PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN RẠN SAN HÔ TẠI CÔN ĐẢO

Thứ sáu, 03/04/2009, 10:24 GMT+7
7050 xem
Chia sẻ:

Vùng biển Côn Đảo được đưa vào danh sách “các vùng được ưu tiên bảo vệ cao nhất” trong hệ thống các vùng bảo vệ biển của ngân hàng thế giới. Theo Viện Hải Dương Học Nha Trang và Hải Phòng thì vùng biển Côn Đảo có sự giàu có về mật độ và phong phú về loài sinh vật bậc nhất Việt Nam, nhiều rạn san hô còn mang tính nguyên thủy cao, các cuộc khảo sát về sinh vật biển gần đây của các chuyên gia hàng đầu thế giới  về chuyên ngành luôn tìm ra các loài sinh vật mới cho thế giới và Việt Nam.

Tuy nhiên, trong thời gian qua diễn biến đa dạng sinh học luôn có sự biến đổi lên quan đến các sự cố từ tự nhiên như: - Sự tác động của Cơn bão Linda tháng 11 năm 1997, tác động đến 1/3 diện tích của rừng và hàng ngàn ha diện tích biển bị ảnh hưởng, một số rạn san hô bị phá hủy hoàn toàn sau bão. - Hiện tượng san hô bị tẩy trắng do nhiệt độ nước biển tăng lên đột ngột từ hiện tượng Elnino vào tháng 8 – 9 năm 1998 (Võ Sỹ Tuấn, 1998). - Hiện tượng nước biển bị giảm độ mặn và độ trong vào giữa tháng 10 năm 2005.

Đó là những sự cố môi trường từ tự nhiên, đã làm sự đa dạng sinh học biển Côn Đảo bị suy giảm nghiêm trọng và ngăn chặn tiến độ tự phục hồi của nhiều hệ sinh thái biển. Bên cạnh đó với sự ép về khai thác thủy sản đã dẫn đến nhiều nguồn lợi bị suy giảm như: ốc Vú nàng; các loài trai tai tượng (ốc đá); tôm hùm; các loài cá mú và một số loài cá khác sống trong rạn… Đồng thời một số ngư dân trong và ngoài địa phương vẫn còn khai thác hải sản bằng chất độc như Xianua; phá rạn san hô để khai thác ốc tai tượng.

Trước thực trạng như trên, nhằm để giảm thiểu tình trạng suy thoái rạn san hô khi mà khả năng phục hồi tự nhiên của chúng là hạn chế, Ban Quản Lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cùng với Dự án Bảo tồn biển Côn Đảo đã tiến hành “thực nghiệm nuôi cấy phục hồi và phát triển rạn san hô ở Côn Đảo” với mục đích nhằm giảm thiểu những tác động bất lợi đối với rạn san hô, cải tạo những vùng rạn làm gia tăng độ phủ của san hô, gia tăng giá bám bền vững cho san hô tái phục hồi và tạo môi trường ổn định cho sự phát triển của quần xã sinh vật rạn khác ngoài san hô.

Mục tiêu của việc nuôi cấy phục hồi và phát triển rạn san hô ở Côn Đảo là:

+ Phục hồi nhân tạo nuôi cấy san hô tại các địa điểm rạn san hô khó có khả năng phục hồi hiện trạng như trước đây;

+ Thực nghiệm và chọn lựa các phương pháp phục hồi san hô hiệu quả cho vùng biển Côn Đảo và các vùng biển phụ cận khác.

+ Nâng cao ý thức cộng động đồng trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả và phục hồi tài nguyên biển;

+ Tạo địa điểm du lịch sinh thái lặn biển xem san hô.

Địa điểm phục hồi từ vùng biển phía bắc bãi Ông Câu đến phía bắc vịnh Ông Đụng thuộc đảo Côn Sơn. Tiến hành phục hồi san hô tại 15 địa điểm với diện tích vùng phục hồi và phát triển san hô là 40ha (tổng diện tích nuôi cấy phục hồi san hô là 8ha).

Thời gian thực hiện từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2009

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc