Côn Đảo là nơi có nhiều loài thú quý hiếm và được ghi tên trong sách đỏ Việt Nam như sóc Đen Côn Đảo, sóc Mun, bồ câu Nicoba, chim Gầm Ghì trắng, mỹ nhân ngư - Dugong Dugon (ở Việt Nam hiện chỉ có ở Côn Đảo và Phú Quốc) và đặc biệt là rùa biển.
Theo nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học, hàng năm, Côn Đảo nhận được số lượng rùa biển đến làm tổ và sinh sản lớn nhất nước. Một rùa mẹ thường đẻ trung bình là 240 trứng trong mùa (91 trứng/ tổ) và tỉ lệ trứng nở trên 80%; phần còn lại là trứng không thụ tinh, trứng chết phôi và rùa con chết trong trứng. Những chú rùa con trong qua trình di chuyển về đại dương cho đến lúc trưởng thành có tỉ lệ sống sót rất thấp khoảng từ 1/1.000 đến 1/10.000 với những mối nguy hại hữu quan và khách quan, có thể là trở thành mồi của những động vật lớn hơn hoặc có thể từ chính con người… Rùa biển có một tập tính là thường quay về nơi được sinh ra để làm tổ và sinh sản. Lý do khiến rùa biển lên bãi đẻ về đêm vì chúng sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn; và chúng chọn thời điểm nước ròng tức mực nước biển cách bãi cát khoảng 3m. Các nhà khoa học giải thích cho việc này như sau: do từ lúc sinh ra đến lúc rùa thành thục sinh sản khoảng 35 năm, thời gian này chúng tuyệt đối ở dưới nước và bơi bằng 4 chi của mình, do đó 4 chi của chúng rất khỏe nhưng đó chỉ là thế mạnh của chúng khi ở dưới biển còn khi ở trên bờ chúng rất yếu nên phải chờ khi nước lên để không bị mất sức. Nhìn dấu chân in trên bãi cát, chúng ta có thể biết được chúng thuộc loại rùa Xanh (Chelonia mydas) hay rùa Da.
BẢO TỒN RÙA BIỂN
Năm 1994, Côn Đảo là nơi đầu tiên triển khai một cách có hệ thống chương trình bảo tồn rùa biển, thông qua việc nghiên cứu các đặc tính sinh thái và mô hình – phương pháp bảo tồn rùa biển. Tính đến nay, Vườn Quốc gia Côn Đảo đã đeo thẻ cho trên 2.027 rùa mẹ và 5 máy theo dõi đường di cư bằng tín hiệu vệ tinh. Hiệu quả của các hoạt động bảo tồn đã làm số rùa con nở tăng trên 400.000 con (1995-2006). Thông qua việc đeo thẻ monel cho rùa mẹ, các nhà nghiên cứu có thể thống kê được lượng rùa lên bãi hàng năm, tăng hay giảm đàn và chứng tỏ thêm một điều là hệ sinh thái biển tại đây rất tốt, an toàn cho việc thích nghi của rùa biển.
Trạm bảo tồn rùa biển được thành lập nhằm nghiên cứu những đặc tính sinh thái và đặc tính sinh vật học để bảo tồn chúng được tố hơn; đồng thời, đưa ra các giải pháp bảo tồn hiệu quả, và giảm thiểu tối đa các động bất lợi của tự nhiên và con người đến rùa biển.
... VÀ NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ CHO DU KHÁCH
Đến Côn Đảo, ngoài các di tích lịch sử mà du khách ai ai cùng viếng thăm như: Nghĩa trang Hàng Dương, mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu, mộ Cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong, Chuồng Cọp Pháp – Mỹ thì du khách không thể bỏ qua một chuyến tham quan du lịch sinh thái để tìm hiểu, khám phá cỏ cây, các loài thực – động vật hoang dã, quý hiếm hoặc một chuyến tàu lướt sóng đến một trong những hòn đảo lớn nhỏ của Côn Đảo như hòn Cau, hòn Bảy Cạnh, hòn Tài, hòn Trác,… để bơi lội hoặc lặn xem những rạn san hô đẹp đầy màu sắc lung linh dưới đáy đại dương yên bình.
Không một du khách nào khi tham quan một điểm sinh thái tại Vườn Quốc gia Côn Đảo lại không muốn trở lại lần thứ hai. Nếu có cơ hội, bạn nên một lần tham quan Côn Đảo và một lần xem rùa làm tổ sinh sản đẻ trứng. Để xem được rùa đẻ trứng, bạn cần lưu đêm tại hòn, cần có tính kiên nhẫn và một chút may mắn. Thông thường, mùa rùa lên bãi làm tổ và đẻ trứng là từ tháng 6 đến tháng 9.
Tổ chức cho các hoạt động du lịch sinh thái tại Côn Đảo, liên hệ với Văn phòng Du lịch Sinh thái – Vườn Quốc gia Côn Đảo (CDNP), Tel: 064.830669 – 064.858792, Fax: 064.830493, websites: www.condaopark.com.vn.