Ra Côn Đảo xem rùa đẻ

Thứ ba, 08/01/2008, 08:47 GMT+7
2986 xem
Chia sẻ:

(TuoiTre) CT - 4g chiều rời cầu cảng 914, chiếc thuyền câu nhỏ bé của chúng tôi bắt đầu vượt trùng khơi hướng tới dãy núi phía tây hòn Bảy Cạnh. Không lâu sau đó thuyền men theo núi tiếp tục ra cửa biển nhằm tránh những đợt sóng đang nhồi, giật từng cơn.

Anh Hoàng, tài công, nói: “Trong lúc biển động, người giàu kinh nghiệm thường lèo lái con thuyền chạy cặp theo đảo để núp gió nhưng nên tránh chạy quá gần bờ kẻo đụng phải đá ngầm, rạn san hô vốn là chiếc bẫy tiềm ẩn gây hiểm họa vỡ tàu”. Đến gần 6g, thuyền vòng qua hòn Bông Lan rồi nương con sóng tiến vào bãi Cát Lớn, nơi lực lượng kiểm lâm thuộc vườn quốc gia Côn Đảo chốt trạm để vừa quản lý rừng vừa bảo vệ môi trường sống cho các sinh vật trên đảo. Thủy triều xuống dần, phơi bày những quần thể san hô tỏa khắp vùng vịnh. Xa xa, một bãi cát trắng mịn màng, thoai thoải uốn cong theo hình cánh cung nằm giữa đôi bờ là vách núi cheo leo. Cảnh vật nguyên sơ, tĩnh lặng. Rùa biển (Chelonia mydas) mà dân gian hay gọi rùa xanh, con vích... chọn hòn Bảy Cạnh này làm nơi hội tụ sinh sản. Ông Nguyễn Trường Giang - phó phòng khoa học và giáo dục môi trường vườn quốc gia Côn Đảo - kể: Trước năm 1975, rùa xanh ở Côn Đảo rất nhiều, tới mức chính quyền sở tại phải cử một bộ phận tù thường phạm ra hòn Bảy Cạnh, hằng ngày khai thác rùa làm thực phẩm. Thậm chí, sau ngày đất nước giải phóng, hàng hóa khan hiếm, việc đi lại khó khăn, nhiều khi người ta dùng toàn thịt vích để chế biến đãi đằng đám cưới hoặc băm vằm cho heo gà ăn. Hiện nay, quần đảo Côn Sơn gồm 16 đảo thì hầu hết là khu vực rùa xanh, đồi mồi tìm về đẻ trứng. Thông thường, những lúc chuyển dạ, rùa xanh đào lỗ dưới vụn cát, còn giống đồi mồi lại sinh sản trên rạn san hô. Riêng bãi Cát Lớn, vào năm 2006 có hơn 100 rùa xanh sinh được 365 ổ, được xem là nhiều nhất so với hải đảo cả nước. Lúc trời chạng vạng, Kiên - nhân viên kiểm lâm - nhắc tôi: “Thủy triều tối nay lên trễ, nên ngủ sớm dành sức rạng sáng xuống bãi khảo sát”. Nằm trên võng đong đưa nhưng tôi chẳng tài nào dỗ được giấc ngủ, cứ thao thức, trằn trọc với những dấu hỏi xoay quanh trong đầu: liệu các “nàng” rùa có trở về, khi ngoài kia trăng bắt đầu ló dạng lan tỏa muôn ngàn ánh sáng lấp lánh khắp mặt biển? Sự nghi ngại ấy cuối cùng cũng được giải tỏa khi Kiên lù lù xuất hiện bên đầu võng báo tin: “Thông báo lúc này có hai nàng rùa đang chậm chạp vượt qua rạn san hô chuẩn bị lên bãi”. Thì ra, tâm trạng của cậu ta cũng háo hức, mong đợi... “Có đến ba nàng đã chọn được chỗ làm tổ” - Kiên thông báo sau khi lần theo những vết chân từ biển tỏa dần ra bãi cát ven rừng. Nếu không nhờ Kiên bật đèn đỏ soi rọi và chỉ từng vạt cát thỉnh thoảng bắn tung tóe phía trước mặt, tôi chẳng thể nào nhận dạng được ba rùa xanh to, đen kịt đang dùng cặp chi sau (tiếng địa phương gọi hai bơi sau) vừa gạt ngang, vừa xoắn xuống đất như hai cái huổng bốc cát xây tổ. Hai nàng ngẫu nhiên chọn địa điểm dưới đám cây Hòe Lông, nằm ở vị trí cao ráo, khuất gió, khá xa sóng biển. Còn nàng thứ ba làm tổ giữa đụn cát lộ thiên, nơi có nguy cơ sẽ bị còng, cua, kỳ đà... đào bới phá tổ. Công việc di dời chỗ đẻ cho nàng này là nhiệm vụ rất vất vả, mất khá nhiều thời gian bởi nhân viên phải thực hiện qui trình lấy trứng, chuyển sang bãi ấp nhân tạo trong vòng hai giờ lúc rùa đang “say sưa” đẻ. Ông Nguyễn Trường Giang giải thích: “Rùa xanh là sinh vật biển hiền lành, nhạy cảm. Chúng bắt đầu trưởng thành từ 35 tuổi. Đến mùa sinh sản các cá thể sẽ di cư về nơi “chôn nhau cắt rốn” để làm tổ. Chúng kết đôi với rùa đực ở trước các bãi mà chúng sinh đẻ. Trước thời điểm chuyển dạ hai ngày, phôi trứng tạm ngưng phát triển và hoạt động trở lại sau khi trứng đã ra đời 2-6 giờ. Vì vậy, di dời ngay lúc mới sinh sản không sợ va chạm làm rách phôi”. Đầu tiên là chờ đợi rùa đào bới hoàn thành tổ đẻ có chiều sâu chừng 40cm... Mọi can thiệp hoặc sử dụng đèn trắng để theo dõi lúc này đều phải né tránh vì dễ gây cho “nàng” hoảng sợ, quay trở về đại dương. Tiếp theo, dùng đèn đỏ xem phía sau đuôi rùa, chờ cho đến khi những quả trứng giống hệt trái bóng bàn lần lượt rơi xuống tổ. Bây giờ là lúc “ông mụ” dùng hai tay từ từ gạt cát mở rộng tổ và nhẹ nhàng thận trọng lấy từng quả trứng chuyền qua sọt nhựa. Tối kỵ là không được vô ý chạm tay vào bộ phận sinh sản vốn là nơi rất nhạy cảm khiến rùa tức khắc... nín đẻ. Trong khi đó, rùa mẹ càng lúc càng xuống sức. Mỗi lần trứng rơi là một lần tiếng thở dốc khò khè nổi lên đồng thời ánh mắt rươm rướm, long lanh như mới rơi nước mắt. Biết là rùa đẻ sai trứng, nhưng tôi cũng hoàn toàn bất ngờ khi đếm được 102 quả, kết quả của hơn giờ đồng hồ người và sinh vật phải tận lực. Nhìn sang rùa mẹ, nay đã kiệt sức đến mức nằm yên bất động, thỉnh thoảng hai bơi sau theo quán tính cứ gạt cát về phía tổ. Chắc chắn từ đây đến rạng sáng nó vẫn tiếp tục làm tròn thiên chức của người mẹ là lấp ổ, nghi trang đề phòng kẻ thù xâm nhập, cho dù có biết hay không hiện tại trong tổ chẳng còn quả trứng nào. Còn Kiên thì đang hoàn tất công đoạn cuối cùng là đo kích thước mai rùa rồi lật hai chi trước xem thẻ, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của cá thể rùa. Trong suốt mười năm qua vườn quốc gia Côn Đảo đã bấm thẻ cho trên 2.000 rùa trưởng thành nhằm kiểm tra vòng đời, số lần sinh sản một cách hệ thống theo mạng lưới bảo tồn rùa biển ASEAN. Hơn thế nữa, thẻ còn giúp các nhà bảo vệ sinh vật biển nghiên cứu vùng tìm thức ăn, đặc điểm sinh vật học từng cá thể rùa và khả năng tăng, giảm số lượng đàn tại vùng biển Côn Sơn. Cứ tưởng rằng đêm nay chỉ có ba “nàng” chuyển dạ, ngờ đâu lúc đi xuống cuối bãi, chúng tôi phát hiện thêm một “nàng” rùa nằm yên lặng ngay bờ biển, cách mép nước biển chưa đầy 2m. Kiên lẩm bẩm: Không biết nghĩ sao mà “bà” này lại chọn đúng chỗ triều cường để làm tổ vì thủy triều dâng cao, nước biển tràn ngập, trứng sẽ bị hỏng. Kiểm tra chốc lát, bỗng nhiên Kiên thốt lên: “Nó bị lưới cắt ở bơi trước nên không còn sức bò tiếp lên bãi cát, ngoài ra dựa vào thẻ đeo chúng tôi bấm cách 13 ngày thì đây là lần thứ hai “bà” này có mặt tại bãi Cạnh”. Trong mùa tính từ tháng tư đến tháng mười một, rùa mẹ đẻ vài ba lần hoặc nhiều hơn, mỗi lần trung bình được 90 trứng và khoảng cách giữa hai lần đẻ thường 12, 13 ngày. Với trường hợp nàng rùa bị thương, chúng tôi đành phải phá lệ, dùng sức đùn đẩy chiếc mai nặng trên trăm ký về phía trước hầu tránh khỏi những đợt sóng biển ngày càng gần kề. Chuyện rùa xanh gặp sự cố ở bãi Cát Lớn là việc không hiếm. Bởi lẽ, trông nó có vẻ thảnh thơi, nhẹ nhàng, uyển chuyển lúc bơi dưới nước thì ngược lại những lúc di chuyển trên bờ rùa xanh luôn gặp khó khăn do thân xác nặng nề, vụng về. Chưa kể địa hình có khá nhiều chướng ngại vật từ rạn san hô ngầm, những ghềnh đá lởm chởm, rễ cây chằng chịt... Tất cả đều là họa vô đơn chí nếu rùa vô tình đi qua giống như cảnh ngộ một nàng rùa bị giam lỏng suốt đêm giữa bộ rễ cây chằng chịt mà chúng tôi phát hiện rạng sáng hôm nay. Và cũng nhờ ánh sáng ban ngày chúng tôi mới thấy rõ ràng trên bề mặt vụn san hô cuối bãi, bị xới lên nham nhở, dấu hiệu con rùa nào đó đêm qua chẳng may mắc cạn, vùng vẫy tìm lối thoát. Giữa trưa, gặp Kiên đang thả lứa rùa con sau 57 ngày ấp trên bãi nhân tạo. Từng nhóm, từng nhóm năm bảy chú cứ thế lần lượt được chuyển nhẹ nhàng từ sọt nhựa ra bãi cát. Chúng nghếch đầu nghe ngóng rồi đồng loạt bò lăng quăng xuống biển và nhanh chóng hòa mình vào sóng triều dâng. Dường như bản năng bảo chúng rằng: biển cả là quê hương mà cả vòng đời của nó phải luôn gắn bó. Đây là khoảng thời gian rùa con sẽ đối mặt với nhiều bất trắc, rủi ro nhất và cơ may sinh tồn là rất hiếm, vì bất kể lúc nào nó cũng có thể trở thành nguồn thức ăn cho sinh vật khác. Nhiều người suy nghĩ: thật nghịch lý khi bỏ biết bao tài lực, thời gian bảo vệ chăm sóc chúng nhằm thoát khỏi nguy cơ trên bờ tuyệt chủng nhưng cuối cùng nó vẫn hoàn toàn biến mất. Hoặc ý kiến khác: nên chăng hãy nuôi sống chúng đến lúc đủ sức tự bảo vệ. Tuy nhiên, mọi việc chẳng đơn giản chút nào. Theo ông Nguyễn Trường Giang, việc nuôi dưỡng rùa con dù một vài năm vẫn khiến nó mất tính tự chủ, xáo trộn tập tính và sinh lý. Mặt khác, lúc rùa nhuốm bệnh, mầm bệnh lây lan, phát tán rất cao. Hơn thế nữa, nếu dùng kinh phí tài trợ các quốc gia đang cần bảo tồn giống rùa, sinh vật biển, xét cho cùng vẫn hiệu quả hơn nhiều so với trực tiếp nuôi dưỡng. Chưa kể, thiếu nó nguồn thức ăn trong đại dương sẽ bị cạn kiệt.

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc