Các bãi biển quanh đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời gian gần đây bùng phát sao biển gai với số lượng lớn, đây là loài địch hại hủy diệt san hô. Nhận thấy được mối nguy hại này, nhân viên phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế - Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã tổ chức lặn bắt sao biển gai tại đây.
Để bắt sao biển gai nằm dưới đáy biển, người lặn phải lặn xuống độ sâu từ 5 - 20m và dùng kẹp sắt gắp bỏ chúng vào giỏ. Ngoài kỹ năng lặn để không đạp phải san hô, người lặn còn phải cẩn thận để tránh đụng phải những chiếc gai độc gây đau nhức. Việc tiêu diệt loài sao biển gai được Ban quản lý tổ chức hằng năm vào tháng 5,6,7 là tháng sinh sản của loài này. Bên cạnh việc bắt và tiêu diệt sao biển gai, nhân viên Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo còn kết hợp với việc giám sát rác thải nhựa đại dương, thu gom các vật thể rác thải nhựa trôi dạc và mắc vào các rạn san hô gây cản trở sự sinh trưởng và phát triển của chúng.
Sao biển gai (Acanthaster planci) là loài sao biển có kích thước cơ thể lớn với đường kính có thể đạt tới 0,5m. Khác với các loài thuộc lớp sao biển, chúng có tập tính ăn ưa thích nhất là các mầm (polyp) san hô sống, các mô mềm của các loài san hô tạo rạn và các nhóm san hô khác. Các quần thể sao biển gai có thể phát triển nhanh chóng với cấp số nhân dẫn tới việc phá hủy cấu trúc của rạn san hô và làm thay đổi cân bằng sinh thái học trong rạn. Trong giai đoạn phát triển bùng phát, sao biển gai không chỉ ăn san hô sống mà còn ngăn chặn sự bổ sung của ấu trùng san hô. Điều này ngăn cản sự phát triển của các quần thể san hô, cản trở khả năng phục hồi tự nhiên của rạn. Đây là vấn đề môi trường đang được các nhà khoa học về rạn san hô trên Thế giới và Việt Nam tập trung giải quyết để cứu lấy rạn san hô.
Hình thái ngoài của sao biển gai Acanthaster planci
Nhân viên Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo lặn bắt sao biển gai tại đảo nhỏ Hòn Cau
Số lượng sao biển gai vào mùa sinh sản
Xử lý sao biển gai bằng hình thức chôn lấp
Kết hợp việc giám sát rác thải đại dương
Tin bài: Thanh Quyền - Thanh Hương