Hội nghị Cán bộ, CCVC Vườn Quốc Gia Côn Đảo

Thứ tư, 23/01/2008, 16:06 GMT+7
3567 xem
Chia sẻ:

Sáng ngày 18/01/2007 Vườn Quốc Gia Côn Đảo tổ chức Hội nghị CCVC năm 2008 với sự tham dự của 40 đại biểu đại diện cho 72 công chức, viên chức toàn đơn vị. Hội nghị đã tổng kết, đánh giá thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch mà Nghị Quyết Hội nghị đại biểu CCVC năm 2007 đã đề ra, đồng thời cũng đề ra phương hướng thực hiện chương trình công tác 2008. Nhìn chung kết quả thực hiện công tác năm 2007, Vườn Quốc Gia Côn Đảo tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong công cuộc bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học rừng và biển Côn Đảo. Đội ngũ cán bộ, đảng viên và CC.VC của đơn vị đã tích cực, hăng hái và sáng tạo trong các phòng trào thi đua, tích cực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao, ra sức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, triển khai và thực hiện tốt các chương trình nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và các Dự án hợp tác nước ngoài… Phát huy thành quả đã đạt được trong năm 2007, năm 2008 Vườn Quốc Gia Côn Đảo tiếp tục đề ra những mục tiêu, các chương trình công tác trọng điểm và các định hướng chiến lược với sự đoàn kết thống nhất và nổ lực quyết tấm phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, CCVC Vườn Quốc Gia Côn Đảo.

Sau đây là kết quả thực hiện chương trình công tác năm 2007 và phương hướng nhiệm vụ năm 2008 mà Hội nghị CC.VC Vườn Quốc Gia Côn Đảo đã báo cáo và đề ra: 

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC NĂM 2007

I. CHƯƠNG TRÌNH TUẦN TRA, KIỂM SÓAT, QUẢN LÝ, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

1. Công tác tuần tra, kiểm sóat và xử lý vi phạm:

Trong năm đã lập kế hoạch, tổ chức 02 đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Kiểm lâm, Công An, Quản lý thị trường, Phòng Kinh tế thực hiện công tác kiểm tra các sơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn nhằm ngăn chặn tình trạng kinh doanh, buôn bán động vật hoang dã và sản phẩm của chúng. Kiểm tra một số cơ sở và hộ gia đình có nuôi nhốt động vật hoang dã trên địa bàn Huyện nhằm hạn chế tình trạng săn bắt, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép. Tổ chức được 3478 lượt tuần tra, kiểm sóat bảo vệ tài nguyên rừng và tài nguyên đa dạng sinh học biển trong khu vực được giao; trong đó, kết hợp với lực lượng vũ trang tuần tra, kiểm tra 150 lượt. Phối hợp với Ban Quản lý cảng Bến Đầm và các lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện tàu thủy ra vào đất liền được 270 lượt. Kết hợp với Phòng Kinh tế xác minh, kiểm tra, giám sát công tác tận thu, tận dụng lâm sản của một số hộ dân được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết trên địa bàn Huyện Côn Đảo.

Năm 2007 Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo đã chủ động phát hiện, ngăn chặn và lập biên bản xử lý 26 vụ vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: Quản lý bảo vệ rừng; bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học biển; bảo vệ môi trường trong địa bàn diện tích được giao. Trong đó có 16 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng và 10 vụ vi phạm Luật Thủy sản, Luật bảo vệ môi trường, đồng thời quyết định xử phạt 16 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản với các hình thức: cảnh cáo 05 vụ; phạt tiền 11 vụ với tổng số tiền xử phạt được nộp vào KBNN Côn Đảo là 1.637.000 đồng. Đề xuất UBND Huyện quyết định phạt tiền 01 vụ vi phạm các quy định về kinh doanh, thu gom, bảo quản và vận chuyển thủy sản (kinh doanh mua bán trứng rùa biển là động vật nằm trong danh mục cấm) với mức phạt là 8.000.000 đồng. Chuyển giao hồ sơ cho Đội Bảo vệ NLTS xử lý 08 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Phối hợp với cơ quan tài chính và các cơ quan liên quan thành lập Hội đồng xử lý tang vật vi phạm hành chính như tiêu hủy và thả lại về biển 6288 con ốc đá. Thanh lý các tang vật khác bị tịch thu giao nộp vào KBNN Côn Đảo với số tiền 225.000đồng.

2. Kết quả thực hiện Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô 2006 – 2007:

Đầu mùa khô Hạt Kiểm lâm đã tham mưu cho Ban chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng Huyện Côn Đảo (BCĐ) mở Hội nghị triển khai công tác PCCCR và tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR giữa BCĐ với đại diện Ban điều hành  9 khu dân cư; đã có 1.143 lượt hộ gia đình và đại diện cơ quan, đơn vị tham gia ký cam kết BVR – PCCCR mùa khô 2007. Tiếp tục triển khai hướng dẫn và tổ chức thực hiện nội dung phương án PCCCR mùa khô 2006 - 2007 với những kết quả cụ thể như: phát dọn 22 ha đường ranh cản lửa, tu bổ sửa chòi canh lửa, đầu tư mua sắm thiết bị PCCCR theo Phương án đã được UBND Tỉnh phê duyệt. Tham mưu BCĐ tổ chức 02 đợt kiểm tra và báo cáo công tác thực hiện Phương án PCCCR 2007. Duy trì lực lượng Kiểm lâm, công nhân hợp đồng thực hiện trực 24/24 giờ trên toàn khu vực trong suốt mùa khô. Báo cáo diễn biến công tác PCCCR hàng ngày cho Thường trực Ban chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng của Tỉnh. Đề xuất UBND huyện quyết định kiện toàn mạng lưới BCĐ bảo vệ và phát triển rừng của Huyện đồng thời thành lập Tiểu Ban chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng các khu dân cư.

Hiện nay đã hoàn thành xây dựng Phương án PCCCR mùa khô năm 2007 - 2008 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và đang tổ chức thực hiện các nội dung của Phương án như: mở Hội nghị triển khai phương án PCCCR mùa khô năm 2007 – 2008; ký hợp đồng với các đơn vị vũ trang ( BCH quân sự huyện, Ra đa 590, Đồn Biên phòng 540) tiến hành phát dọn đường ranh cản lửa, làm thủ tục ký hợp đồng lao động và tổ chức lực lượng trực canh lửa trên các khu vực trọng điểm.

Kết thúc mùa khô năm qua, Hạt Kiểm lâm đã tham mưu cho BCĐ mở Hội nghị tổng kết công tác BVR - PCCCR mùa khô 2006 – 2007. Kết quả có 10 cá nhân và 01 tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được UBND Huyện Côn Đảo tặng giấy khen; 01 tập thể được Chi Cục Kiểm lâm Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tặng giấy khen.

II. CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ TUYÊN TRUYỀN GIÁO DỤC MÔI TRƯỜNG

1. Nghiên cứu khoa học:

Nghị quyết Hội nghị đại biểu công chức, viên chức năm 2007 đã xác định rõ mục tiêu và phương pháp nghiên cứu khoa học trong năm 2007 đó là: “ hướng tới tính hiệu quả, tính thực tế và mang giá trị ứng dụng cao”. Trong năm đã đạt được một số kết quả như sau:

Đề tài nuôi thực nghiệm và dẫn dụ Khỉ đuôi dài tại Sở Rẫy, hiện nay có 05 cá thể ( tăng so với năm 2006 là 02 cá thể). Trong năm đã thuần dưỡng và thả về tự nhiên 03 cá thể Khỉ nuôi bán hoang dã. Đề tài nuôi thực nghiệm Sóc Mun sau 2 năm nuôi thực nghiệm đã ghi nhận được một số thông tin sinh học loài Sóc Mun trong điều kiện nuôi nhốt. Tháng 2 năm 2007 đã tiến hành thả 08 cá thể Sóc Mun về môi trường tự nhiên để chúng tiếp tục sinh trưởng, phát triển. Đề tài nuôi bán hoang dã khỉ Mặt Đỏ ở hòn Tài đến nay tổng số đàn là 22 cá thể (tăng so với năm 2006 là 03 cá thể do khỉ sinh sản được. Đề tài nuôi thực nghiệm Sóc Đen Côn Đảo đã và đang nuôi thuần dưỡng 02 cá thể tại Sở Rẫy và đang trong giai đoạn tiếp tục nghiên cứu theo dõi thông tin sinh học đối với loài này. Đề tài nuôi thực nghiệm Vích và Đồi Mồi tại hòn Bảy Cạnh trong năm 2007 đã nuôi được 03 cá thể (02 Vích, 01 Đồi Mồi). Đề tài nuôi thực nghiệm chim Bồ câu Nicoba và chim Gầm Ghì trắng với tổng số là 06 cá thể, trong đó Bồ câu Nicoba 02 cá thể, chim Gầm Ghì trắng 04 cá thể.

Tiếp tục duy trì công tác nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung chăm sóc vườn Phong Lan tại trụ sở đơn vị. Năm 2007 thu thập thêm 05 chậu Lan Ngọc Điểm, tách chiếc thêm 21 chậu Lan khác hiện nay tại vườn Lan có tổng số 425 chậu với 19 loài Lan bản địa tại Côn Đảo.

Nhìn chung bước đầu đã thực hiện được một số hoạt động dẫn dụ các loài hoang dã sống trong môi trường tự nhiên về một số điểm nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu, thu thập thông tin sinh học và phục vụ cho hoạt động giáo dục môi trường, tham quan du lịch của Vườn quốc gia Côn Đảo.

Chương trình khoanh nuôi, phục hồi rừng: phối hợp với các cơ quan, đơn vị ký kết hợp đồng khoanh nuôi 650 ha và bảo vệ 587 ha rừng tự nhiên theo chỉ tiêu kế hoạch đã được Tỉnh giao. Phối hợp với Công ty dầu nhớt Việt Nam (BP Việt Nam) tổ chức Lễ tổng kết dự án trồng rừng sinh thái Sở Rẫy. Để tiếp tục duy trì mục tiêu của Dự Án, hiện nay đơn vị tiếp tục hợp đồng thuê mướn nhân công, chăm sóc bảo vệ vườn rừng tại Sở Rẫy bằng nguồn kinh phí tự chủ đơn vị. Hoàn thành công việc định vị và ghi hình ảnh tuyến Vùng III - Sở Rẫy, Ra Đa - Sở Rẫy, Ông Đụng - Ma Thiên lãnh, Bãi Đầm Trầu - Nhà Pháp, Bãi Vông - Đầm Tre, cuối tuyến Bến Đầm - Bãi Dài, Ông Câu - Ông Đụng.

Khảo sát mật độ một số loài chim cư trú tại Hòn Tre Nhỏ: đã thực hiện xong việc lập ô tiêu chuẩn, ghi hình ảnh tại thực địa để đánh giá mật độ quần thể chim trưởng thành, theo dõi quá trình làm tổ, số lượng chim non.

Dự án bảo tồn Rùa biển năm 2007 tiếp tục ghi nhận 02 loài Rùa lên bãi làm tổ là loài Vích - Chelonia mydas và Đồi Mồi - Eretmochelys imbricta. Với các thông tin khoa học cơ bản như mùa làm tổ của Rùa biển tại Côn Đảo từ tháng 3 - 11 hàng năm, tập trung cao độ nhất vào các tháng 7,8, 9 hàng năm. Riêng năm 2007 Rùa biển lên bãi làm tổ và đẻ thành công trên 5 bãi tại Côn Đảo với số lượng 712 tổ với 67.967 trứng. Trong đó số tổ được di dời cứu hộ vào Trạm ấp trứng là 397 tổ với 38.967 trứng; số rùa con nở trong năm là 51.458 con. Số rùa mẹ lên bãi được đeo thẻ là 119 con; Rùa con được thả về biển có kiểm sóat là  28.092 con. Trong năm đã đeo thêm 02 máy theo dõi đường di cư của Rùa biển qua thiết bị phát sóng vệ tinh để xác định đường di cư và khu vực tìm thức ăn của chúng sau mùa sinh sản; lắp đặt 06 bảng nội quy bảo vệ Rùa và đường di cư của rùa biển.

Đề tài thu thập mẫu vật tiêu bản sinh vật biển đã thu thập và định danh được 167 mẫu thuộc 36 loài; làm tiêu bản trưng bày 01 con Du Gong, 01 con Đồi Mồi và 02 con Rùa biển nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan du lịch.

Hoàn thành đề tài bổ sung danh lục và ảnh côn trùng bộ cánh vẩy: thu thập 114 mẫu tiêu bản của 27 loài bướm cung cấp thông tin về loài Bướm Côn Đảo.

2. Tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường:

Kết hợp với Dự án bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học biển Côn Đảo, trong năm đã tổ chức chương trình giao lưu đố vui có thưởng và phát động cuộc thi "Đặt tên và dự đoán đường đi của Rùa biển Côn Đảo" cho các em học sinh từ lớp 4 - lớp 12 Trường Cao Văn Ngọc và Trường Võ Thị Sáu. Tổ chức triển lãm ảnh về đa dạng sinh học biển Côn Đảo cho học sinh khối cấp II Trường Võ Thị Sáu. Tổ chức cho 20 em học sinh từ lớp 6 - 12 tham quan học tập dã ngoại tìm hiểu thiên nhiên tại Hòn Bảy Cạnh. Cùng với Huyện Côn Đảo và một số ngành hữu quan hưởng ứng và tổ chức thực hiện tốt các hoạt động kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới 5/6 và Ngày Quốc tế Đại dương 8/6 với các hoạt động như: tổ chức mít tinh, trưng bày triển lãm hình ảnh, thu gom rác thải, ra quân thực hiện tết trồng cây…Trong năm Vườn quốc gia Côn Đảo phối hợp cùng với các ngành chức năng của Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và của Huyện Côn Đảo thực hiện tốt công tác thu gom, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu.

Cùng với Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) mở lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện giáo dục môi trường (GDMT) cho 12 giáo viên Trường Cao Văn Ngọc và Trường Võ Thị Sáu; thành lập được 06 Câu lạc bộ bảo tồn biển tại 02 trường nói trên.

Song song với các hoạt động đó đơn vị còn thường xuyên chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, tuyên truyền như: Đài Truyền thanh - truyền hình Huyện; Tờ tin Côn Đảo và các tờ báo khác thường xuyên đưa tin, bài tuyên truyền về công tác BVR, PCCCR trong suốt mùa khô 2006 – 2007. Chủ trì phối hợp với lực lượng cảnh sát phòng cháy Công An Huyện tuyên truyền vận động nhân dân 9 khu dân cư  và cán bộ chiến sĩ 5 đơn vị lực lượng vũ trang về công tác PCCCR với tổng số 764 lượt người tham gia. Thu thập và đưa 15 tin bài về các hoạt động bảo tồn tài nguyên, môi trường của đơn vị lên mạng Internet thông qua website của đơn vị.

III. CHƯƠNG TRÌNH DU LỊCH SINH THÁI VÀ DỊCH VỤ

Các loại hình du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Côn Đảo từng bước được đưa vào khai thác và nâng cao chất lượng phục vụ.

Kết quả các hoạt động cụ thể trong công tác du lịch sinh thái và dịch vụ trong năm qua đó là: Thiết kế thiệp chúc tết gửi các đơn vị du lịch lữ hành và các cơ quan, ban ngành liên quan. Hướng dẫn, giới thiệu tài nguyên thiên nhiên Vườn Quốc gia Côn Đảo và cấp 3795 giấy phép cho khách tham quan du lịch (trong đó có 972 lượt khách nước ngoài). Nâng cấp sửa chữa Nhà khách đơn vị, củng cố, sắp xếp trang thiết bị phục vụ tốt hơn cho du khách lưu trú tại đơn vị. Lập điểm cung cấp thông tin, bán tour du lịch sinh thái và trưng bày hình ảnh về du lịch sinh thái tại thành phố Vũng Tàu. Lập các bảng thuyết minh, diễn giải trên các tuyến điểm du lịch để giới thiệu cho du khách. Ban hành bảng giá cho thuê phương tiện vận chuyển và dịch vụ du lịch nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trong lĩnh vực du lịch. Thiết kế tập guidebook giới thiệu thông tin hình ảnh đặc sắc về các tuyến, điểm DLST của Vườn với 2 thứ tiếng Việt và tiếng Anh. Đưa tin, bài quảng bá trên các tờ báo: Bà Rịa - Vũng Tàu; Tờ tin du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu; cung cấp thông tin cho Thời báo Kinh tế Sài gòn, Báo Nhân dân… để giới thiệu tiềm năng đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Côn Đảo với công chúng. Triển khai hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch và phát hành tờ rơi giới thiệu về du lịch cho du khách đến  Sân bay Côn Sơn. Giới thiệu địa điểm du lịch cho các nhà đầu tư tìm hiểu, khảo sát phát triển du lịch trong Vườn quốc gia Côn Đảo như: Công ty Mirax Group – Nga; Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa; Công ty Cổ phần Golf Việt Nam và nhiều nhà đầu tư khác. Hướng dẫn Công ty Việt Nhật sưu tầm hình ảnh phối hợp biên soạn sách hướng dẫn du lịch Côn Đảo trên cuốn Travel Guidebook Sketch – The Con Dao Archepelago. Hoàn thiện Phương án kinh doanh Du lịch sinh thái đến 2010 và tham mưu xây dựng Phương án cho thuê quyền sử dụng rừng đặc dụng để kinh doanh phát triển du lịch sinh thái. Trình Phương án thu phí tham quan du lịch sinh thái  cho UBND Tỉnh xem xét để trình HĐND Tỉnh thông qua nhưng chưa được sự đồng tình của Sở Tài chính. Tăng cường liên doanh, liên kết với các đơn vị du lịch trong và ngoài địa phương để khai thác hiệu quả các loại hình du lịch tăng nguồn thu dịch vụ. Đầu tư mới tại điểm du lịch sinh thái Bảy Cạnh 2 căn nhà chòi với diện tích 35m2/căn để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, ngắm cảnh của du khách.

IV. CHƯƠNG TRÌNH TỔ CHỨC- HÀNH CHÍNH QUẢN TRỊ

1. Tổ chức bộ máy và biên chế

Năm 2007 đơn vị tiếp tục duy trì thực hiện tổ chức bộ máy theo Đề án sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế đã được Ủy ban nhân dân Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt tại Quyết định số 9249/QĐ.UB ngày 31/10/2001. Hiện cơ cấu tổ chức của đơn vị gồm có như sau:

- Phòng Tổ chức – Hành chính, trong đó có 01 Trạm giao dịch đặt tại thành phố Vũng Tàu;

-         Phòng Khoa học và Giáo dục môi trường;

-         Phòng Du lịch - Dịch vụ;

-   Hạt Kiểm lâm, trong đó có 10 Trạm, Đội Kiểm lâm trực thuộc và 01 Phân Trạm.

Theo quyết định 777/QĐ-UBND ngày 28/2/2007 thì năm 2007 Vườn quốc gia Côn Đảo được giao 67 chỉ tiêu biên chế, 5 chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định 68. Trong năm đơn vị đã quản lý, sử dụng và phân công lao động cho tất cả CCVC thuộc số biên chế và HĐLĐ nói trên. Năm 2007 có sự biến động và thay đổi về nhân sự biên chế như sau: giải quyết cho 02 viên chức xin nghỉ việc; 01 viên chức nghỉ hưu; 01 viên chức tử nạn. Đồng thời đơn vị đã làm thủ tục thỏa thuận với Sở Nội vụ tiến hành công tác tuyển dụng, bổ sung cho số cán bộ nghỉ việc, nghỉ hưu, tử nạn nói trên để kịp thời thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đối với Hợp đồng lao động theo mùa vụ trong năm qua đơn vị đã thu nhận và ký hợp đồng lao động cho 21  công nhân để thực hiện các công việc có tính chất mùa vụ như: Bảo vệ yến sào; bảo tồn cứu hộ rùa biển; bảo vệ rừng; trực phòng cháy, chữa cháy rừng, chăm sóc vườn cây Sở Rẫy…với mức lương bình quân trên 1.000.000 đồng/người/tháng. Chính sách bảo hiểm tai nạn cho người lao động làm việc trong môi trường, điều kiện nguy hiểm được đơn vị quan tâm thực hiện đúng mức. Năm 2007 đã mua bảo hiểm tại nạn lao động cho 10 công nhân bảo vệ yến sào với mệnh giá 40.000.000 đồng/người/năm.

2. Quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ

Miễn nhiệm chức vụ đối với: 03 Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm, 01 Đội phó Đội Kiểm lâm cơ động, 01 Trạm trưởng Trạm giao dịch tại Vũng Tàu vì lý do sức khỏe hoặc nhu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của đơn vị.

Bổ nhiệm 01 Kế tóan trưởng đơn vị; bổ nhiệm lại 02 Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm; quyết định phân công cán bộ phụ trách Trạm Kiểm lâm, Trạm giao dịch cho 03 trường hợp. Quyết định nâng bậc lương và phụ cấp thường xuyên cho 32 lượt CCVC, quyết định nâng bậc lương trước thời hạn cho 08 lượt CCVC do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm 2006 – 2007; quyết định xếp lại lương theo Thông tư 02/2007/TT-BVN ngày 21/5/2007 của Bộ Nội vụ cho 02 CCVC. Thành lập Hội đồng xét và ban hành quyết định chuyển loại, chuyển ngạch cho 10 CCVC của toàn đơn vị đồng thời đăng ký cho 01 viên chức dự thi nâng ngạch từ Kiểm lâm viên lên Kiểm lâm viên chính với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thỏa thuận với Sở Nội vụ ban hành 40 quyết định xếp lại ngạch công chức Kiểm lâm theo Quyết định 09/2006/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ.

Thực hiện 31 quyết định điều động, luân chuyển, phân công công tác cho cán bộ theo đề nghị của các bộ phận trực thuộc Vườn. Thành lập Hội đồng xét và ban hành quyết định xử lý kỷ luật 01 công chức với hình thức cảnh cáo. Thực hiện công tác đánh giá công chức, viên chức năm 2007 với kết quả có: 17 CCVC được xếp loại xuất sắc, 35 CCVC xếp loại khá, 10 CCVC xếp loại trung bình, 02 CCVC xếp loại yếu kém đồng thời đề nghị Tỉnh ủy đánh giá, xếp loại đối với 02 cán bộ lãnh đạo thuộc diện Tỉnh ủy quản lý.

3. Thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng:

Năm 2007 Vườn quốc gia Côn Đảo được UBND Tỉnh cho phép đào tạo và bồi dưỡng 35 trường hợp, kết quả như sau:

Đào tạo cao học các ngành: Lâm nghiệp, chăn nuôi thú y, kinh tế 03 CCVC. Đào tạo Đại học các ngành Luật, Lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản 03 trường hợp, Đào tạo 03 công chức Trung cấp lâm nghiệp chuyên ngành Kiểm lâm và 01 công chức học Trung cấp lý luận chính trị tại Huyện Côn Đảo và 1 trung cấp hàng hải.

Bên cạnh đó đơn vị còn cử 23 lượt CCVC tham gia các lớp bồi dưỡng,    các khóa tập huấn thuộc các lĩnh vực như: bồi dưỡng chứng chỉ A, chứng chỉ B tin học, bồi dưỡng tiếng Anh, bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra hình sự cho Kiểm lâm, bồi dưỡng đấu thầu, bồi dưỡng Kiểm lâm viên, kiểm lâm viên sơ cấp; bồi dưỡng kỹ năng PCCCR; bồi dưỡng kỹ thuật bảo tồn thú linh trưởng; bồi dưỡng quản lý mạng Internet; tập huấn nâng cao năng lực quản lý khu Bảo tồn biển và tham gia tốt các lớp huấn luyện nâng  cao năng lực quản lý khu bảo tồn biển trong khuôn khổ của Dự án bảo tồn đa dạng sinh học biển Côn Đảo. Đồng thời còn triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong  toàn thể CCVC của tòan đơn vị. 

Trình độ chuyên môn đội ngũ CCVC đơn vị hiện có: 01 Thạc sỹ, 17 đại học và cao đẳng, 18 trung cấp, 37 sơ cấp và các ngành nghề khác. Trình độ chính trị hiện có: 03 cao cấp, 06 trung cấp. Tin học từ trình độ A trở lên hiện có 25 viên chức. Ngoại ngữ hiện có 01 đại học và 11 viên chức trình độ A trở lên.

4. Công tác hành chính, quản trị và Kế toán tài vụ:

Trong năm bằng nguồn vốn tự chủ, đơn vị đã tiết kiệm, chủ động sửa chữa và chỉnh trang trụ sở Vườn, nhà khách, trụ sở Hạt Kiểm lâm và Phòng Du lịch dịch vụ. Xây dựng nhỏ Trạm Kiểm lâm hòn Tre Lớn, Phân Trạm Kiểm lâm Bãi Dương, nhà kho chuyên dùng để thiết bị lặn; làm kiên cố 02 chốt bảo vệ yến sào Mũi Việt Minh và Hòn Cau; trung tu, sửa chữa Tàu BV 0152.

Làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm phương tiện vận tải biển (tàu, ca nô). Thành lập Hội đồng và thanh lý đợt 1 các tài sản hư hỏng không còn giá trị sử dụng gồm: 02 xe ôtô, 01 xe mô tô thu nộp vào ngân sách 12.350.000 đồng. Hiện đang tiếp tục đề nghị cấp trên cho phép thanh lý một số phương tiện xe máy công còn lại nhằm thực hiện chủ trương  thực hành tiết kiệm chung của Nhà nước.

So với các mục tiêu mà Nghị quyết Hội nghị CCVC năm 2007 đã đề ra trong lĩnh vực tổ chức, hành chính, quản trị đã đạt được những kết quả tiến bộ so với kế hoạch năm. Công tác tổ chức bộ máy và cán bộ ngày càng đi vào quy cũ, nề nếp. Cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho nhiệm vụ chính trị ngày càng được đầu tư nâng cấp, thỏa đáng; bộ mặt đơn vị và các Trạm, Đội ngày càng được chỉnh trang, nâng cấp sạch đẹp và lịch sự hơn. Đời sống của CCVC  được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân từ tiền lương và các khỏan phụ cấp thường xuyên được 4.300.000 đồng/người/tháng đồng thời thực hiện tốt hoạt động chi trả thu nhập tăng thêm, chi trợ cấp ngày lễ, tết  cho CCVC, trợ cấp nghỉ việc, nghỉ hưu, tử nạn và trợ cấp cho các đoàn thể chính trị, xã hội trong đơn vị.

Đã giải quyết công ăn việc làm cho 21 lao động không thường xuyên tại địa phương với mức thu nhập bình quân trên 1.000.000 đồng/người/tháng.

Tổng doanh thu của đơn vị năm 2007 là: 967.151.090 đồng. Trong đó thu từ hoạt động bảo vệ và tận thu yến sào là 549.136.365đồng; thu dịch vụ - du lịch sinh thái và các dịch vụ khác 418.014.725 đồng (gồm dịch vụ lưu trú: 96.276.364 đồng; dịch vụ vận chuyển: 307.631.640 đồng; dịch vụ nghiên cứu khoa học và dịch vụ khác: 14.106.721 đồng). Thực hiện tốt nghĩa vụ Thuế và các nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước  trong năm 2007 đã giao nộp ngân sách thông qua các sắc thuế được 240. 978. 937 đồng ( tăng hơn so với năm 2006 là: 97.370. 267 đồng). Ngoài ra còn huy động CCVC của đơn vị tham gia đóng góp vào các quỹ từ thiện, xã hội do địa phương phát động được 53.826.000 đồng.

V. CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC

Triển khai và phối hợp với Quỹ môi trường toàn cầu (GEF); Tổ chức phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA); Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF xúc tiến triển khai các nội dung hoạt động của Dự án bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học biển Côn Đảo. Dự án đã đi vào hoạt động sau 1 năm đã đạt được những công việc nhất định như: Tổ chức nhiều Hội nghị, Hội thảo cấp Tỉnh và tại đơn vị nhằm huy động tối đa sự đóng góp tri thức của các nhà khoa học trong và ngoài nước trong việc hoạch định chính sách, chiến lược bảo tồn biển Côn Đảo. Tiến hành công tác điều tra, khảo sát, lấy ý kiến các nhà chuyên môn trong việc khoanh vùng chức năng cho khu bảo tồn biển. Phối hợp điều tra dân cư kinh tế xã hội giúp các tổ chức tư vấn lập kế hoạch sinh kế thay thế cho một số hộ gia đình cư dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Phối hợp với các ngành liên quan soạn thảo và thông qua cộng đồng địa phương để ban hành Hương ước cho khu bảo tồn biển Côn Đảo. Tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả xe ôtô của dự án; đang đóng mới 01 chiếc tàu tuần tra, nghiên cứu biển (sẽ hạ thủy và bàn  giao đưa vào sử dụng trong giữ quý I năm 2008).

Về chương trình bảo tồn và cứu hộ Rùa biển, đơn vị tiếp tục duy trì mối quan hệ với tổ chức WWF để tranh thủ sự tài trợ kinh phí nhằm triển khai thực hiện tốt mục tiêu của Dự án này. Đồng thời trong năm qua đơn vị cũng đã hợp tác chia sẻ thông tin khoa học với Viện nghiên cứu Hải Sản - Bộ Thủy sản trong việc thu thập và phân tích cấu trúc gen đối với loài Rùa biển Côn Đảo. Hiện đang xin chủ trương để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép hợp tác với Viện nghiên cứu Thủy sản của Malaixia nhằm sưa tầm, nghiên cứu mẫu động vật không xương sống tại Côn Đảo nhằm phục vụ cho y học.

Trong lĩnh vực hợp tác bảo tồn và nghiên cứu khoa học về tài nguyên rừng, năm qua Vườn quốc gia Côn Đảo đã phối hợp với Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ tiếp tục thực hiện chương trình điều tra sinh trưởng thực vật rừng hải đảo tại 02 ô định vị Núi chúa –Nhà bàn và Hải đăng – hòn Bảy Cạnh. Phối hợp với các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh điều tra, tìm ra cây Cóc Đỏ (một loài cây quý hiếm hiện nay ít có ở Việt Nam đang phân bố tại Côn Đảo).

Phối hợp với Công ty dầu nhớt BP Việt Nam tổ chức Lễ tổng kết Dự án trồng rừng sinh thái Sở Rẫy giai đoạn 2. Cùng với Sở Khoa học và Công nghệ Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm Lễ bàn giao và đưa vào sử dụng 08 Trạm điện năng lượng mặt trời tại Côn Đảo. Phối hợp với Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh tạo điều kiện để sinh viên tình nguyện thực hiện thành công “Chiến dịch mùa hè xanh tại Côn Đảo”.

 

CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC NĂM 2008

I. CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

            Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng, tài nguyên đa dạng sinh học biển trong phạm vi diện tích được giao. Tham mưu tốt cho các cấp chính quyền trong việc thực thi luật pháp về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Vườn quốc gia Côn Đảo.

            Tăng cường công tác tuần tra, kiểm sóat; chủ động phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Tăng cường công tác nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm lâm nhằm đảm bảo quản lý bảo vệ tốt tài nguyên thiên nhiên hiện có. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên, môi trường. Các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể trong năm 2008 như sau:

            - Duy trì số lượng các đợt tuần tra bằng năm 2007 nhưng tập trung nâng cao chất lượng tuần tra thực hiện phương châm “ chủ động ngăn ngừa là chính, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý có hiệu quả các hành vi xâm hại tài nguyên thiên nhiên”.

            - Hạn chế tối đa số vụ vi phạm (thấp hơn số vụ vi phạm trong năm 2007).

            - Thực hiện thành công Phương án PCCCR mùa khô 2007 – 2008 với các yêu cầu như: Tổ chức phát dọn kịp thời hệ thống đường ranh cản lửa; bố trí lực lượng thường xuyên trực làm công tác thông tin, báo động PCCCR trong suốt mùa khô; đầu tư mua sắm, trang thiết bị PCCCR kịp thời, trang cấp và đưa vào sử dụng có hiệu quả dụng cụ, phương tiện được trang cấp.

            - Không để xảy ra cháy rừng trên địa bàn, diện tích được giao.

- Trong năm có Kế hoạch tổ chức phối hợp với các lực lượng vũ trang mở ít nhất 02 đợt tuần tra, truy quét liên ngành nhằm xóa bỏ các tụ điểm, nơi kinh doanh, buôn bán trái phép động vật hoang dã và sản phẩm của chúng.

II. CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ TUYÊN TRUYỀN GIÁO DỤC MÔI TRƯỜNG

Tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, cập nhật, bổ sung thông tin khoa học phục vụ cho hoạt động nghiên cứu của đơn vị và các nhà khoa học. Một số đề tài cần tập trung chú trọng đầu tư thực hiện đúng mức trong năm 2008 như sau:

-         Đề tài bảo tồn và nghiên cứu Rùa Biển;

-         Đề tài điều tra, nghiên cứu chim biển;

-         Các đề tài điều tra, thu thập, nghiên cứu một số loài sinh vật biển.

-         Ngoài ra cần có chuyên đề nghiên cứu sâu về Chim yến để có biện pháp nhân đàn trong những năm tiếp theo.

- Xem xét xúc tiến thành lập Trạm nghiên cứu tài nguyên sinh vật rừng đặt tại Sở Rẫy nhằm thu thập kịp thời các thông tin cơ bản về tài nguyên sinh vật rừng Vườn quốc gia Côn Đảo.

 - Phối hợp với Ban quản lý Dự án đa dạng sinh học biển Côn Đảo triển khai thực hiện tốt các nội dung, hoạt động mà Dự án đã đề ra.

Trong lĩnh vực tuyên truyền giáo dục môi trường tiếp tục duy trì và thực hiện các hình thức, phương pháp tuyên truyền như: viết tin, bài, hình ảnh đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, Khu vực và địa phương. Chú trọng hợp tác với các Trường học, các đơn vị vũ trang, các cơ sở dịch vụ, Ban điều hành các Khu dân cư…nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho học sinh, bộ đội, khách du lịch và cộng đồng nhân dân trên địa bàn Huyện. Mục tiêu năm 2008 là “ tập trung đẩy mạnh và  nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục nhằm hạn chế và đẩy lùi số vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên – môi trường”.

III. CÔNG TÁC DU LỊCH SINH THÁI VÀ DỊCH VỤ

Tiếp tục ưu tiên đầu tư nhân lực, vật lực cho hoạt động du lịch sinh thái và dịch vụ. Không ngừng mở rộng và nâng cao hơn nữa các loại hình du lịch, dịch vụ hiện có; học tập, nghiên cứu và ứng dụng các loại hình du lịch của những địa phương khác phù hợp với điều kiện Côn Đảo.

Phối hợp với Ban quản lý dự án bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển Côn Đảo, các chuyên gia trong và ngoài nước xây dựng Chiến lược du lịch bền vững cho Côn Đảo và  quy hoạch tổng thể  du lịch sinh thái cho Vườn Quốc gia Côn Đảo.

Tiếp tục thúc đẩy các Sở, ngành liên quan trình để  phê duyệt Phương án thu phí tham quan Vườn quốc gia Côn Đảo và  đưa vào áp dụng trong năm 2008. Đầu tư thêm một số hạng mục hạ tầng khu du lịch tại hòn Bảy Cạnh trong khuôn khổ tài chính và khả năng hiện có của đơn vị. Đẩy mạnh dịch vụ vận chuyển khách, dịch vụ tàu đáy kín, bán vé tham quan các đảo trong mùa du lịch cao điểm, lặn có thiết bị, bơi lội xem san hô, phòng nghỉ và các dịch vụ khác. Đặc biệt năm 2008 đẩy mạnh loại hình du lịch thể thao lặn biển tiến tới thành lập câu lạc bộ lặn Vườn Quốc gia Côn Đảo.

Nghiên cứu đánh giá hiệu quả đầu tư, mô hình tổ chức các  dịch vụ du lịch hiện nay nhằm tiến tới thành lập Trung tâm du lịch sinh thái và dịch vụ trực thuộc đơn vị khi đủ thời cơ và điều kiện.

IV. CHƯƠNG TRÌNH TỔ CHỨC – HÀNH CHÍNH QUẢN TRỊ

1. Công tác tổ chức bộ máy và biên chế:

Dự kiến năm 2008 sẽ trình cấp thẩm quyền phê duyệt đề án thành lập Trạm Kiểm lâm hòn Bà và tổ chức thành lập ngay khi được cấp thẩm quyền phê duyệt. Quyết định thành lập Ban quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trực thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo sau khi UBND Tỉnh có quyết định cho giải thể Ban quản lý Dự án du lịch sinh thái Vườn quốc gia Côn Đảo trực thuộc UBND Tỉnh. Xem xét để thành lập Trạm nghiên cứu tài nguyên sinh vật rừng  đặt tại Sở Rẫy. Phối hợp đưa vào khai thác và sử dụng có hiệu quả Tàu tuần tra, nghiên cứu biển thuộc Dự án bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học biển Côn Đảo.

Về biên chế và lao động sử dụng tối đa nguồn lực hiện có. Xây dựng đề án tinh giảm biên chế khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Hợp đồng thêm lao động để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ theo mùa vụ trong năm 2008.

2. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ:

Đối với công tác cán bộ, tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức thông qua chương trình đạo tạo, bồi dưỡng năm 2008. Tiếp tục thực hiện tốt quy trình nhận xét, đánh giá cán bộ nhằm phục vụ cho kế hoạch bố trí, sử dụng cán bộ của đơn vị đạt hiệu quả và chất lượng. Làm thủ tục bổ nhiệm lại kịp thời khi cán bộ hết thời hạn giữ chức vụ và đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Miễn nhiệm những cán bộ yếu kém năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Kỷ luật nghiêm minh những cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực.

Tiếp tục kế thừa và phát huy hiệu quả của mô hình quản lý trong năm 2007. Đổi mới và hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định về đào tạo, bồi dưỡng, thi đua, khen thưởng, nâng lương, chế độ sử dụng nhà công vụ…trong toàn đơn vị nhằm áp dụng có hiệu quả các chính sách lớn của Nhà nước.

Triển khai sâu rộng chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao trình độ cho cho đội ngũ CCVC gắn với “xây dựng cơ quan văn minh, gia đình công chức văn hóa”. Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở cơ sở. Phối hợp với Ban chấp hành Công Đoàn xây dựng và ban hành Thỏa ước lao động tập thể để áp dụng cho đối tượng lao động không phải là công chức, viên chức trong đơn vị.

3. Công tác hành chính quản trị, kế toán tài vụ:

Tiếp tục duy trì và triển khai thực hiện tốt loại hình đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, bộ máy và biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ. Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao năng lực quản lý tài chính, quản lý và khai thác có hiệu quả các nguồn thu từ ngân sách Nhà nước, nguồn thu từ hoạt động dịch vụ của đơn vị đảm bảo đúng chế độ tài chính Nhà nước theo quy định hiện hành.

Đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc theo phương châm “ tiết kiệm, hiệu quả”. Thực hiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng cơ bản, nghiệm thu, thanh quyết toán các công trình xây dựng, sửa chữa của đơn vị trong năm 2008. Tiếp tục thúc đẩy Sở Tài chính trình UBND Tỉnh cho phép thanh lý một số phương tiện xe mô tô công còn lại. Đảm bảo chi trả đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho CCVC và người lao động theo luật định. Dự kiến năm 2008  tiếp tục đầu tư, xây dựng sửa chữa các công trình sau đây:

- Xây dựng Trạm Kiểm lâm Đầm Tre và Trạm Kiểm lâm hòn Tài hoặc Trạm Kiểm lâm hòn Tre Nhỏ.

- Thay mái tol và hệ thống bàn, ghế tại trụ sở làm việc của đơn vị.

- Xây dựng kiên cố Chốt bảo vệ yến sào hòn Bông lan và hòn Thỏ.

- Sửa chữa Trạm Kiểm lâm Cỏ ống (nếu bố trí được kinh phí).

        - Sửa chữa nhà để xe tại Trạm Giao dịch Vũng Tàu thành phòng làm việc.

V. QUAN HỆ HỢP TÁC QUỐC TẾ

Duy trì và thực hiện tốt các Chương trình hợp tác quốc tế trong những năm qua. Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong lĩnh vực ngoại giao, hợp tác trao đổi thông tin, chia sẻ  kinh nghiệm, tiếp  nhận viên trợ tài chính từ các tổ chức trong và ngoài nước nhằm thực hiện tốt các mục tiêu bảo tồn thiên nhiên và phát huy tiềm năng, giá trị của Vườn quốc gia Côn Đảo.

Tiếp tục kêu gọi sự tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế để  thực hiện tốt các Dự án: Trồng rừng sinh thái Sở Rẫy; Bảo tồn Rùa biển Côn Đảo; Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển và ven biển tại Côn Đảo.

Phối hợp với Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Nam bộ và Viện Hải Dương học Nha Trang xây dựng hoàn chỉnh trình Dự án đầu tư phát triển Vườn quốc gia Côn Đảo giai đoạn 2008 – 2011 cho cấp thẩm quyền phê duyệt.

 

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc