Giải cứu rùa biển sắp lên… bàn nhậu

Thứ hai, 09/04/2012, 11:15 GMT+7
2525 xem
Chia sẻ:

Chỉ trong vòng hơn một tháng nay, người dân ở Khánh Hoà đã mua và thả về biển ba con rùa biển quý hiếm, trong đó có hai con đồi mồi. Rùa biển được giải cứu là điều đáng mừng, nhưng thực tế đáng lo ngại là rùa biển lớn, nhỏ vẫn vô tình bị dính lưới của ngư dân mỗi ngày.

Đến nay, ông Nguyễn Quốc Bảo Anh, chủ doanh nghiệp tư nhân Phước Thọ vẫn chưa hết nỗi vui mừng khi kể về giây phút nhìn thấy hai con đồi mồi dứa được thả trở về với biển Nha Trang. Ông Anh kể, chiều ngày 7.11, khi đi dạo mua hải sản dọc biển Nha Trang, đến đoạn phường Vĩnh Hoà, thấy hai người đàn ông đang chở hai con đồi mồi đi tiêu thụ, ông Anh xin mua lại với giá 500.000 đồng. “Đồi mồi cũng là rùa, đây là động vật quý hiếm nên thả về tự nhiên là chuyện đương nhiên. Theo tôi, có nhiều thứ khác ngon để nhậu, sao người ta cứ làm thịt nó”.

Trước đó, giữa tháng 9.2011, bà Trần Thị Ngọc Thơm, chủ một quán ăn tại xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hoà cũng mua và thả một con rùa nặng hơn 80kg về biển. Tính từ đầu năm đến nay, bà Thơm đã thả mua và thả ba con rùa về biển. Bà Thơm kể, mỗi lần thả rùa biển, bà phải đi thật xa vì sợ ngư dân bắt lại.

Theo ông Võ Khắc Én, chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Khánh Hoà, hiện nay ở Khánh Hoà ngày càng hiếm rùa biển. Những năm 1980, thỉnh thoảng loài rùa biển vẫn vào các bãi biển sát đất liền Nha Trang đẻ trứng, tuy nhiên, bây giờ thì không còn nữa.

Ông Trương Kỉnh, giám đốc ban quản lý khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang cho biết, ở Việt Nam hiện có năm loài rùa biển, theo công ước CITES, rùa biển đặc biệt quý hiếm, thuộc nhóm nguy cấp trong danh sách các loài bị đe doạ tuyệt chủng, nên cấm mọi hành vi mua bán, vận chuyển. Nơi nào có rùa biển xuất hiện đẻ trứng là nơi đó môi trường tốt. Mười năm gần đây, khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang đã phối hợp thả về biển gần 1.000 con rùa biển, đa số là do người dân nuôi nhốt; năm 2009, cơ quan chức năng đã phát hiện một hộ dân nuôi nhốt gần 900 con đồi mồi, nặng từ 3 – 8g. “Rùa biển có giá trị rất lớn về mặt sinh thái, môi trường, nhưng người ta sẵn sàng giết thịt để làm đồ nhậu. Cách đây mấy ngày, lực lượng chức năng cũng phát hiện hai con rùa được nuôi trong bể của một nhà hàng ở đường Lam Sơn, Nha Trang và đã thả rùa về biển”, ông Kỉnh nói.

Làm sao bảo vệ rùa biển?

Ông Nguyễn Huân, một ngư dân tại Vĩnh Phước cho biết, khi kéo lưới lên gặp rùa biển, nếu gặp người có ý thức bảo vệ loài động vật quý hiếm thì họ sẽ thả rùa xuống biển; còn không thì rùa sẽ bị giết thịt, hoặc đưa về bán cho các đầu nậu. Do đặc tính rùa biển di chuyển không nhanh, nên các thợ lặn rất dễ săn bắt. Hiện nay, tại Nha Trang, thịt đồi mồi bày bán không công khai, nhưng khi vào một số nhà hàng đặc sản vẫn có những món chế biến từ động vật quý hiếm này với giá rất bình dân. Tại các cửa hàng mỹ nghệ dọc các khu phố, chợ cũng bày bán công khai các sản phẩm đồi mồi.

Theo ông Trương Kỉnh, từ nhiều năm nay, ban quản lý khu bảo tồn vịnh Nha Trang đã tuyên truyền người dân bảo vệ rùa biển, nếu người dân bắt được rùa biển, thì báo cho ban quản lý khu bảo tồn biết để hỗ trợ từ 300.000 – 500.000 đồng, gọi là tiền chi phí xăng dầu. Tuy vậy, số lượng cũng rất ít. Hiện nay, Đầm Tre là nơi duy nhất trong vịnh Nha Trang có rùa lên đẻ. Đây cũng là nơi công ty Yến sào Khánh Hoà đặt trung tâm huấn luyện nghiệp vụ. Cách đây hai năm tại đây, đã có hơn 170 rùa biển con bị bắt và nuôi nhốt. Sau đó, ban quản lý đã yêu cầu thả số rùa này về tự nhiên. “Đầm Tre là nơi duy nhất rùa biển đẻ trong vịnh Nha Trang, dù có đi đâu cũng về đây đẻ. Rùa trưởng thành còn rất ít, để có được một con rùa trưởng thành rất khó, chỉ 1/1.000 rùa con tồn tại đến khi trưởng thành”, ông Kỉnh nói.

Hiện nay, tại Việt Nam đã có hai trung tâm Cứu hộ rùa biển là Núi Chúa (Ninh Thuận) và Côn Đảo. Ông Kỉnh cho biết: “Rùa sau khi được phát hiện, đáng lẽ phải đưa vào trung tâm cứu hộ, nhưng do không có trung tâm cứu hộ, nên phải thả ngay ra biển. Theo tôi, khu vực Đầm Tre thay vì dùng để huấn luyện nghiệp vụ với nhiều tác động của con người thì nên giao lại cho ban quản lý khu bảo tồn biển để dành riêng cho rùa đẻ trứng và nên thành lập tại đây một trung tâm cứu hộ rùa biển”.

Theo thạc sĩ Phan Xuân Quang, viện Khoa học và công nghệ khai thác thuỷ sản, đại học Nha Trang, loài rùa biển rất dễ bị dính câu, dính lưới do hệ thống lưới ở Việt Nam chưa thể phân loại được các loài hải sản. Theo ông Võ Khắc Én, để tránh rùa biển bị dính câu cá ngừ đại dương, ngư dân có thể thay thế lưỡi câu kiểu chữ J bằng lưỡi câu vòng để hạn chế rùa chết khi bị dính câu, thế nhưng, nhiều ngư dân hiện không chịu thay đổi do họ bị lệ thuộc vào thói quen và năng suất đánh bắt.

Theo Lê Anh (sgtt.vn) 

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc