Rủ nhau đi trồng san hô

Thứ năm, 16/07/2009, 08:52 GMT+7
2321 xem
Chia sẻ:

Bẻ những cành san hô sống cột vào cọc sắt đóng sẵn dưới biển, gần 20 ngư dân Côn Đảo đang giúp rặng san hô ở đây phục hồi sau khi bị thiên tai, con người tàn phá.

Chiếc thuyền nhỏ nghiêng hẳn về một phía khi anh Huỳnh Phú Cường, 41 tuổi ngoi lên khỏi mặt nước, hai tay bám chặt vào mạn tàu để leo lên. Tháo chiếc kiếng lặn, đưa tay vuốt nước biển còn đọng trên mặt để lộ đôi môi tái mét vì ngâm nước lâu. Anh "khoe" đã lặn liền một giờ để trồng san hô.

Cứu tài nguyên đảo

Thật thú vị, từ trước đến giờ người ta đi bẻ san hô chứ có ai lại đi trồng bao giờ? Anh Cường giải thích, sống ở Côn Đảo đã nhiều năm, nhưng chưa khi nào anh thấy san hô chết nhiều như những năm gần đây, đặc biệt là năm 2005. Từng rạn san hô cứ đua nhau chết trắng hếu, sau đó là ốc, cá cũng chết theo.

Ngày trước, do không hiểu nên ngư dân cứ thấy chỗ nào có nhiều san hô cũng tức là có nhiều cá, tôm thì cho ghe đến đó bắt. Nhiều khi buông lưới vô tình vướng vào làm gãy san hô là chuyện thường. Đến lúc san hô chết nhiều, cá không còn chỗ trú ngụ, ngư dân mới hiểu chuyện san hô tồn tại có ảnh hưởng mật thiết với cuộc sống của mình như thế nào. Vì thế khi được cán bộ Vườn quốc gia Côn Đảo giải thích về tầm quan trọng của san hô, đưa ra chương trình "trồng" loại động vật này, ngư dân Côn Đảo hưởng ứng ngay.

 

Giống anh Cường, anh Nguyễn Văn Vinh cũng là thành viên của đội trồng san hô lần này. Hơn một tuần nay, sáng nào anh cũng lên đò đi bẻ san hô ở những khu vực không nằm trong vùng bảo tồn nghiêm ngặt để mang về trồng ở bãi Ông Đụng. Sau hai ngày tập huấn, anh đã thuần thục cách trồng san hô dưới biển. Anh cho biết, trồng san hô này khó nhất là động tác đóng cọc. Vì nền đáy là những rạn san hô đã chết, bị vôi hóa rất cứng nên khi đóng phải dùng hết sức mới thắng được áp lực nước.

Chỉ về đống cọc sắt và bó dây đồng, anh Vinh giới thiệu tỉ mỉ công dụng của chúng trong việc trồng san hô.  Trước tiên, phải cố định được cọc bằng cách đóng mạnh que sắt có chiều dài chừng 4, 5 cm xuống nền đáy rồi mới cột san hô vào bằng dây đồng đã cắt sẵn. Mỗi cây được trồng cách nhau 40 cm. Cứ như thế, mỗi ngày anh và một người nữa sẽ trồng được 200 cây. Nói xong, anh với dây chì nặng 20 kg đeo vào ngang lưng cùng với bình dưỡng khí, kiếng lặn, chân vịt rồi nhảy ùm xuống biển mang theo một rổ san hô để tiếp tục công việc.

Anh Nguyễn Đức Thắng, cán bộ phòng Khoa học, Vườn quốc gia Côn Đảo, cho biết trồng san hô phải cố định được giá thể thì san hô mới có thể sống được. Trước khi trồng, cán bộ Vườn quốc gia Côn Đảo  đã phải nghiên cứu rất kỹ để chọn ra giống san hô thích hợp là acro bora. Đây là giống san hô sinh trưởng nhanh, thích hợp để trồng phục hồi rặn san hô.

San hô giống sau khi được cắt phải ngâm trong nước biển và sục khí oxy liên tục trong ba giờ. Nếu để quá lâu, san hô sẽ chết hay ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của san hô sau khi trồng. Trong lần này, chương trình đã tiến hành trồng theo ba cách. Cách thứ nhất sử dụng vỉ nhựa. Cách thứ hai, dùng cọc sắt cố định ở nền đáy san hô chết rồi buộc san hô sống vào đó sao cho san hô sống tiếp xúc trực tiếp với nền đáy. Cách thứ ba dễ nhất, đó là cột san hô sống vào cành san hô chết.

'Trái ngọt' của 10 năm

Ông Trần Đình Huệ, Phó giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo, cho biết việc trồng san hô này nằm trong dự án Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển và ven biển Côn Đảo. Dự án do Quỹ Môi trường Toàn cầu, Tổ chức Phát triển quốc tế Đan Mạch tài trợ với số tiền 16.000 USD cho trồng 54.000 cây san hô từ khu vực bãi biển Ông Câu đến khu vực bãi biển Đất Thắm thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo.

 

San hô phải trồng lại sau hàng loạt các tai biến thời tiết gần đây. Cơn bão Linda năm 1997, sóng biển đánh mạnh khiến một loạt san hô bị gãy, chưa kịp phục hồi thì hiện tượng Elnino năm 1998 lại một lần nữa đe dọa sự sống của san hô khi nhiệt độ đột ngột tăng.

Nhưng nghiêm trọng nhất, năm 2005, hiện tượng nước biển bị ngọt hóa đã khiến san hô ở Côn Đảo chết hàng loạt. Thời điểm đó, bỗng  nhiên thấy cá, ốc chết nổi trên mặt biển rất nhiều. Nghi ngờ có chuyện không hay, anh cùng mọi người lặn kiểm tra mới biết san hô cũng chết rất nhiều. Lúc đó, tại các bãi thuộc tây nam, tây, tây bắc của hòn Côn Sơn và Hòn Tre lớn, Hòn Tre nhỏ thì số lượng san hô chết ở đây lên đến hơn 50% số san hô hiện diện. Ngoài ra, phía tây Hòn Tài, bãi Bờ Đập, bãi Vông của Hòn Bảy Cạnh, san hô cũng đua nhau chết.

 

Ông Huệ cho biết, san hô là loài động vật nhạy cảm. Nếu nhiệt độ cao quá hoặc thấp quá cũng không phát triển bình thường được. Loài động vật này chỉ có thể sống, sinh trưởng tốt nhất trong khoảng nhiệt độ 21 - 30 độ C. Ngoài ra,  độ mặn và độ đục của nước cũng ảnh hưởng lớn đến san hô. Nếu độ mặn dưới 0,20/00 và trên 0,30/00 thì san hô khó mà tồn tại được. Vì thế, trồng san hô không phức tạp mà khó nhất là bảo tồn những rạn san hô mới trồng.

Có thể nói, việc gần 20 ngư dân đăng ký tham gia cùng trồng san hô là kết quả của gần 10 năm tuyên truyền của Vườn quốc gia Côn Đảo. “Việc những người từng bẻ san hô làm đồ mỹ nghệ, đục rạn san hô để bắt ốc… giờ lại trồng, bảo vệ san hô không phải là điều thường thấy. Thành công nhất của dự án trồng san hô này là tăng ý thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường của ngư dân Côn Đảo", ông Huệ đánh giá.

San hô là các sinh vật biển thuộc lớp san hô thường sống thành các quần thể gồm nhiều cá thể giống hệt nhau. Các cá thể này tiết ra cacbonat calci để tạo bộ xương cứng, xây nên các rạn san hô tại các vùng biển nhiệt đới. San hô có hai dạng mềm và cứng. San hô cứng khi có ánh sáng mặt trời chiếu vào sẽ có nhiều màu sắc rất đẹp, trong đó màu đỏ, xanh, vàng là các màu chủ đạo. Nhiều người lầm tưởng san hô là thực vật nhưng nó chính là động vật bậc thấp.

 

 

 

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc