Côn Đảo - hình mẫu cho bảo tồn biển

Thứ ba, 08/09/2009, 14:01 GMT+7
2286 xem
Chia sẻ:

Hơn 300.000 rùa con được thả về biển và gần 1.000 con trưởng thành được gắn thẻ trong 8 năm qua, hàng loạt nghiên cứu về dugong và các sinh vật quý, cùng với việc xây dựng ý thức bảo vệ môi trường của dân cư nơi đây... Các hoạt động bảo tồn này đang biến Côn Đảo thành vườn quốc gia hàng đầu ở VN về bảo tồn biển. 

 

Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, cựu Viện trưởng Phân viện Hải Dương học Hải Phòng, người từng tham gia lập danh sách các khu bảo tồn biển Việt Nam, đã nhận định như vậy trước những thành công của công tác bảo tồn nơi đây. 

Với sự hỗ trợ của Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) Chương trình Đông Dương, từ năm 1995 đến nay, Vườn quốc gia Côn Đảo đã tiến hành rất nhiều hoạt động, như tập huấn bảo tồn cho cộng đồng địa phương, thông qua đào tạo kỹ thuật, tham quan và chia sẻ kinh nghiệm. Đối với bảo tồn rùa biển, cán bộ của Vườn đã triển khai chương trình gắn thẻ, giám sát rùa trong mùa sinh sản và chương trình di dời, ấp trứng rùa... Việc nghiên cứu quần thể dugong cũng được tiến hành, song song với những nỗ lực giáo dục về tầm quan trọng của loài sinh vật quý hiếm này và biện pháp bảo vệ chúng.
Phòng Giáo dục Môi trường của Vườn đã xây dựng được rất nhiều chương trình dành riêng cho các đối tượng như học sinh, ngư dân, cán bộ, bộ đội biên phòng, khách du lịch... Những tấm biển khuyến cáo bảo vệ rùa biển và dugong được đặt ở khắp nơi, tại các khách sạn, các địa điểm du lịch... đã góp phần nâng cao nhận thức của du khách và dân cư sống tại Côn Đảo. Chương trình giáo dục môi trường còn có những nội dung thiết thực khác như tổ chức trò chơi, các cuộc thi tìm hiểu, các chuyến đi thực tế theo dõi rùa đẻ, thả rùa con về biển…
Bên cạnh đó, Vườn còn thực hiện những dự án nghiên cứu về rạn san hô và những hoạt động quan trắc sự phục hồi của rạn san hô sau cơn bão Linda năm 1997.
Với sự hướng dẫn của WWF, đến nay, các cán bộ của Vườn quốc gia Côn Đảo đã có thể tham gia giảng dạy ở những khoá tập huấn ở các tỉnh như Quảng Ninh, Đà Nẵng..., trình bày tại các hội nghị quốc tế, cũng như tự mình thực hiện các dự án khi chuyên gia của WWF rút đi.
Theo ông Lê Xuân Ái, giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo, người đã gắn bó lâu dài với những dự án này, trước kia, ở Côn Đảo có rất nhiều rùa biển lên đẻ trứng. Người dân vẫn thường bắt chúng để ăn thịt và nhặt trứng rùa. Thậm chí có thời gian rùa biển còn là “đồ thách cưới”, và hầu như đám ăn hỏi nào cũng phải có 1-2 con rùa biển. Thịt dugong thì đôi khi bán ở ngoài chợ như thịt bò. Nhưng tới nay, nhờ sự trợ giúp của các cán bộ dự án, người dân đã hiểu ra và thậm chí trực tiếp tham gia công tác bảo tồn này.
Với mục đích nhân rộng mô hình thành công ở Côn Đảo, cuối tháng 5 vừa qua, WWF đã tổ chức một hội thảo tập huấn, phổ biến kinh nghiệm ngay tại Vườn cho các cán bộ Sở thủy sản, cán bộ vườn quốc gia, lãnh đạo một số xã và huyện của tỉnh Quảng Ninh, Kiên Giang, Đà Nẵng, Ninh Thuận. Các đại biểu đã được tận mắt chứng kiến những kinh nghiệm bảo tồn ở đây nhờ đi thăm thực tế những bãi cát có rùa đẻ, đến thăm bãi ấp trứng nhân tạo, và đặc biệt là lặn xem rạn san hô, ngắm những rạn san hô trải dài hàng kilomet, đủ loại, hình thù và màu sắc, với những đàn cá lớn sặc sỡ bơi lội tung tăng trong làn nước biển xanh ngắt.
“Tôi chưa bao giờ được nhìn thấy cái gì đẹp như vậy. Thiên nhiên cho chúng ta những thứ quý giá quá. Chắc chắn nếu hoạt động lặn xem san hô như thế này phát triển được ở đảo Phú Quốc thì sẽ thu hút nhiều khách du lịch. Đây đúng là vừa đảm bảo bảo tồn đa dạng sinh học biển, lại vừa nâng cao kinh tế cho địa phương”, ông Nguyễn Hồng Cường, trưởng phòng Nông Lâm Ngư của huyện đảo Phú Quốc, nói.
Đó cũng chính là ý tưởng chủ đạo của các nhà làm dự án WWF: Giúp người dân hiểu được những giá trị to lớn của biển cả mà biến nó thành giá trị kinh tế, theo hướng bền vững dài lâu.
Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc