Các loài bay ở Côn Đảo (Phần I)

Thứ ba, 08/01/2008, 08:30 GMT+7
3104 xem
Chia sẻ:

Bình minh ở Côn Đảo có một ấn tượng thật lạ lùng, dù bạn đã từng đặt chân tới đây. Vẻ tĩnh mịch thật thanh bình ngự trị nơi những con phố mang đậm dấu tích của lịch sử dường như đối lập với sự sôi động đầy háo hức của biển cả. Phía xa xa ngoài khơi là nơi có một hòn đảo nhỏ với những thú vị đang đón chờ.

Là tập hợp gồm 14 hòn đảo lớn nhỏ, Côn Đảo là tên gọi tắt của quần đảo Côn Sơn. Vị trí tự nhiên của nó mang lại cho nơi đây những môi trường tự nhiên cực kỳ phong phú. Sau 2 giờ di chuyển, các bạn sẽ tới một hòn đảo nhỏ với những phiến đá sắc lẹm bao quanh là nơi dừng chân đầu tiên. Men theo con đường đất từ dưới ngược lên là một căn chòi nhỏ giống như một đài quan sát hơn là nơi ở. Đây là đảo Hòn tre nhỏ, một điểm đặt trạm kiểm lâm của Vườn quốc gia Côn Đảo. Nằm không xa với các hòn đảo nhỏ lân cận, những mỏm đá nằm trải mình dưới ánh nắng gay gắt và có biển bao quanh, các vách đá là nơi trú ngụ lý tưởng của nhiều loài chim biển. Ngay ở khe núi lớn phía cạnh đường đi, những con nhạn biển bạo dạn không hề để ý đến những vị khách lạ. Chúng đậu trên các vách đá dựng đứng, bay lượn, chao cánh rồi đậu xuống rỉa cánh một cách bình thản. Chúng cũng không hề để ý tới những đám mây kéo đến báo hiện cơn mưa sắp trút xuống như để làm mát những phiến đá đã phơi nắng cả ngày. Ở Côn Đảo, vào giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9, những cơn mưa rào thường đến vào bất chợt trong ngày. Lượng nước mưa lớn cung cấp cho khu vườn tự nhiên này một nguồn sống dồi dào. Những cơn mưa ấy dường như còn gột rửa đi cái nóng bức và trả lại cho hòn đảo nhỏ một bầu không khí trong lành. Hoàng hôn là thời điểm có thể phân biệt dễ dàng từng loài. Vách đá sát những con sóng dập dềnh là nơi trú ngụ của các loài nhạn biển, còn những con gầm ghì trắng và bồ câu thường đậu trên ngọn cây gần tổ. Nhạn biển thường cư trú ở sát mép biển và chỉ trong những hốc đá, kể cả khi nghỉ ngơi chúng cũng không đậu trên những cành cây cao. Chỉ tới khi tối trời, chúng mới miễn cưỡng bay về tổ của mình. Vượt qua một khu rừng rậm rạp với các cây phong ba khô ra mé phía Tây của hòn đảo nhỏ, biển oà ra trước mắt với những cánh nhạn đang chao nghiêng. Nếu để ý một chút, có lúc, các bạn sẽ thấy dấu hiệu sự sống của loài chim này ở ngay dưới mặt đất - đó là những quả trứng nhạn vẫn còn hơi ấm. Nhạn biển có nhiều loài, mỗi loài có những đặc điểm riêng. Hai giống nhạn đại diện cho Côn Đảo là nhạn đầu xám và nhạn lưng đen. Loài nhạn đầu xám có tên khoa học là Anous stolidus. Khi trưởng thành, chúng có bộ lông màu trắng và chuyển sang xám ở đỉnh đầu. Chúng sống theo đàn, và nằm trong danh sách những loài chim quí hiếm. Nhạn lưng đen là loài nhạn biển phổ biến nhất ở Côn Đảo. Chúng có màu trắng và đen. Đầu và mặt màu đen, có vệt trắng từ trán kéo đến phía sau mắt, phần trên lưng nhạt màu hơn. Chúng có thể ngụp đầu xuống nước và lặn giỏi để có thể kiếm mồi sát dưới mặt nước. Loài nhạn lưng đen này sống thành từng cặp và theo đàn khá đông. Cấu trúc cơ thể của nhạn lưng đen rất phù hợp với môi trường biển. Chân chúng mảnh và tương đối dài là đặc điểm thuận lợi cho việc đậu trên các mỏm đá, vách đá cũng như săn mồi dưới mặt nước.

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc