời củng cố hệ thống di sản thiên nhiên và triển khai đồng bộ các nội dung liên quan đến đa dạng sinh học theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Chương trình "Kết nối các Vườn di sản ASEAN (AHP) của Việt Nam" không chỉ thúc đẩy việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo tồn thiên nhiên mà còn nhằm chia sẻ quyền và lợi ích giữa các bên liên quan trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.
Trong phát biểu khai mạc, ông Bùi Đức Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, nhấn mạnh rằng chương trình Vườn di sản ASEAN là một sáng kiến quan trọng về môi trường, bắt đầu từ Tuyên bố của Bộ trưởng Môi trường ASEAN năm 2003, với mục tiêu bảo tồn các hệ sinh thái độc đáo của khu vực.
Các Vườn di sản ASEAN đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo tồn nguồn gen và duy trì các khu vực tự nhiên có giá trị văn hóa, giáo dục, từ đó nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học.
Trong tọa đàm, TS. Nguyễn Thành Vĩnh, Trưởng phòng Quản lý di sản thiên nhiên, đã trình bày báo cáo về "Định hướng phát triển bền vững các Vườn di sản ASEAN tại Việt Nam". Ông đã đề xuất 11 giải pháp, bao gồm việc thành lập và hoạt động mạng lưới các AHP, nâng cao năng lực cán bộ và cơ chế điều phối, tăng cường hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Thành Vĩnh, Trưởng phòng Quản lý Di sản thiên nhiên, Cục bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ TN&MT chia sẻ.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về bảo vệ di sản thiên nhiên, cũng như phát triển các mô hình sinh kế bền vững cho người dân sống trong và xung quanh các AHP.
Để bảo tồn bền vững, TS. Nguyễn Thành Vĩnh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm kê và quan trắc đa dạng sinh học, tăng cường thực thi pháp luật và nâng cao hiệu quả hoạt động của ban quản lý.
Trong khuôn khổ chương trình hoạt động, các đại biểu đã tham gia chuyến thực địa tại Vườn Quốc gia Côn Đảo. Được trực tiếp thả rùa con về biển ở hòn Bảy Cạnh, đây cũng là một trong những hoạt động bảo tồn tự hào nhất của Vườn quốc gia Côn Đảo và nhận bằng khen của Thủ tướng vì đã có thành tích trong công tác bảo tồn rùa biển. Vườn Quốc gia Côn Đảo thỏa mãn các tiêu chí của ASEAN trong bộ tiêu chí lựa chọn Vườn Di sản ASEAN. Đồng thời, được các quốc gia thành viên công nhận không chỉ vì sự đa dạng sinh học biển độc đáo mà còn mang cả những giá trị lịch sử - văn hóa của Việt Nam (Vườn Quốc gia Côn Đảo được công nhận là Vườn Di sản ASEAN nhân dịp lễ kỷ niệm 30 năm thành lập (31.3.1993 -31.3.2023).
Các đại biểu tham gia thực đại thả rùa con tại hòn Bảy Cạnh.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm
Tin bài - Thảo Vy