Cần các sản phẩm độc đáo, đặc sắc

Thứ tư, 20/10/2010, 16:01 GMT+7
1828 xem
Chia sẻ:

Kinh tế biển, đảo, trong đó có du lịch là một thế mạnh của Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT). Những năm qua, thế mạnh này đã từng bước được khai thác và phát huy. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển, ngành du lịch BR-VT vẫn còn nhiều việc phải làm.

Bà Rịa - Vũng Tàu có tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình du lịch như: Vườn quốc gia Côn Đảo, Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu, khu suối khoáng nóng Bình Châu, núi Minh Đạm, núi Dinh, núi Lớn, núi Nhỏ... Trong hơn 300km bờ biển của Bà Rịa-Vũng Tàu có 72km là bãi tắm tốt với địa hình và cảnh quan đẹp như: Bãi Trước, Bãi Sau, Bãi Dứa, Bãi Dâu, bãi tắm Long Hải-Phước Hải… Nhiều khu vực du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế như: Vũng Tàu, Long Hải – Phước Hải, Hồ Tràm – Hồ Cóc – Bình Châu, Côn Đảo. Đặc biệt, khu vực Long Hải – Phước Hải và Côn Đảo đã được Chính phủ xác định là 2 trong số 20 khu du lịch quốc gia. Bên cạnh đó, BR-VT cũng có nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời. Tính đến nay, toàn tỉnh có 31 di tích đã được Nhà nước công nhận xếp hạng cấp quốc gia cùng 152 di tích khác đã được kiểm kê, lập hồ sơ quản lý. Các di tích lịch sử tiêu biểu như: Đình thần Thắng Tam, Lăng Cá Ông, Thích Ca Phật Đài, Chùa Long Bàn, địa đạo Long Phước, Khu căn cứ núi Minh Đạm, Bến Lộc An với đường Hồ Chí Minh trên biển, địa đạo Kim Long… Các lễ hội và văn hóa dân gian cũng khá phong phú: Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Miếu Bà (Dinh Cô)…

 

Những năm gần đây, ngành du lịch BR-VT đã có nhiều khởi sắc, tạo tiền đề để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sự phát triển của ngành du lịch đã tạo ra diện mạo mới cho hệ thống đô thị ven biển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm cho cộng đồng dân cư ven biển. Tuy nhiên, thực trạng phát triển du lịch của BR-VT cũng cho thấy một số vấn đề còn thiếu sót. Các sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính cạnh tranh cao để thu hút khách quốc tế chưa được hình thành rõ nét, đến nay vẫn chưa có khu du lịch phức hợp mang tầm quốc tế được đưa vào hoạt động. Các dự án du lịch còn trùng lắp về sản phẩm, nên chưa hấp dẫn khách du lịch. Việc khai thác các di tích, danh thắng, di sản văn hoá phi vật thể trong phát triển du lịch còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Mặt khác, cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt là tuyến đường hàng không, hệ thống cơ sở hạ tầng chính ngoài hàng rào các khu du lịch lớn… còn chậm được đầu tư so với nhu cầu phát triển du lịch.

 

Nghị quyết số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế du lịch BR-VT đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2015 xác định, BR-VT cần tập trung phát triển các loại hình du lịch biển như: nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch hội nghị, hội thảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch sự kiện… Nhiệm vụ đặt ra cho ngành du lịch và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là tập trung đầu tư các khu du lịch tại trung tâm và 4 cụm du lịch trọng điểm theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng tại các cụm du lịch trọng điểm; phát triển các loại hình du lịch biển, coi đó là đòn bẩy để thúc đẩy việc thu hút khách vào các loại hình du lịch khác. Các khu vực cần tập trung phát triển mạnh loại hình này là: khu bãi tắm Thùy Vân (Bãi Sau), khu Chí Linh - Cửa Lấp, khu vực Long Hải, Hoa Anh Đào, khu vực núi Minh Đạm, khu vực Lộc An, khu Bến Cát - Hồ Tràm, khu Hồ Tràm - Hồ Cốc (Cóc) - Hồ Linh và Côn Đảo.

 

“Tỉnh BR-VT có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch biển. Để khai thác tốt các tiềm năng này, BR-VT cần có những bước đột phá về đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, đồng thời nâng cao năng lực quản lý, gìn giữ môi trường biển bền vững”- ông Trần Văn Thông Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.

                                                                                                                           Bài, ảnh: Đức Nguyên

(theo http://www.baobariavungtau.com.vn)

 

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc