Động vật nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ

Thứ tư, 23/02/2011, 08:16 GMT+7
2938 xem
Chia sẻ:

Việt Nam được thế giới công nhận là một trong 16 quốc gia trên thế giới có tính đa dạng sinh học cao, trong đó có hệ động vật hoang dã. Hiện trạng các loài động vật hoang dã mặc dù rất đa dạng, phong phú nhưng tình trạng các loài nguy cấp, quý hiếm cũng đáng báo động.

Nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao, đặc biệt có nhiều loài đặc hữu ở Việt Nam như Voọc    mũi hếch phân bố ở rừng núi Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn và Thái Nguyên; Voọc đầu vàng, duy nhất chỉ có ở vùng núi đá Vườn quốc gia Cát Bà (Hải Phòng); Voọc Mông trắng phân bố ở Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn ngập nước Vân Long (Ninh Bình); Voọc Hà Tĩnh có ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Gà lôi lam đuôi trắng phân bố ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, Sóc đen Côn Đảo có ở đảo Côn Sơn – Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu); Chim bồ câu chỉ gặp ở Côn Đảo, Cá cóc Tam Đảo phân bố ở vùng núi cao Tam Đảo (Vĩnh Phúc)...        

Để thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học trong đó có các loài thực, động vật hoang dã ở Việt Nam, Hội động vật học Việt Nam đề xuất một số giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế bảo vệ các loài động vật nguy cấp, quý hiếm. Các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên cần chú trọng tổ chức hệ thống theo chiều sâu hơn là chiều rộng, có nghĩa là phải bảo vệ được các sinh cảnh sống của các loài động vật hoang dã. Địa phương có loài động vật nguy cấp, quý hiếm phân bố cần xây dựng nhiều hành lang xanh, hành lang bảo vệ, phát triển các loài động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng, đồng thời khuyến khích áp dụng những công nghệ sinh học phù hợp, tổ chức xây dựng trang trại, hộ gia đình nhân nuôi các loài động vật hoang dã, quý hiếm phục vụ cho công tác bảo tồn và phát triển kinh tế xã hội dựa trên phương châm cân bằng sinh thái và phát triển bền vững.        

Các cơ quan chức năng cần có quy chế, chế tài cụ thể nhằm đảm bảo các điều kiện để tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào bảo vệ động vật hoang dã. Đối với các vùng, khu vực, nhà quản lý, hoạch định chính sách các cấp cần xây dựng và triển khai thường xuyên các chương trình nâng cao nhận thức cho toàn xã hội với các hình thức, nội dung phù hợp cho từng đối tượng và đặc điểm tình hình của địa phương. Đồng thời các cơ quan quản lý Nhà nước như cảnh sát môi trường, cảnh sát biển, kiểm lâm, hải quan và cán bộ các vườn quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn thiên nhiên, lâm trường cần cập nhật thông tin và nâng cao năng lực và kỹ năng bảo vệ động vật hoang dã. 

Nguyễn Hồng Điệp

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc