Mong manh cua đá cù lao

Thứ năm, 04/08/2011, 09:03 GMT+7
1734 xem
Chia sẻ:

SGTT.VN - Cua đá Cù lao Chàm là loài cua cạn lớn thứ hai của Việt Nam (sau loài cua xe tăng chỉ có ở Côn Đảo) nhưng thân phận không được kiên cố như cái tên: chúng đang bên bờ tuyệt chủng mà tên thì vẫn chưa có trong Sách đỏ Việt Nam.

Loài cua đá Cù lao Chàm (Gecarcoidea lalandii Milne Edwards, 1837) phân bố ở các đảo của Thái Bình Dương thuộc Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Indonesia và một số đảo lớn của quần đảo Hoàng Sa – Việt Nam.

Tác giả từng lang thang ở nhiều hòn đảo xa bờ của Việt Nam như Côn Đảo, Lý Sơn, Phú Quý, Thổ Chu... nhưng chưa thấy có sự phân bố của loài cua đá ở các đảo này.

Lãnh đạo thành phố Hội An (đơn vị hành chính bao gồm Cù lao Chàm) đã ban hành quyết định cấm khai thác triệt để cua đá từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm (thời điểm cua đá giao phối và đẻ trứng) như trong hương ước đồng thuận của cộng đồng địa phương, và kích cỡ mai cua khai thác không được nhỏ hơn 5cm. Mặc dù phần lớn vòng đời của cua đá sống trên cạn, nhưng giai đoạn ấu trùng thì hoàn toàn sống trong nước biển sau khi cua bố mẹ di cư ra biển giao phối và đẻ trứng. Đến khi các ấu trùng biến thành cua con, chúng mới bắt đầu bò theo các suối nước ngọt lên đào hang để sống trên rừng. Nếu các tháng trước đó bắt đầu vào mùa mưa – thời điểm cua cái mang trứng trong mai – cua đực bị bắt sạch thì làm gì các chú cua còn di cư ra biển để đẻ.

Cách không xa trụ sở của ban quản lý Cù lao Chàm là chợ, không thấy bán cua tự do như vào những năm trước 2006 – 2007 do chính quyền địa phương cấm bẫy bắt và mua bán, nhưng trong vai khách du lịch, gặng hỏi mãi trong ánh mắt nghi ngờ của người buôn bán ở chợ thì cũng có thể mua được vài ký cua đá. Giá bán hiện thời của mỗi ký (chừng sáu – bảy con) biến động từ 300.000 – 500.000 đồng/kg. Dựa vào giá bán cua tăng lên hiện nay và kích cỡ nhỏ bé của cua bắt được, có thể biết được mức độ giảm sút của quần thể cua đá ngoài thiên nhiên ở chính hòn đảo này.

Theo thông tin trên trang mạng của ban quản lý khu bảo tồn biển Cù lao Chàm thì chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) đã đồng ý hỗ trợ 50.000 USD cho dự án khoanh vùng nơi loài cua đá sinh sống trên Cù lao Chàm, sau khi đoàn công tác gồm các nhà khoa học, chuyên gia của UNEP thực hiện đợt khảo sát loài cua đá ở đây. Nhưng bài học thất bại về bảo tồn tê giác một sừng ở Cát Tiên là một ví dụ cho thấy dự án nhiều tiền, nhưng con tê giác cuối cùng ở Việt Nam vẫn bị sát hại. Chúng ta không thể nào bảo tồn hiệu quả được những động vật quý hiếm nếu không thay đổi được nhận thức và hành vi con người đối với chúng. Các phương tiện truyền thông hãy thôi loan tin hay gỡ bỏ những tin tức đã đăng về cua đá như một món ngon đặc sản. Cần có những tờ rơi hay áp phích khuyến cáo du khách thăm đảo không mua hay ăn loài cua đá này.

Ốc tai tượng nhỏ cũng chung số phận

Bên cạnh loài cua đá đang bên bờ tuyệt chủng, ở Cù lao Chàm một số loài động vật biển khác vẫn được bắt và bán công khai như ốc tai tượng nhỏ – Tridacna squamosa, đã được Sách đỏ Việt Nam xếp bậc VU (đang bị tổn thương về quần thể thiên nhiên). Loài ốc này còn phân bố ở Khánh Hòa, Côn Đảo, Phú Quốc.

Chương trình di dời nhằm bảo tồn vài chục cá thể ốc tai tượng nhỏ ở vườn quốc gia Côn Đảo đã được thực hiện trong những năm qua, trong khi ở biển Cù lao Chàm loài này vẫn bị bắt bán và ăn thịt!

Bên cạnh loài cua đá đang bên bờ tuyệt chủng, ở Cù lao Chàm một số loài động vật biển khác vẫn được bắt và bán công khai như ốc tai tượng nhỏ – Tridacna squamosa, đã được Sách đỏ Việt Nam xếp bậc VU (đang bị tổn thương về quần thể thiên nhiên). Loài ốc này còn phân bố ở Khánh Hòa, Côn Đảo, Phú Quốc.

Chương trình di dời nhằm bảo tồn vài chục cá thể ốc tai tượng nhỏ ở vườn quốc gia Côn Đảo đã được thực hiện trong những năm qua, trong khi ở biển Cù lao Chàm loài này vẫn bị bắt bán và ăn thịt!

Bài và ảnh: Ngô Văn Trí,

nhà nghiên cứu sinh vật

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc