ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH BIỂN ĐẢO, BẢO TỒN PHÁT HUY DI SẢN VĂN HOÁ VÀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG TẠI BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Thứ sáu, 27/08/2010, 08:13 GMT+7
10835 xem
Chia sẻ:

                                                                     Trần Văn Thông

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu

Quy hoạch phát triển Du lịch Việt Nam đến 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định: Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong 7 khu vực trọng điểm ưu tiên phát triển trong cả nước, một địa bàn du lịch có ví trí quan trọng đặc biệt trong hệ thống tuyến điểm du lịch Nam Trung Bộ- Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Những năm qua, du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu giữ vai trò là một trung tâm nghỉ dưỡng cuối tuần lớn nhất vùng Đông Nam Bộ, hàng năm thu hút trên 4 triệu lượt khách nội địa và khách quốc tế đến tắm biển và tham quan du lịch.

Bà Rịa-Vũng Tàu là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với chiều dài bờ biển 305,4km. Dân số toàn tỉnh năm 2008 khoảng trên 934.200 người, mật độ dân số 473 người/ km2. Tỉnh có 8 đơn vị hành chính gồm thành phố Vũng Tàu, Thị xã Bà Rịa, 6 huyện: Tân Thành, Châu Đức, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và Côn Đảo.

Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trên trục đường xuyên Á, có mối liên hệ với tuyến đường Hồ Chí Minh, có hệ thống cảng biển, sân bay và mạng lưới đường sông thuận lợi, mở ra những triển vọng lớn về phát triển kinh tế và du lịch. Bà Rịa-Vũng Tàu cũng nằm trong vùng du lịch Nam Trung Bộ - Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh và phụ cận có mức tăng trưởng du lịch cao nhất cả nước, là khu vực trọng điểm trong chiến lược phát triển du lịch của quốc gia.

I. Tiềm năng du lịch biển đảo gắn với bảo tồn phát huy di sản văn hoá dân tộc và bảo vệ tài nguyên môi trường

Vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu có tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình du lịch biển.

- Về tài nguyên thiên nhiên: Bà Rịa–Vũng Tàu có Vườn quốc gia Côn Đảo, diện tích 6.043 ha, gồm 16 đảo, Khu bảo tồn Bình Châu Phước Bửu (diện tích trên 11.000ha) với nhiều hệ động, thực vật phong phú; khu suối nước nóng với nhiệt độ trên 800C, có nhiều núi có cảnh quan đẹp như: Núi Minh Đạm, Núi Dinh, Núi Lớn, Núi Nhỏ... Trong khoảng trên 300km chiều dài bờ biển của Bà Rịa-Vũng Tàu có 72km là bãi tắm tốt với địa hình và cảnh quan đẹp hấp dẫn như: bãi Trước, bãi Sau, bãi Dứa, bãi Dâu, bãi tắm Long Hải-Phước Hải…; trong đó có khu vực hình thành các khu du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế như: KDL Côn Đảo, KDL Long Hải – Phước Hải là 2 trong tổng số 20 KDL quốc gia trong cả nước đã được Chính phủ công nhân. Đặc biệt Côn Đảo là nơi có Vườn quốc gia Côn Đảo có hệ động thực vật đa dạng phong phú với hệ thống đảo nhỏ với nhiều cảnh quan hấp dẫn.

Bên cạnh giá trị tự nhiên, các yếu tố nhân văn cũng đóng góp vào sự phát triển du lịch biển cho địa phương.

- Về tài nguyên nhân văn: Bà Rịa-Vũng Tàu là nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời. Các nghiên cứu khảo cổ đã cho thấy sự hiện diện của các dấu tích văn hóa thời đại đá mới (di chỉ Hàng Dương ở Côn Đảo) và thời đại sơ kỳ đồng (các di chỉ Bưng Bạc, Xuân Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai) là những nền văn hóa phát triển liên tục ở đây suốt thiên niên kỷ II truớc công nguyên đến thế kỷ thứ I đầu công nguyên. Song điều đáng chú ý là Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh có số lượng di tích xếp hạng khá nhiều. Tính đến nay toàn tỉnh có 31 di tích đã được Nhà nước công nhận xếp hạng cấp quốc gia cùng 152 di tích khác được tiến hành kiểm kê lập hồ sơ quản lý. Các di tích lịch sử kiến trúc các tôn giáo gồm: Khu Đình Thần Thắng Tam, Miếu Bà, Lăng Cá Ông, Thích Ca Phật Đài, Chùa Long Bàn… các di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến gồm: Địa đạo Long Phước, Khu căn cứ kháng chiến Bàu Sen của tỉnh và Miền trong thời kỳ chống Mỹ, Khu nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo, Khu căn cứ núi Minh Đạm, Bến Lộc An với đường Hồ Chí Minh trên biển, Địa Đạo Kim Long…

Các lễ hội và văn hóa dân gian: Lễ hội nghênh rước cá Ông từ 16-18/8 Âm lịch hàng năm, lễ hội Miếu Bà (Dinh Cô ) từ 16-18/10 Âm lịch, lễ hội ông Trần đảo Long Sơn ngày 20/2 và 9/9 Âm lịch… Đặc biệt, các sự kiện văn hóa tiêu biểu được tổ chức thường xuyên hàng năm như: Khai hội Văn hóa - Du lịch được tổ chức từ mùng 01 đến mùng 10 Tết; Giải vô địch cờ vua Trẻ thế giới 2008; cuộc thi Hoa hậu quý bà thành đạt 2009… là những chuỗi sự kiện để thu hút khách du lịch đến với Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngoài ra, hệ thống đô thị có ý nghĩa quan trọng trong tổ chức hoạt động du lịch theo lãnh thổ, sự phát triển và hình thành nhanh chóng của hệ thống đô thị vùng ven biển hiện nay sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của du lịch biển.

II. Thực trạng phát triển du lịch biển gắn với bảo tồn phát huy di sản văn hoá dân tộc và bảo vệ tài nguyên môi trường của Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2001-2008

1. Công tác kêu gọi đầu tư và hỗ trợ đầu tư du lịch

- Thu hút đầu tư du lịch: Đến năm 2008 đã có 124 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với diện tích: 3.112,74 ha. Tổng vốn đăng ký đầu tư là 16.670,45 tỉ đồng và 6.299,7 triệu USD. Tổng vốn thực hiện là 2.855,76 tỷ đồng và 51,4 triệu USD. Trong đó:

+ Có 12 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với diện tích 801,797 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư là 6.299,7 triệu USD, vốn đã thực hiện khoảng 51,4 triệu USD;

+ Có 112 dự án đầu tư trong nước với diện tích 2.310,77 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư là 16.670,45 tỉ đồng, vốn đã thực hiện khoảng 2.855,76 tỉ đồng.

2. Về mạng lưới kinh doanh, cơ sở vật chất du lịch

Tính đến nay toàn tỉnh có:

+ 143 doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch đang hoạt động trên địa bàn tỉnh (trong đó có 19 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, riêng lữ hành quốc tế có 08 đơn vị)

+ 106 khách sạn với 4.065 phòng (trong đó 87 KS đã được xếp hạng từ đạt chuẩn tối thiểu đến 4 sao).

+ 29 Resort với 1.404 phòng (trong đó có 10 Resort đã được xếp hạng từ đạt tiêu chuẩn đến 4 sao).

3. Về các chỉ tiêu phát triển của du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2001- 2008

+ Doanh thu du lịch: trong 8 năm đạt 6.861,7 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 14,65 % năm.

+ Tổng lượt khách du lịch tăng bình quân 8,10 % năm, trong đó khách quốc tế tăng 10,00 % năm.

4. Về công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch

Trong những năm qua ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, mở rộng qui mô các chương trình tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch như: xây dựng và thực hiện chương trình “ những địa chỉ du lịch tin cậy”, thiết lập Website du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu, cho ra đời tờ tin Văn hoá, Thể thao và Du lịch hàng tháng, phát hành các ấn phẩm, tham gia các hội chợ, liên hoan văn hoá, thể thao và du lịch và tổ chức nhiều sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch đã góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của ngành văn hoá, thể thao và du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu với khách du lịch trong và ngoài nước.

5. Về công tác quản lý di sản

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tham mưu cho UBND tỉnh để phân cấp di tích, danh thắng cho địa phương trực tiếp quản lý. Đến nay toàn bộ di tích trên địa bàn tỉnh đã bàn giao về cho các địa phương quản lý, bảo quản và phát triển. Trong đó có 4 di tích (di tích Bạch Dinh, Địa Đạo Long Phước, trận địa pháo cổ Núi Lớn, quần thể nhà tù Côn Đảo) do UBND tỉnh mà trực tiếp là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch quản lý.

Sau gần hai năm thực hiện phân cấp quản lý di tích, danh thắng, các đơn vị huyện, thị, thành phố đã nhanh chóng bắt tay vào tổ chức triển khai và quản lý các hoạt động bảo tồn, bảo tàng tại địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tiến hành đào tạo thêm đội ngũ cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ, giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến quản lý bảo vệ, sử dụng và khai thác phát huy hệ thống di tích hiện có. Từ những việc làm trên, các di tích đã có sự thay đổi rõ rệt: Di tích được trùng tu, bảo quản; nhiều đơn vị lữ hành đã mở tour du lịch đến với các di tích, danh thắng để cho du khách tham quan, tìm hiểu… “Việc thực hiện quy chế phân cấp quản lý di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh đã góp phần phát huy tính năng động sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền, cơ quan chức năng và của nhân dân địa phương đối với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hoá. Việc làm này đồng thời đã tạo khả năng huy động sự phối hợp sức mạnh toàn ngành cũng như toàn xã hội để thúc đẩy sự nghiệp văn hoá - Du lịch”.

* Đánh gía chung về thực trạng phát triển du lịch biển gắn với bảo tồn phát huy di sản văn hoá dân tộc và bảo vệ tài nguyên môi trường của Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian qua

- Qua phân tích đánh giá trên có thể thấy du lịch biển Bà Rịa-Vũng Tàu có những khởi sắc, tạo ra một diện mạo rõ ràng hơn về một ngành kinh tế biển tiềm năng. Các mục tiêu phát triển ngành về cơ bản đã được thực hiện, sự phát triển du lịch biển đã góp phần tích cực tạo ra diện mạo mới cho hệ thống đô thị ven biển, tham gia tích cực vào qúa trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm cho cộng đồng dân cư ven biển.

- Tuy nhiên thực trạng phát triển du lịch biển gắn với bảo tồn phát huy di sản văn hoá dân tộc và bảo vệ tài nguyên môi trường của Bà Rịa-Vũng Tàu thời gian qua cho thấy một số vấn đề:

+ Các sản phẩm du lịch biển đặc sắc, có tính cạnh tranh cao để thu hút khách quốc tế từ các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Mỹ, EU…chưa được hình thành rõ nét, đến nay vẫn chưa có khu du lịch biển tổng hợp mang tầm quốc tế. Ngoài ra việc đầu tư các dự án ven biển còn có tính trùng lắp về sản phẩm du lịch. Điều này ảnh hưởng đến mức độ hấp dẫn khách du lịch, ảnh hưởng đến thu nhập du lịch, mức độ đóng góp của du lịch biển với tư cách là ngành kinh tế quan trọng.

+ Việc đầu tư khai thác các công trình di tích, danh thắng, di sản văn hoá phi vật thể, đất rừng ven biển trong phát triển du lịch còn nhiều hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Nguyên nhân chủ yếu là còn do thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể qui định thủ tục đầu tư du lịch liên quan đến các nguồn tài nguyên trên. Mặc dù Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã có nhiều hoạt động chỉ đạo nhằm tạo sự thống nhất trong điều hành phát triển du lịch nói chung, du lịch biển nói riêng, tuy nhiên trong thực tế triển khai việc khai thác, sử dụng trên những khu vực ưu tiên cho phát triển du lịch theo quy hoạch đã được phê duyệt vẫn còn nhiều bất cập. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của du lịch biển và còn tác động làm chậm lại sự phát triển du lịch và không thực hiện được nhiều mục tiêu đã đề ra.

+ Cơ sở hạ tầng du lịch đặc biệt là tuyến đường không, hệ thống cơ sở hạ tầng chính ngoài hàng rào các khu du lịch lớn… còn chậm được đầu tư so với nhu cầu phát triển du lịch.

+ Công tác bảo tồn, tôn tạo tài nguyên và bảo vệ môi trường của hoạt động du lịch biển ở vùng ven biển còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của khu vực này.

III. Định hướng phát triển du lịch biển đảo gắn với bảo tồn phát huy di sản văn hoá và bảo vệ tài nguyên môi trường Bà Rịa-Vũng Tàu thời gian tới

- Hệ thống các văn bản quản lý nhà nước về Văn hoá, Thể thao và Du lịch trên địa bàn tỉnh cần được hoàn thiện góp phần tích cực nâng cao hiệu qủa quản lý nhà nước về Văn hoá Thể thao và Du lịch. Bên cạnh việc nâng cao trình độ quản lý trong đội ngũ công chức, bộ máy quản lý nhà nước của ngành cũng được hoàn thiện thông qua đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ phát triển Văn hoá - du lịch một cách bền vững hơn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa, di sản trên địa bàn tỉnh.

1. Mục tiêu

- Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2010, trong đó tập trung phát triển các loại hình du lịch biển như: nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch hội nghị, hội thảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa…

- Phát triển du lịch gắn liền với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá và bảo vệ tài nguyên môi trường Bà Rịa-Vũng Tàu thời gian tới.

2. Nhiệm vụ

- Tập trung đầu tư các khu du lịch tại Trung tâm và 4 cụm du lịch trọng điểm theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến 2020.

- Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng tại các cụm du lịch trọng điểm.

- Phát triển các loại hình du lịch biển; đầy mạnh các loại hình du lịch biển, coi đó là đòn bẩy để thúc đẩy việc thu hút khách vào các loại hình du lịch khác. Các khu vực cần tập trung phát triển mạnh loại hình này là: khu bãi tắm Thùy Vân, khu Chí Linh- Cửa Lấp, khu du lịch Long Hải, khu Hoa Anh Đào, khu du lịch Minh Đạm, khu du lịch Lộc An, khu du lịch Bến Cát- Hồ Tràm, khu du lịch Hồ Tràm- Hồ Cốc- Hồ Linh và Côn Đảo.

3. Các chỉ tiêu phát triển du lịch giai đoạn 2006- 2010

- Về doanh thu dịch vụ du lịch: tốc độ tăng trưởng bình quân 14,46%/năm, đến năm 2010 đạt 1.769 tỷ

- Về khách du lịch: tốc độ tăng trưởng bình quân 7,9%/năm, đến năm 2010 đón 7,6 triệu lượt khách du lịch; Trong đó:

+ Khách du lịch quốc tế: tốc độ tăng trưởng bình quân 12,4%/năm, đến năm 2010 đón 360.000 lượt khách du lịch.

+ Khách du lịch nội địa: tốc độ tăng trưởng bình quân 7,8%/năm, đến năm 2010 đón 7,3 triệu lượt khách du lịch.

Để tháo gỡ những khó khăn, đẩy mạnh hoạt động phát triển du lịch biển đảo gắn với bảo tồn phát huy di sản văn hoá và bảo vệ tài nguyên môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian tới góp phần tích cực phát triển kinh tế biển Việt Nam, Ngành VHTTDL tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị:

1. Chính phủ, các cơ quan trung ương cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể việc sử dụng các nguồn tài nguyên liên quan đến phát triển du lịch biển như: sử đất lâm nghiệp ở các khu vực ven biển, đảo.. tạo điều kiện thuân lợi cho các dự án đầu tư du lịch ven biển được thuận lợi.

2. Nâng cao năng lực quản lý hoạt động phát triển du lịch biển đảo gắn với bảo tồn phát huy di sản văn hoá và bảo vệ tài nguyên môi trường, tăng cường thể chế, chính sách theo cách tiếp cận liên ngành, lồng ghép các giải pháp bảo vệ môi trường biển vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương vùng biển.

3. Sớm hình thành “Ban điều phối phát triển du lịch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” để có kế hoạch chỉ đạo, điều phối các hoạt động liên vùng; phân công, tạo điều kiện hổ trợ cho các hoạt động phát triển du lịch biển.

4. Có chính sách về việc phát triển một số loại hình du lịch mới:

Để khắc phục một số hạn chế trong phát triển du lịch biển, cần thiết phải có những sản phẩm du lịch mang tính mới lạ, hấp dẫn; song trong thực tế những sản phẩm “mới, lạ” thường nhạy cảm trong điều kiện cụ thể của Việt Nam và an ninh quốc phòng như các loại hình : tàu lượn, lặn biển, kinh khí cầu... Đề nghị Tổng cục Du lịch nghiên cứu, đề xuất chính sách với Chính phủ về các loại hình du lịch mới hiện nay, tạo sự đột phá trong quan điểm và hỗ trợ cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn có sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập.

5. Tài nguyên du lịch nói chung và tài nguyên du lịch biển nói riêng, hiện đang được quản lý bởi các cơ quan bộ ngành và các địa phương. Đây là một bất cập trong phát triển du lịch và đã được giải quyết một phần trong Luật Du lịch đã được Quốc hội thông qua. Đề nghị Tổng cục Du lịch tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn dưới Luật tạo điều kiển cho các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tốt nguồn tài nguyên này.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều tiềm năng biển phong phú để phát triển các ngành kinh tế biển, tuy nhiên, tiềm năng biển vẫn sẽ là tiềm năng nếu chúng ta không có những bước đột phá về đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực và công nghệ hiện đại cho các ngành kinh tế biển, đồng thời nâng cao năng lực quản lý, gìn giữ môi trường biển bền vững. Ngành văn hoá, thể thao và du lịch tỉnh đã và đang từng bước có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nghiên cứu tổ chức khai thác hợp lý và quản lý tốt nguồn tài nguyên trên phát triển theo xu hướng phù hợp với qúa trình hội nhập vùng và hội nhập quốc tế. Trong sự phát triển đó chúng tôi rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của các tỉnh bạn về nhiều lĩnh vực như vốn đầu tư, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, công tác tuyên truyền quảng bá… nhằm đóng góp cho sự phát triển du lịch biển đảo gắn với bảo tồn phát huy di sản văn hoá và bảo vệ tài nguyên môi trường nói riêng và phát triển du lịch nói chung.          

 

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc