Côn Đảo –nơi sự sống hồi sinh…

Thứ tư, 29/02/2012, 09:11 GMT+7
1973 xem
Chia sẻ:

(HNMCT) - Lịch sử đau thương của “địa ngục trần gian” Côn Đảo đã chính thức khép lại vào ngày 1-5-1975, một ngày sau khi Sài Gòn giải phóng. Đã 36 năm trôi qua! Giờ đây, Côn Đảo không phải là “địa ngục trần gian”, mà đang dần trở thành một “thiên đường hạ giới”. Chuyến bay chưa đầy 28 phút từ TP Hồ Chí Minh đáp xuống sân bay Côn Đảo đầy ắp hành khách Việt Nam và nước ngoài, đưa tôi đến với một Côn Đảo xanh biếc, nơi sự sống đã thực sự hồi sinh.

Lần dấu lịch sử

Hà, nhân viên của khách sạn Sài Gòn-Côn Đảo, đón tôi trên chiếc ô tô 12 chỗ hạng sang, không phải bởi tôi là phóng viên, mà đơn giản, bất cứ du khách nào lưu trú tại khách sạn của Hà đều được đưa đón như vậy. Hà bảo, mấy năm trước, phương tiện ra đảo chỉ có tàu thủy loại nhỏ chỉ đi được lúc biển lặng, sóng êm nên đến mùa biển động, sóng lớn, có khi đến mấy tháng trời mới có tàu cập đảo. Còn bây giờ, cứ 2 ngày lại có một chuyến tàu lớn vào ra Côn Đảo, mỗi chuyến có thể chở được 300 người. Từ ngày các đường bay được mở, không chỉ có hãng Vietnam Airline mà còn có cả hãng Air Mekong, khách càng đông hơn. Từ tháng 7 trở lại đây, các khách sạn đều chật kín du khách. Thật bất ngờ khi Ban quản lý khu di tích Côn Đảo thông báo, năm 2011 có tới gần 60 nghìn lượt du khách tới hòn đảo này, tăng trên 80% với năm 2010.

Chỉ ít giờ sau khi đặt chân xuống Côn Đảo, tôi đã hòa vào dòng người ghé thăm các di tích lịch sử chiến tranh. Câu chuyện của Tuấn, một hướng dẫn viên trẻ được sinh ra và lớn lên trên chính hòn đảo này thật cảm động. Lịch sử tái hiện về, khắc sâu vào lòng khách tham quan nhiều cảm xúc.

Thực dân Pháp bước chân lên Côn Đảo ngày 23-11-1861, với ý định biến quần đảo xinh đẹp như một thiên đường này thành một trại tù. Với “nhãn quan cáo già” của một tên thực dân như thủy sư đô đốc Bonard, Côn Đảo chính là một nơi lý tưởng để xây dựng một nhà tù vì nó ở giữa mênh mông sóng nước, cách đất liền hàng trăm hải lý. Để có nơi giam giữ số tù nhân ngày càng đông, thực dân Pháp đã bắt đầu cho xây dựng các trại giam (gọi là banh). Từ năm 1862 đến 1941, lần lượt các Banh I, Banh II, Banh III và Banh phụ của Banh III đã ra đời. Đó là những khu nhà được xây kiên cố bằng gạch đá nằm khuất sau 4 bức tường cao, trên có cắm mảnh chai và chăng dây thép gai hoàn toàn cách biệt với đời sống bên ngoài. Cùng với việc xây dựng các trại giam, thực dân Pháp cũng lập các sở tù như: sở vôi, sở muối, sở củi, sở lưới, sở tiêu, sở rẫy… để khai thác, bóc lột sức lao động của những người tù.

Sau năm 1954, chính quyền Mỹ- ngụy tiếp tục duy trì chế độ nhà tù mà thực dân Pháp để lại ở Côn Đảo. Ngoài việc sửa chữa, cải tạo lại hệ thống trại giam có từ thời Pháp, từ năm 1962 đến năm 1971 Mỹ- ngụy xây dựng thêm Trại V, Trại VI, Trại VII, Trại VIII. Ngoài ra, chúng còn xây dựng nhiều trại giam phụ tại các sở tù để sẵn sàng giam giữ, đàn áp những người tù lao động chống đối. Dừng chân tại trại tù Phú Sơn, Phú Hải, nhiều du khách không khỏi xúc động khi chứng kiến phòng tra tấn mang tên phòng tối, hầm Xay lúa hay biệt giam chuồng Cọp với các hình thức tra tấn dã man nhất được áp dụng đối với tù nhân chính trị cộng sản.

Tại bảo tàng Côn Đảo, bác Trần Văn Lợi, quê ở Vĩnh Long, một cựu từ Côn Đảo bồi hồi nhớ lại: “Nhà tù Côn Lôn thời Pháp thuộc đã là địa ngục ở trần gian rồi, đến thời Mỹ- ngụy là địa ngục trong địa ngục và nói như vậy có lẽ cũng chưa đủ. Nhưng hồi đó, những cựu tù chúng tôi đoàn kết lắm và kẻ thù đã không bao giờ khuất phục nổi tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của những người tù cộng sản”.

12h đêm ở nghĩa trang Hàng Dương, những dòng người đổ về không ngớt. Ai cũng cầm trên tay mình những nén nhang thơm để tỏ lòng thành kính, biết ơn hàng vạn chiến sĩ cách mạng Việt Nam đã hy sinh tại nơi này, góp phần làm nên độc lập-tự do cho Tổ quốc. Một khu nghĩa trang luôn ấm cúng bởi thế hệ con cháu nối tiếp nhau tới tri ân các chiến sỹ cách mạng. Và, trên mộ chị Võ Thị Sáu vẫn nở rộ hoa lêkima. Cây hoa được mang từ Đất Đỏ–Long Đức về thật kỳ lạ, tốt tươi, đâm hoa kết trái. Dường như ở nghĩa trang, này không có khái niệm thời gian. Cho tới 3h sáng, dòng người vẫn chảy về đây không ngừng…

Côn Đảo hồi sinh

Côn Đảo lạnh lẽo, hoang vắng ngày xưa giờ đây đã “thay da đổi thịt”. Trên con đường phẳng lỳ hai làn xe chạy rợp bóng cây ven bờ biển, khách sạn 4 sao Sài Gòn-Côn Đảo, rồi Côn Đảo resort, và hàng loạt khách sạn tư nhân khác mọc lên mang dáng dấp văn minh, hiện đại. Cũng cần phải kể tới khu “Six Senses Resort” nằm cách trung tâm không xa, được thực hiện bởi nhà thiết kế Reda Amalou. Công trình này nổi tiếng bởi từng đoạt giải kiến trúc độc đáo của Tổ chức Du lịch thế giới (WTO) và Green Globe 21. Với giá trên 1 nghìn đô la Mỹ cho một đêm nghỉ tại đây, “Six Senses Resort” thu hút nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới, mà mới đây là vợ chồng ngôi sao Hollywood Angelina Jolie.

Điều gì đã khiến các du khách thích thú với Côn Đảo và đã khiến cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước tin tưởng rằng, du lịch sẽ phát triển mạnh mạnh trong tương lai không xa? Thuê xe máy của anh xe ôm thật thà với giá vài chục nghìn đồng/ngày để rong ruổi khắp đảo, tôi tin chắc, bạn cũng như tôi, đã phần nào tìm ra lời giải đáp.

Đó là cái thú vị khi thưởng ngoạn cảnh đẹp trên một hòn đảo còn hoang sơ.Ví như mấy người khách nước ngoài kia, có lẽ chẳng còn gì bằng khi họ được ngâm mình giữa bãi biển vắng lặng, giữa bãi cát trắng như pha lê, mịn màng, óng ả. Những con đường chênh vênh vòng vo quanh đảo, bên núi, bên biển, làm con người cảm thấy thanh thản. Thú vị hơn là những ngôi nhà cổ nép dưới cây bàng trăm tuổi, chứng nhân của một thời, giờ đây có vẻ làm cho hòn đảo thêm thơ mộng bởi kiến trúc cổ kính từ thời Pháp.

Đặc sản ở Côn Đảo thì hiếm có nơi nào sánh bằng bởi chính là hải sản tự nhiên, hiếm và quý. Ghé vào một quán bình dân dưới tán bàng, cô chủ quán chân chất, quê mùa mời tôi khám phá hải sản đang bơi. Nào tôm hùm, nào cua hoàng đế, nào cá trình biển, ốc thì đủ loại. Món độc đáo nhất của nơi này chính là ốc vú nàng. Loại này nướng lên thơm ngậy, ngọt đậm và có một mùi rất riêng. Với giá cả rẻ bất ngờ, nhà hàng sẽ luộc và nướng để bạn ăn tại chỗ.

Khoảng 3 năm trở lại đây, các công ty du lịch đã đua nhau tìm kiếm sự độc đáo của Côn Đảo để xây dựng lịch trình của riêng công ty mình. Phan Bình, một hướng dẫn viên của công ty du lịch Vietravel cho biết: “Du khách cực kỳ thích thú với hành trình tới Côn Đảo. Sau một ngày thăm các di tích lịch sử, ngày hôm sau, vào buổi sáng, tụi em sẽ đưa khách đón ánh bình minh đầu tiên nhô lên từ biển Côn Sơn, còn vào buổi chiều tà, ngắm hoàng hôn từ Cửa Tử. Ban ngày, du khách sẽ giong thuyền ra các hòn đảo nhỏ để khi đêm xuống, có thể ngắm trăng trên đỉnh Tình Yêu”. Bình bảo vào mùa xuân, nhất là tháng Giêng, các công ty đã kín khách đăng ký “tua” bởi có một “lập trình” lý thú hơn, đó là đi câu đầu năm để cầu may theo quan niệm của người Á Đông.

Côn Đảo có nhiều điểm câu cá hấp dẫn những “câu thủ” muốn tìm cảm giác lạ. Không giống như ở những vùng biển khác, cá, mực chỉ tập trung tại vùng nước biển sâu, các ghềnh đá, người câu cần kỳ công, trong khi Côn Đảo cá tôm còn nhiều, nên ở nơi nào bạn cũng có thể buông câu. Hành trình lên tàu ra hòn Bảy Cạnh, thăm khu bảo tồn thiên nhiên để tận mắt xem rùa đẻ cũng hấp dẫn bởi có đêm bạn được trông thấy từ 30 đến 35 con cùng đẻ để rồi thả chúng về biển. Một số du khách khác lại thích ra Bãi Nhát nằm trên đỉnh Tình Yêu, một trong những vị trí đẹp và lãng mạn nhất trên đảo để săn họ nhà cá mập.

“Thiên đường trần gian” không xa

Từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 264, phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế xã hội huyện Côn Đảo” đến năm 2020. Theo đó, Côn Đảo được xây dựng thành Khu kinh tế - du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích cách mạng và phát triển, nâng cao giá trị vườn quốc gia Côn Đảo. Đặc biệt, nhấn mạnh vị trí tiền tiêu của Côn Đảo trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn kết chặt chẽ với phát triển của cả vùng phía Nam Tổ quốc. Trong giai đoạn đến năm 2020, Côn Đảo phấn đấu đạt quy mô dân số khoảng 50 nghìn người, GDP bình quân đầu người đến năm 2020 khoảng từ 1800–2000USD/người.

Hiện nay, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất khi đầu tư vào Côn Đảo. Các cá nhân làm việc tại đây sẽ được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân. Tất cả các dự án đầu tư vào Côn Đảo được miễn thuế nhập khẩu và được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng là 0% đối với các chi phí đầu tư xây dựng cơ bản. Ngoài ra, nhà đầu tư vào Côn Đảo còn được hưởng những ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất ở mức ưu đãi cao nhất và hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư. “Thời gian tới, Côn Đảo sẽ hình thành các khu nghỉ dưỡng tầm cỡ khu vực và thế giới, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia khai thác và phát triển du lịch”, ông Bùi Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) chia sẻ.

Chia tay Côn Đảo, ngắm trời nước trong xanh yên bình dưới cánh bay, cảm xúc biết ơn cha anh đã mang đến một cuộc sống: hòa bình-độc lập-tự do dâng trào hơn bao giờ hết! Côn Đảo, xa mà thật gần, những tháng ngày bi hùng đã qua, để những mùa xuân tràn về với cuộc sống hồi sinh thật mạnh mẽ!


Ký sự của Hoàng Anh 

 

 

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc