Năm 2010, Côn Đảo đã thả về biển 90.687 con rùa biển. Đây là tín hiệu vui cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của các quần thể rùa biển tại Côn Đảo.
Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) thực hiện công tác bảo tồn rùa biển từ năm 1995, là nơi đầu tiên của Việt Nam được các tổ chức bảo tồn thiên đánh giá đã thực hiện thành công chương trình bảo tồn rùa biển.
Di dời trứng rùa vào bờ để ấp (Ảnh: T. Đ. Huệ)
Côn Đảo hiện nay có 14 bãi biển. Rùa thường lên làm tổ và đẻ trứng, trong đó có 5 bãi rùa lên làm tổ nhiều là bãi Cát lớn (hòn Tre Lớn); Cát lớn (hòn Tài); bãi Dương, bãi Cát lớn (hòn Bảy Cạnh); Cát lớn (hòn Cau). Có hai loài rùa biển lên các bãi làm tổ và đẻ trứng là Rùa Xanh (Chelonia mydas Linnaeus,1758) và Đồi Mồi (Eretmochelys imbricata, Linnaeus,1766)
Rùa xanh đang bò lên bãi để đẻ trứng (Ảnh: T. Đ.Huệ)
Thời điểm năm 2008 và những năm trước đó, hằng năm số tổ rùa đẻ bình quân 800 tổ và số lượng rùa con được thả về biển bình quân 60.000 con. Từ năm 2009 đến năm 2010 có sự tăng đột biến về số lượng rùa đẻ trứng và rùa con thả về biển, cụ thể năm 2009, số tổ rùa đẻ là 1.300 tổ và số rùa con thả về biển là 76.000 con; năm 2010, số tổ rùa đẻ là 1.421 tổ và số rùa con thả về biển là 90.687 con.
Rùa con trở về đại dương sau khi nở (Ảnh: T. Đ. Huệ)
Số lượng tổ trứng rùa đẻ trên các bãi và số lượng rùa con được thả về biển tăng lên mỗi năm là tín hiệu vui cho thấy sự phục hồi mạnh mẻ của các quần thể rùa biển tại Côn Đảo.