“Bảo tồn cây di sản, không chỉ có ý nghĩa bảo tồn nguồn gien mà còn phục vụ cho du lịch văn hóa, giáo dục, khoa học… góp phần quan trọng vào quá trình bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH)”, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh – Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật khẳng định tại hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần thứ 2 tại Hà Nội
Mỗi vùng có một cây khác nhau. Ví dụ cây Chò ngàn năm ở Cúc Phương không đâu có được. Cây Vả hương có tuổi tới 300 – 400 năm chỉ có ở ao Ếch tại vườn quốc gia Cát Bà.
Cây Đa, cây Si, cây Vả, cây Đại, cây Sưa… cũng được coi là những cây quý. Nhưng không phải bất cứ cây nào cũng được vinh danh là cây di sản. Chỉ chọn những cây đặc biệt. Ví dụ như cây Đại ở chùa Một Cột (Hà Nội), cây Sưa ở chùa Hương.
Việc lựa chọn đề xuất cây di sản dựa trên các tiêu chí do Hội bảo vệ TN&MT VN đưa ra. Đó là những cây 100 năm tuổi trở lên. Ngoài tiêu chí về tuổi thì còn phải có các giá trị khác như nguồn gien, văn hóa, du lịch, khoa học…
Thông năm lá - Pinus dalatensis ở Đà Lạt, ảnh theo caycanhvietnam.com
Theo đó, Hà Nội có 50-60 cây di sản. Khoảng 10 cây có tuổi 300 – 700 năm. Có hai cây đã bị chặt ở đền Voi Phục, nhiều cây bị bức tử vì nhu cầu xây dựng, sâu bệnh hoặc không được chăm sóc.
Cũng căn cứ theo những tiêu chí trên, ông Lê Xuân Thám – Phó GĐ Sở KH&CN Lâm Đồng đóng góp một di sản còn ẩn chứa tại ở Nam Trường Sơn.
Cây Tung cổ thụ, bạnh vè không thua cây Chò ngàn năm, vườn quốc gia Cát Tiên còn hai cây. Cũng tại đây có cây Gõ Bác Đồng khổng lồ.
Đặc biệt, cái đuôi của dãy Trường Sơn còn giữ lại được những cây thuộc về những mắt tiến hóa đặc biệt quan trọng của thế giới thực vật. Ví dụ thông năm lá, thông hai lá dẹt, cây thông đỏ chiết xuất taxos chữa ung thư.
Những cây này có tuổi thọ hàng nghìn năm. Chúng chỉ còn sót lại và cũng chỉ còn một vài quần thể. Với tình hình phá rừng và bảo vệ rừng như hiện nay, theo tôi có lẽ nên gắn chip vào những cây quý để theo dõi.
Danh sách cây di sản của dãy Trường Sơn đã được đưa ra tại hội thảo. Hội sẽ phát động để các địa phương trong cả nước đăng ký đề xuất cây di sản của địa phương mình theo các tiêu chí trên. Sau đó có một hội đồng đánh giá để công nhận cây di sản.
Việc xác định tuổi của cây và những đặc điểm sinh học giúp cây sống lâu như vậy sẽ được các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu. Tuổi của cây Chò ngàn năm cũng sẽ được xem xét.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng – Phó chủ tịch hội cho biết: “Sẽ tạo điều kiện và huy động cộng đồng chung sức bảo tồn, chăm sóc sức khỏe từng cây di sản.
Đồng thời sẽ truyền thông thường xuyên về từng cây di sản để nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường”.