Theo ông Trần Đình Huệ, Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo: khó tìm ra nguyên nhân bò biển chết vì Việt Nam chưa có cơ quan nghiên cứu về loài này.
Ngày 20.1, một cá thể Dugong (bò biển), nặng khoảng 80kg, bị chết tại vùng biển Vịnh Côn Sơn (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Bước đầu các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu để tìm hiểu nguyên nhân cái chết của con vật này.
Do ăn phải lưỡi câu?
Tuy nhiên, trao đổi với Đất Việt chiều 21.1, ông Trần Đình Huệ, Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết khó tìm ra nguyên nhân vì Việt Nam chưa có cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về loài này.
Cán bộ khoa học ở Côn Đảo đang đo kích thước con bò biển bị chết (Ảnh: Trần Đình Huệ)
Dugong (Dugong dugon) thuộc họ cá Cúi (Dugongidae), bộ Hải ngưu (Sirenia) là loài thú biển lớn quý, hiếm có tên trong sách đỏ của Việt Nam và của thế giới. Đây là một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất. Theo ông Huệ, hiện các nhà khoa học tại Vườn quốc chỉ có thể làm ở mức cao nhất đó là thu mẫu vật, còn việc phân tích gần như nằm ngoài khả năng vì “không có cơ quan chuyên môn nghiên cứu sâu về loài Dugong”, ông Huệ nói.
Mặc dù vậy, Ban quản lý vườn Quốc gia Côn Đảo cũng đã liên hệ với một số cơ quan chuyên môn phối hợp cùng đó là Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật để cử các nhà khoa học hỗ trợ tìm hiểu nguyên nhân cái chết của Dugong. Riêng với xác con này, hướng xử lý là gửi đến Viện bảo tàng thiên nhiên Việt Nam để bày mẫu. Được biết, đại diện Viện Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam trước đây từng làm việc và đề nghị lấy mẫu vật Dugong khi có điều kiện.
Ông Huệ cho biết thêm, dù không có cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về Dugong, song trước mắt các cán bộ khoa học sẽ lấy mẫu thức ăn trong dạ dày để kiểm tra. “Rất có thể con Dugong ăn phải lưỡi câu có dính cước. Năm trước, từng có khoảng 1-2 con đã ăn phải lưỡi câu có cước và chết. Bên cạnh đó, cũng sẽ xét nghiệm mẫu ký sinh trùng trong thức ăn của Dugong”, ông Huệ cho biết.
WWF: Sẽ hỗ trợ nếu có yêu cầu
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Ngân, cán bộ truyền thông của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho biết, hiện cơ quan này không có chuyên gia ở Việt Nam chuyên nghiên cứu về Dugong, tuy nhiên nếu phía Vườn Quốc gia Côn Đảo có đề nghị chính thức, WWF sẵn sàng phối hợp. “Chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa có thể, kể cả việc đề nghị chuyên gia nước ngoài hỗ trợ”, bà Ngân nói.
Được biết, hiện WWF không có dự án nào liên quan đến bảo tồn Dugong ở Côn Đảo, Việt Nam. Trong khi đó, thỉnh thoảng người ta vẫn tìm thấy Dugong ở vùng biển Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và vùng biển Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang.
Năm 1998, theo thống kê của các Nhà khoa học ở vùng biển Côn Đảo, quần thể Dugong có khoảng 8 – 12 cá thể; do thiếu về phương tiện, chuyên môn và kinh nghiệm cho nên bảo tồn Dugong ở Côn Đảo chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền vận động, xử lý vi phạm các quy định quản lý, bảo vệ và khoanh vùng phục hồi sinh cảnh của Dugong.
Việc có 1 cá thể Dugong chết không rõ nguyên nhân đang đặt ra cho các nhà quản lý và các nhà bảo tồn sinh vật biển quý hiếm về tính cấp thiết của kế hoạch bảo vệ số cá thể Dugong ít ỏi còn sót tại vùng biển Việt Nam.
Theo Đất Việt