Những người gác rừng

Thứ sáu, 27/08/2010, 13:54 GMT+7
1505 xem
Chia sẻ:

Cái nắng những ngày cuối tháng 4 gay gắt hơn, như thể ông mặt trời đang dốc sức trút xuống vạn vật những tia lửa cuối cùng kết thúc mùa khô hạn. Nhiệt độ tăng cao, không khí khô nóng, cây cối xác xơ nên công tác tuần tra bảo vệ phòng chống cháy rừng càng trở nên cấp thiết.

RỪNG LÀ NHÀ

 

Đang ăn vội chén cơm chay ở chùa Tây Phương (thuộc khu vực núi Dinh, huyện Tân Thành), chưa kịp uống ngụm nước, anh Lê Văn Sinh – trạm trưởng trạm Kiểm lâm núi Dinh đã nghe tiếng chuông điện thoại reo vang, đầu dây bên kia một giọng nói gấp gáp vang lên: “Ở khu vực Hang Mai có một cột khói bốc lên, anh em cho người kiểm tra nhé!”. Nghe tin báo, anh Lê Văn Sinh đứng phắt dậy chạy ra một mỏm núi cao ngó vế hướng được báo có khói, tay liên tục bấm điện thoại gọi về nhân viên trực trạm, gọi cho chủ rừng yêu cầu kiểm tra và xác minh thông tin, gọi cho lãnh đạo để báo cáo… Khi đã chắc chắn không có cháy, anh Sinh thở phào, cơ mặt giãn ra, quay lại mâm cơm thì mọi thứ đã nguội lạnh. Đàn khỉ đang chực sẵn để nhảy vào dọn cỗ. Anh Sinh chia sẻ: “Công việc của chúng tôi là thế đấy. Ăn uống thất thường, có khi ăn cơm trưa cũng là bữa cơm chiều. Ban ngày, chúng tôi chia nhau tuần tra để ngăn chặn hoạt động của lâm tặc, canh lửa và bảo vệ thú rừng. Đêm đến chúng tôi luôn ngủ chập chờn để không bỏ qua bất kỳ động tĩnh nào trong những cánh rừng”.

 

Nhân viên Trạm kiểm lâm Núi Dinh tuần tra rừng trong những ngày cao điểm mùa khô.

 

Trạm kiểm lâm Núi Dinh chỉ có 3 người, quản lý hơn 3.000 ha rừng thuộc các xã Tân Hoà, Tân Hải, Phước Hoà, Tân Phước, Phú Mỹ, Mỹ Xuân, Châu Pha, Tóc Tiên. Lực lượng mỏng, trang thiết bị thiếu thốn, nên công việc gác rừng luôn được các anh chủ động với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy”. Trong những ngày cao điểm mùa khô, Trạm kiểm lâm Núi Dinh thực hiện nhiều biện pháp phòng chống cháy rừng như: tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, chỉnh trang các đường băng cản lửa, xây dựng hồ chứa nước trong rừng để chữa cháy, yêu cầu những hộ dân sống trong và ven rừng thực hiện cam kết các quy định bảo vệ rừng...

 

Hôm chúng tôi lên thăm trạm, anh nhiệt tình đưa chúng tôi vòng vèo theo lối các anh vẫn đi tuần hàng ngày. Đường lên rừng thuộc khu vực xã Tân Hải không xa, chỉ gần 4km nhưng chiếc xe máy của chúng tôi phải liên tục đi số 1-2 mới có thể nhảy lóc cóc qua những ổ đá lởm chởm và vượt những đoạn đường lầy cát.

 

Ba nhân viên của trạm, mỗi người tối thiểu cũng có thâm niên 20 năm gắn bó với rừng nên mọi ngõ ngách của rừng, từng loài động vật sống trên rừng các anh thuộc nằm lòng. Anh Sinh cho hay: “Rừng trên núi Dinh còn nhiều động vật có nguy cơ tuyệt chủng như khỉ đít đỏ, cầy hương, hoẵng, gấu...”. Anh Võ Bá Trần Nhật Thanh, kiểm lâm địa bàn Núi Dinh kể: “Trước đây trong khu vực có một con heo rừng khá lớn sinh sống, nhưng bẵng đi một thời gian chúng tôi không thấy đâu cả. 3 anh em đinh ninh nó bị săn mất rồi. Cách đây vài hôm, trong một lần đi tuần thấy dấu chân của nó, chúng tôi mừng vì nó vẫn còn sống, nhưng lại buồn vì nó chỉ còn 3 chân. Một chân kia có lẽ nó đã cắn bỏ để trốn thoát khi bị sập bẫy”.

 

ĐỠ ĐẺ CHO RÙA

 

Đối với các nhân viên kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo, ngoài nhiệm giữ gìn màu xanh trên các hòn đảo thì việc bảo vệ hệ sinh thái biển cũng quan trọng không kém. Vườn Quốc gia Côn Đảo có diện tích hơn 15.000 ha bao phủ 16 hòn đảo lớn nhỏ. Thành phần thực vật, động vật và hệ sinh thái biển trên các đảo khá đa dạng, trong đó, hệ động thực vật đặc trưng là san hô, rùa biển và kỳ đà. Anh Nguyễn Vân Anh, nhân viên Trạm kiểm lâm Hòn Bà cho biết: “Những năm gần đây tình trạng đánh cắp san hô, rải thuốc để bắt rùa và các loài động vật trên biển ngày càng gia tăng. Do không có phương tiện di chuyển nên khi phát hiện kẻ tình nghi, chúng tôi phải điện thoại để thông báo cho đội kiểm lâm cơ động ứng cứu. Khi lực lượng ứng cứu đến nơi, bọn chúng đã tháo chạy hoặc tẩu tán tang vật”.

 

Vườn Quốc gia Côn Đảo hiện có 4 điểm tập trung rùa đẻ trứng là Hòn Tre Lớn, Hòn Cau, Hòn Tài và Hòn Bảy Cạnh. Những người làm kiểm lâm ở các hòn này đều kiêm thêm nhiệm vụ đỡ đẻ cho rùa. Hơn 20 năm gắn bó với nghề kiểm lâm ở Côn Đảo cũng là ngần ấy năm anh Trần Thái Bình, trạm trưởng Trạm kiểm lâm Hòn Tre Lớn làm “ông mụ” cho rùa. Ngày làm việc của anh Bình là một lịch trình nối tiếp không ngơi nghỉ; sáng đi canh rừng, chiều tuần tra biển và tối thức canh rùa đẻ. Anh Bình cho biết: “Ban đầu tôi chỉ đỡ đẻ cho rùa như là một nhiệm vụ nhưng chẳng biết từ khi nào nhiệm vụ ấy đã trở thành niềm đam mê trong tôi. Mùa này mỗi đêm có hàng chục con rùa lên bãi đẻ trứng, tôi phải canh chừng để chuyển trứng lên ở khu vực an toàn, không cho nước biển cuốn trôi”.

Anh Trần Thái Bình, trạm trưởng Trạm kiểm lâm Hòn Tre Lớn cắm cột ghi ngày rùa đẻ trên mỗi ổ trứng.

 

Khoảng cách giữa các hòn đảo với trung tâm Côn Đảo không xa, nhưng cuộc sống của những người kiểm lâm trên các hòn này vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, chẳng khác gì những người lính đóng quân nơi đảo xa. Hòn Tre Lớn cách thị trấn Côn Đảo chừng 25 phút đi canô nhưng việc tiếp phẩm và nước cho trạm cũng chỉ được thực hiện mỗi tuần một lần. Gần đến ngày tàu ra tiếp tế, các anh phải điện thoại nhờ mua các món rau, củ, quả để được lâu như bí, bắp cải, su su... Tuy vậy, điều kiện sinh hoạt và thu nhập của chúng tôi hiện tại đã được cải thiện nhiều so với cách đây vài năm nên chúng tôi cũng thấy vui và hăng say hơn với công việc”, anh Nguyễn Đình Lý, trạm trưởng Trạm kiểm lâm Bến Đầm cho biết.

Bài, ảnh: Đăng Khoa

 

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc