Khám phá Côn Đảo

Thứ năm, 26/04/2012, 10:02 GMT+7
2253 xem
Chia sẻ:

Sau 40 phút rời sân bay quốc tế Cần Thơ, chiếc máy bay của hãng hàng không quốc gia Việt Nam Airlines thuộc Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO) chở trên 60 hành khách đã đáp xuống sân bay Cỏ Ống - Côn Đảo. Lần đầu tiên đến vùng đất thiêng Côn Đảo nên vừa bước xuống sân bay, lòng tôi đã cảm thấy lâng lâng khó tả. Cả trời đất, rừng cây, biển, núi như hòa quyện vào nhau tạo thành một bức tranh kỳ vĩ.

* Hoang sơ và quyến rũ

Côn Đảo, nơi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã giam cầm, đầy đọa hàng vạn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước trong suốt 113 năm thống trị - từng được coi là “địa ngục trần gian”, giờ đây đã trở thành một hòn đảo du lịch đầy ấn tượng. Côn Đảo ngày nay không những là điểm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng mà còn là nơi du lịch về nguồn, du lịch tâm linh. 

Bãi tắm gần cầu tàu Côn Đảo

Với diện tích 76km2 và gần 6.000 dân, huyện Côn Đảo hôm nay đã bừng lên một sức sống mãnh liệt. Toàn huyện chia làm 3 khu vực chính: Cỏ Ống, bến Đầm và thị trấn Côn Sơn, một thị trấn nằm trên thung lũng hình bán nguyệt, một mặt trông ra biển, ba mặt còn lại vây quanh là núi. Hầu hết đường sá, nhà cửa, cơ quan, nhà nghỉ, khách sạn, các khu di tích, bãi tắm… đều khang trang, sạch, xanh, đẹp, điện nước tiện nghi. Hai bên đường hầu hết đều có trồng cây bóng mát, phổ biến nhất là phượng vĩ và hoàng hậu. Đặc biệt dọc theo những con đường trung tâm như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Huệ đã in hình những hàng bàng cổ thụ uy nghi, sừng sững, càng làm cho không gian thêm tươi tĩnh.

Ấn tượng đầu tiên đối với du khách khi đặt chân đến “thiên đường” du lịch là sự yên tĩnh, một sự yên tĩnh đến lạ lùng, xung quanh toàn là núi và rừng. Đồi núi chiếm đến 88% diện tích tự nhiên, tạo thành một màu xanh huyền thoại. Đặc biệt có những con đường tráng nhựa phẳng phiu, sạch đẹp, cây xanh tỏa bóng nhưng lại ít thấy bóng người vì đa số bà con đều làm việc ở cơ quan và công trường.

Đến với Côn Đảo, chúng ta có thể tự khám phá hoặc đi thành đoàn tham quan các khu di tích lịch sử, chùa miếu, các bãi biển nổi tiếng hoang sơ, hoặc mua vé tham quan Vườn quốc gia Côn Đảo, một trong 7 Vườn quốc gia nổi tiếng của Việt Nam. Tùy theo ý thích và điều kiện thời gian, chúng ta có thể tham quan sân chim ở Hòn Trứng và Hòn Tre Nhỏ; xem rùa ở hòn Bảy Cạnh; khám phá khu rừng sinh thái Sở Rẫy hoặc leo lên núi Thánh Giá, nóc nhà của Côn Đảo để ngắm cảnh và chụp hình lưu niệm.

Đa số khách tham quan nếu không có điều kiện ra các đảo nhỏ ngoài khơi đều tìm đến bãi Đầm Trâu gần sân bay Cỏ Ống và cảng bến Đầm, gần Hòn Bà, nơi có khá đông dân cư làm nghề đánh bắt và mua bán hải sản. Theo truyền thuyết, Hòn Bà là nơi Nguyễn Ánh đã giam cầm bà thứ Phi Hoàng Phi Yến trong một hang đá. Một số người, nhất là du khách nước ngoài lại thích lội bộ xuyên rừng khoảng 600m để xuống bãi ông Đụng, một bãi tắm đẹp đến mê hồn. Nơi đây, du khách có thể tham quan các khu rừng ngập mặn, lặn ngắm nhìn các rặng san hô, các thảm cỏ biển. Nếu thích, chúng ta có thể băng rừng qua Sở Rẫy xem đàn khỉ hoang dã, nghe tiếng chim rừng véo von và tha hồ tắm mình trong thiên nhiên kỳ thú.

Côn Đảo hiện có khá nhiều nhà nghỉ, khách sạn, khu resort, nơi nào cũng đẹp và thơ. Du khách rất yên tâm về vấn đề nghỉ ngơi, an ninh và trật tự. Đặc biệt là đi lại, chúng ta có thể thuê một xe máy đi suốt cả ngày đêm. Về đặc sản, Côn Đảo chưa có gì nổi bật ngoài món ốc vú nàng, mực một nắng, hạt bàng rang muối và rang đường. Về nông nghiệp, Côn Đảo chỉ trồng được lúa, hoa màu và một số cây ăn trái như chuối, dừa, xoài. Phần lớn phải mua từ đất liền nên giá cả khá cao.

* Nơi du lịch về nguồn

Côn Đảo đã từng trải qua nhiều năm tháng đau thương. Từ năm 1862, thực dân Pháp đã xây dựng một hệ thống nhà tù vô cùng nham hiểm để giam cầm, tù đày những chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước. Đến thời Mỹ ngụy, nhà giam kiểu Mỹ lại càng ghê rợn hơn. 

Thật kinh hoàng khi đọc qua con số nhà tù ở Côn Đảo thời Pháp - Mỹ với tổng cộng 127 phòng giam, 44 xà lim, 504 phòng biệt lập chuồng cọp. Đó là chưa kể các sở tù đã đày ải tù nhân làm lao dịch khổ sai nhằm giết lần giết mòn tinh thần và thể xác của những người yêu nước. Chỉ riêng nghĩa trang Hàng Dương cũng đủ nói lên tội ác của kẻ thù và tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của các liệt sĩ, trong đó có nữ anh hùng Võ Thị Sáu và anh hùng Cao Văn Ngọc. Tiếp đến là hàng vạn cán bộ, đảng viên cộng sản đã bị lưu đày trong một địa ngục trần gian khét tiếng nhưng vẫn giữ tròn khí tiết.

Giờ đây, chiến tranh đã đi qua, nhưng bao nỗi đau thương vẫn còn đọng lại trên từng tấc đất, từng gốc cây, ngọn cỏ mà mỗi lần đến viếng nghĩa trang, các khu tưởng niệm và các trại tù Côn Đảo, nhất là những nấm mồ vô danh, chúng ta không sao ngăn được cảm hoài. Nhìn tấm bia tưởng nhớ 914 tù nhân tại cầu tàu Côn Sơn trước nhà chúa đảo và bia tưởng niệm 356 tù nhân xây cầu Ma Thiên Lãnh đã bỏ mạng vì phải lao dịch khổ sai càng làm cho chúng ta thêm bùi ngùi. Có những người tù chính trị chỉ qua cầu có một lần rồi vĩnh viễn nằm xuống.  

Chính vì Côn Đảo là nơi yên nghỉ của nhiều anh hùng liệt sĩ, là vùng đất thiêng, gợi lên bao niềm thương tiếc nên đa số khách tham quan khi đến viếng nghĩa trang đều đốt hương, tưởng niệm.

Ngày nay, Côn Đảo ngoài “thiên đường du lịch” được coi là một vùng đất tâm linh, một khu di tích lịch sử, nơi ngã xuống của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Nơi đây còn là trường học cách mạng vĩ đại cho mọi thời đại, nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và cả mai sau.

Bài, ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc