Ban quản lý VQG Côn Đảo vừa có cuộc khảo sát, đánh giá tỷ lệ sống của rạn san hô được trồng từ đầu tháng 5 vừa qua tại một số vùng biển Côn Đảo. Số san hô này được trồng bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Trong đó, khó nhất là phương pháp buộc cành san hô vào cọc sắt cố định, rồi đóng xuống nền đáy.
Anh Nguyễn Đức Thắng, Phòng Khoa học, Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết, phương pháp này khó thực hiện vì khi đóng cọc dưới biển, người trồng phải chịu áp lực do chênh lệch về áp suất.
Tuy nhiên, phương pháp này lại cho kết quả tốt nhất vì san hô được giữ cố định, không di chuyển nên tỷ lệ sống cao, đạt tới 91,33%.
Kế tiếp là phương pháp buộc san hô sống vào các mấu san hô chết dưới biển, tỷ lệ sống đạt 90,38%. Sau cùng là phương pháp cố định san hô trên nền đáy qua vỉ nhựa PVC, tỷ lệ sống đạt 83,33%.
Chương trình trồng san hô dưới biển nằm trong dự án Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển và ven biển Côn Đảo. Dự án do Quỹ môi trường toàn cầu, tổ chức phát triển quốc tế Đan Mạch tài trợ với số tiền 16.000 USD để trồng 54.000 cây san hô từ khu vực bãi biển Ông Câu đến bãi Đất Thắm.