Tìm thấy dấu vết bò biển ở Côn Đảo

Thứ năm, 09/07/2009, 08:50 GMT+7
1943 xem
Chia sẻ:

Các nhà khoa học thuộc Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo vừa phát hiện ra nhiều dấu ăn cỏ biển của dugong (bò biển) ở khu vực mũi Đất Dốc khi lặn giám sát đa dạng sinh học biển tại vùng biển Côn Đảo.

Vùng biển khu vực mũi Đất Dốc là nơi tập trung nhiều loài cỏ biển, thức ăn chính của dugong. Chúng thích nhất là cỏ họ halophil (họ xoan), halodule (họ hẹ) vì hai loại này ít chất xơ, hàm lượng protein cao nên dễ tiêu hóa.

Mỗi con dugong ăn khoảng 25kg cỏ biển mỗi ngày nên chúng dành hầu hết thời gian cho việc kiếm ăn. Khi ăn, dugong tạo ra một đường rãnh trên cát do cỏ đã bị nhổ đi. Đây là dấu vết cho thấy dugong đã xuất hiện ở nơi đó.

Người dân ở Côn Đảo cho biết, họ thường thấy dugong xuất hiện từ tháng 12/2008 đến tháng 4/2009 ở các bãi Lò Vôi, mũi Chim Chim, bãi Đất Dốc. 

Dugong là loài thú quý hiếm nằm trong sách đỏ của thế giới. Ông Nguyễn Đức Thắng, thuộc Phòng Khoa học và giáo dục môi trường, Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, hiện nay, ở Việt Nam còn khoảng trên dưới 10 con và chỉ thấy xuất hiện ở vùng biển Côn Đảo.

Dugong còn được gọi là cá cúi, bò biển. Dựa vào đặc điểm hình dáng bên ngoài, dugong có thêm tên gọi là nàng tiên cá. Dugong thường sống đơn độc, hoặc từng đôi mẹ - con, ít khi tập trung thành nhóm hoặc thành đàn.

Mỗi con dugong có chiều dài trung bình khoảng 2,4 m đến 2,7m, nặng 500 kg, tuổi thọ trung bình là 70 năm. Mắt của dugong nằm ở cạnh bên đầu nên thị giác rất kém, tuy nhiên thính giác lại rất nhạy bén.

Vì trọng lượng lớn nên cứ một đến hai phút, dugong lại nổi lên mặt nước một lần để thở, bơi rất chậm, khoảng 5km mỗi giờ. Đặc biệt, mũi của dugong nằm trên đỉnh đầu, có van đậy kín không cho nước vào trong khi dugong lặn.

Dugong là loài sinh trưởng chậm, sau 13 tháng 10 ngày mang thai, dugong mẹ mới sinh con. Dugong con vừa sinh ra đã dài 1,2m, nặng 30 kg, bú sữa mẹ liên tục trong vòng 18 tháng và luôn luôn bơi sau mẹ.

Do khả năng sinh sản chậm và tuổi thọ cao nên dugong hiện có nguy cơ diệt chủng rất lớn. Ngoài ra, trước đây loài này còn bị bắt xẻ thịt bán nên số lượng còn lại rất ít.

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc