CÔN ĐẢO KỲ THÚ

Thứ ba, 27/11/2007, 10:12 GMT+7
3062 xem
Chia sẻ:

Chúng tôi đặt chân lên cầu tàu 94. Một Côn Đảo lịch sử ngay trước mặt: cầu tàu 94, cây bàng Bác Tôn, nhà chúa đảo, chuồng cọp, nghĩa trang Hàng Dương. Những ngày rong ruổi trên hòn đảo giữa biển khơi chúng tôi lại tìm ra một Côn Đảo khác: Rừng giữa biển. Côn Đảo - biển và rừng Chúng tôi ai nấy đều háo hức với chuyến du lịch đến Côn Đảo bởi đây không chỉ là tour du lịch bình thường mà còn là chuyến thám hiểm xuyên rừng quốc gia.

Nơi đặt chân đầu tiên của chúng tôi là hòn Tre Lớn. Sau 4 giờ tù túng trên tàu, mọi người ùa cả lên bãi cát trắng xóa. Ngay giữa bãi cát là những cây phong ba vững chãi đứng trước gió. Hai người trên đảo chạy ra đón khách. "Anh em đang đi kiểm tra rùa biển. Đêm qua có 6 con lên làm tổ nên mọi người phải chuyển trứng đến khờ người". Sau câu chào khách kiểu thông báo tình hình các anh trên đảo đưa chúng tôi đi tham quan. Vừa đi, các anh vừa kể chuyện rùa biển: Hai bãi cát dài hàng năm có hàng trăm lượt rùa biển, đồi mồi lên sinh sản. Mỗi con đẻ chừng 100 quả trứng. Những tổ gần sát nước, triều lên sẽ hỏng nên anh em phải "cứu hộ" cho chúng.

Lần theo vách đá cheo leo, chúng tôi lên hòn Tre Nhỏ. Đảo chỉ rộng 18ha và toàn là tre biển cùng hang đá. Vừa băng qua "bức tường tre" dày đến tối cả mặt là đã xuống hang đá. Những tổ yến màu trắng vắt theo vách đá cheo leo. Người bảo vệ các hang yến cho hay: không riêng hòn Tre Nhỏ ở Đầm Tre mà mũi Việt Minh, hòn Bông Lan, hòn Cau... cũng đã có yến kéo đến ngày một nhiều. Năm vừa rồi ở đấy đã thu hoạch được 30kg tổ yến.

Tàu nhổ neo theo hướng mũi Đông-Bắc để qua hòn Cau. Hải trình cứ dọc theo triều đảo, hết gặp bãi cát trắng lại đến vách núi cheo leo. Tàu rẽ sóng. Xa xa những chiếc thuyền đánh cá xuôi vào vịnh. "Cá heo", "Cá heo"! Những tiếng hét liên tiếp vang lên. Cùng tiếng la, tiếng vỗ tay, đàn cá heo trên chục con phóng mình theo tàu. Chúng hết rượt trên mặt nước rồi đồng loạt vọt lên cao. Cuộc biểu diễn của đàn diễn viên nghiệp dư dường như không dứt. Bất thần, một đôi cá heo bay lên suýt rơi vào mạn tàu làm mọi người một phen hú hồn.

Dọc những con đường nhỏ, từng tốp khách tản bộ vào xem các di tích lịch sử. Rời đoàn khách chúng tôi đến trụ sở huyện. Những anh ở Văn phòng UBND huyện cho biết khách du lịch ra Côn Đảo ngày một đông. Đảo sôi động hẳn lên. Công ty Côn Sơn và Sài Gòn Tourist đã đầu tư xây dựng khách sạn tại đây. Ngay bên bãi biển, những khách sạn nhỏ nhắn, đầy đủ tiện nghi mọc lên. Tuy nhiên khách sạn mới được 35 phòng. Nhiều hôm huyện phải huy động nhà khách ủy ban và cả nhà dân mới đủ cho khách ngủ qua đêm. Người dân Côn Đảo vốn quen đi biển, đánh cá trồng lúa nên với việc kinh doanh dịch vụ du lịch đang còn bỡ ngỡ. Dù vậy, mọi người vẫn rất háo hức thay đổi. Nhiều kiốt bán hàng lưu niệm, quán ăn mọc lên, có người còn có ý mạnh dạn đầu tư nơi lưu trú cho khách. Những chương trình, kế hoạch của chính quyền đưa ra cũng táo bạo. Anh Lê Xuân ái, Giám đốc Vườn quốc gia cho biết du khách đến tham quan Côn Đảo vừa thăm di tích kết hợp cùng du lịch sinh thái. Vườn phối hợp xây dựng 5 điểm và 9 tuyến du lịch. Du khách được leo núi, đến các đảo nhỏ trong quần thể đảo, lặn xuống biển xem san hô, cá biển, đêm về được hướng dẫn đi xem rùa đẻ...

Cuộc "săn lùng" thú quý

Anh Tôn Long Anh, vốn là cựu tù Côn Đảo thời chống Mỹ, giờ là Phó Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo đưa ra đề nghị: "Ra Côn Đảo thăm di tích nhưng không biết về thiên nhiên là chưa hiểu Côn Đảo. Mọi người nán đợi để được một lần thấy bò biển. Mùa này chúng thường xuất hiện. Không đâu xa, ngay bãi cát trắng trước vịnh Côn Sơn này". Như một nhà nghiên cứu về bò biển lâu năm, anh sôi nổi: "Bò biển còn được gọi là dugông, một loài thú biển lớn. Những con trưởng thành dài khoảng 3 mét, chu vi thân đến gần 2 mét. Mới nhìn nó ở dưới nước chẳng khác con bò là mấy, có điều hai chân trước biến thành vây, chân sau đã thành đuôi. Chúng rất hiền lành và chỉ ăn cỏ. Bò biển là loài thú quý hiếm trên thế giới. ở Việt Nam hiện nay mới chỉ thấy bò biển ở vùng biển Côn Đảo".

Từ mũi Lò Vôi đến An Hải, nơi bò biển thường xuất hiện, bãi cát trắng chạy dọc theo biển thật đẹp. Phía xa là hòn Bảy Cạnh, Bông Lan, hòn Trái Nhỏ, hòn Tài Nhỏ. Những người dân đảo cho hay, chỉ cần ngồi thuyền ra một đoạn ngắn đã có thể thấy dưới làn nước biển xanh kia là thảm cỏ biển mượt mà. Những ngày biển lặng, nước trong suốt còn thấy cả đàn bò biển thản nhiên "gặm" cỏ ở dưới nước. Chúng hiền lành và thích gần con người lắm.

Những loài thú biển quý hiếm ngày càng được phát hiện nhiều hơn ở Côn Đảo. Ngoài loài bò biển gần gũi với con người, những nhà khoa học còn phát hiện ra cá voi đen, cá nược. Tài nguyên rừng, biển của Vườn quốc gia Côn Đảo vẫn đang còn bí ẩn. "Những phát hiện mới cứ liên tiếp dài thêm" - như cách nói của anh Nguyễn Đức Ngắn, CB Phân viện quy hoạch rừng, đang làm việc tại Côn Đảo.

Khu bảo tồn gien giữa biển

Vườn quốc gia Côn Đảo nằm trên 4 hòn đảo giữa vùng biển xanh. Mới đây, những người dân đảo còn phát hiện ra 2 hòn mới được đặt tên hòn Anh, hòn Em. Vườn nằm giữa biển khơi, cách thành phố Vũng Tàu 67 hải lý. Diện tích của vườn trên 9.000ha nhưng có đến 4.000ha là diện tích trên biển. Vào tháng 3-1993, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập vườn và cũng là thời điểm vườn quốc gia được đánh thức.

"Khảo sát Vườn quốc gia Côn Đảo quả là lên rừng xuống biển đúng nghĩa". Kỹ sư Nguyễn Đức Ngắn hào hứng kể: "Hơn một tháng leo lên đỉnh núi Chúa bằng lối mòn. Xuống núi lại dong thuyền ra các đảo như hòn Trứng. Đảo này chẳng có cây cỏ gì đáng kể, chỉ là một khối đá lớn toàn chim là chim. Rồi lại cùng anh em lặn xuống biển. Thảm rừng dưới biển cũng phong phú không kém: thành phần thực vật cao cấp có đến 882 loài, thuộc 562 chi, 6 họ, trong đó có 37 loài cây gỗ lớn. Những loài cây họ trinh nữ, bồ hòn, xoan, lát hoa thuộc thực vật bản địa miền Bắc và Nam Trung Quốc hầu như không gặp ở Nam Bộ lại có mặt nơi đây. Thực vật miền Đông Nam Bộ, rừng ngập mặn ven biển, cửa sông thuộc thực vật đồng bằng sông Cửu Long cũng có trong vườn... Điều mới mẻ không riêng chúng tôi mà cả những nhà khoa học là đã phát hiện ra 44 loài cây lần đầu tiên tìm thấy. Những loài cây ấy được các nhà khoa học lấy tên Côn Sơn đặt tên như dầu Côn Sơn, khảo Côn Sơn, thạch trang Côn Sơn... Các nhà khoa học cũng đã phát hiện được 35 loài động vật có xương sống ở trên cạn trong Vườn quốc gia Côn Đảo. Nhiều nhất vẫn là chim tập trung thành từng đàn lớn trên các đảo: Hòn Trứng, hòn Tre Nhỏ. Trong đó, 4 loài chim: chim điên mặt xanh, nhiệt đới, bồ câu Nicôha, gầm gì chỉ có ở Côn Đảo nước ta. Ngoài ra, những nhà động vật học cũng mới phát hiện được nhóm động vật mang tính đặc hữu như sóc mua, sóc đen Côn Đảo và thạch sừng Côn Đảo.

"Dù đã đi nhiều nơi nhưng biển Côn Đảo vẫn thật hấp dẫn" - tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn (Viện Hải dương học Nha Trang) nói vậy. Rồi anh vanh vách cho chúng tôi biết, các loài cá biển, ốc, động vật phù sa anh đã ghi đầy sổ với 25 loài động vật được ghi vào sách đỏ động vật; 43 loài rong biển mới được phát hiện có 14 loài thuộc nhóm có giá trị kinh tế cao; đặc biệt, loài cỏ biển có thêm 4 loài mới vừa được phát hiện...

Những phát hiện mới về động thực vật đã làm Vườn quốc gia Côn Đảo trở thành điểm du lịch ngày càng hấp dẫn.

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc