Biến tiềm năng thành cơ hội phát triển

Thứ sáu, 01/10/2010, 10:09 GMT+7
2637 xem
Chia sẻ:

Cùng với vẻ cổ kính, nét thâm nghiêm và bề dày lịch sử vốn có, Côn Đảo hôm nay lại có thêm nhiều nhà hàng, khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Chốn “địa ngục trần gian” xưa đang được các nhà đầu tư quan tâm và thu hút lao động trẻ có trình độ.

ĐÓN NHIỀU DỰ ÁN LỚN

 

Thiên nhiên nguyên sơ, khí hậu bốn mùa ấm áp cộng với một bề dày lịch sử, huyện Côn Đảo có lợi thế riêng để thu hút khách du lịch và thu hút những người dân từ đất liền ra đảo sinh sống.

 

Ông Nguyễn Ngọc Tùng, Trợ lý Giám đốc Khu Sài Gòn – Côn Đảo resort (thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist) cho biết, cảnh quan ở Côn Đảo hài hòa, vừa có các đỉnh núi cao, cùng với thảm xanh của rừng cây nhiệt đới nguyên vẹn có thể phát triển loại hình du lịch khám phá và mạo hiểm, vừa có những vùng đất thấp, bãi cát mịn của bờ biển trải dài phù hợp với loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Đặc biệt, Côn Đảo còn là quần thể di tích lịch sử văn hóa và lịch sử cách mạng tầm cỡ quốc gia và quốc tế, biểu tượng cho tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Đó là lý do khiến công ty của ông bỏ ra khoảng 60 tỷ đồng để đầu tư tiếp vào khu Building Sài Gòn – Côn Đảo resort với tiêu chuẩn 3 sao. Trước đó Saigontourist đã có một khu resort cũng nằm trên đường Tôn Đức Thắng – huyện Côn Đảo với những khu biệt thự cổ được cải tạo lại sang trọng để phục vụ khách du lịch.

 

Du khách nước ngoài cảm thấy thích thú khi đi trên những dãy phố cổ này ở Côn Đảo.

 

Không chỉ có khu Sài Gòn – Côn Đảo, trong những năm qua, huyện Côn Đảo còn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án du lịch, trong đó có nhiều dự án lớn như: Dự án resort Đất Dốc có vốn đầu tư 38 triệu USD xây dựng khu nhà nghỉ cao cấp 39 phòng, 16 villa; Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp 72.000m2 tại khu vực Bến Đầm đang thi công mặt bằng... Bên cạnh đó, loại hình du lịch cộng đồng cũng phát triển với việc đầu tư xây dựng các nhà nghỉ, khu resort nhỏ. Hiện tại, Côn Đảo có 10 khách sạn - nhà hàng và một số nhà nghỉ như Hai Nga, Tân An, Hoàng Anh Đào… có thể phục vụ 500 khách/ngày. Trong năm 2009, có gần 24.500 lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Côn Đảo, trong đó có hơn 2.200 lượt khách quốc tế.

 

KhuBuilding sang trọng tiêu chuẩn 3 sao của Sài Gòn - Côn Đảo resort.

 

Theo định hướng phát triển của huyện Côn Đảo đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, cơ cấu kinh tế được xác định là “Du lịch – Dịch vụ - Công nghiệp” với mục tiêu chủ yếu: Thu hút 64.000 lượt khách/năm vào năm 2015. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng và hiện đại hóa vào năm 2020. Hoàn thành việc tôn tạo khu di tích lịch sử theo quy hoạch trước năm 2015 để phát huy giá trị, đưa khu di tích trở thành điểm tham quan thu hút du khách.

 

Nhằm thực hiện mục tiêu trên, huyện Côn Đảo đã xác định danh mục ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng đến năm 2015, đặc biệt chú trọng đến các công trình giao thông: Xây dựng mới tuyến đường Tây Bắc vòng quanh đảo lớn, đường du lịch sinh thái trong Vườn Quốc gia Côn Đảo, nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường giao thông nội thị trung tâm huyện; nâng cấp sân bay Côn Sơn để tiếp nhận loại máy bay lớn có sức chở nhiều người; đóng mới 2 tàu cao tốc sức chở 200 khách/chuyến; mở rộng nhà máy nhiệt điện, phát triển hệ thống nhà máy nước từ 2.000m3 lên 5.000m3/ngày; cải tạo bốn hồ chứa nước vừa tạo cảnh quan vừa tích trữ nước phục vụ nhân dân…

 

NGUỒN NHÂN LỰC ĐÃ DỒI DÀO HƠN

 

Côn Đảo hiện đã có khoảng 6.000 dân, phân bổ ở 9 khu dân cư từ cảng Bến Đầm đến hết sân bay Cỏ Ống.

 

Sở dĩ dân số ở Côn Đảo ngày càng tăng lên là do cơ sở hạ tầng, các dự án đang mọc lên ở Côn Đảo ngày càng nhiều, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho những người ra đảo công tác. Bên cạnh đó, huyện Côn Đảo còn có những chính sách thu hút nhân lực, đặc biệt là những người có trình độ bằng hình thức trợ cấp khu vực và trợ cấp thu hút: 0,5 lương căn bản hàng tháng. Cũng như nhiều thanh niên khác, anh Nguyễn Văn Tính, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội cũng tìm đến Côn Đảo công tác. Với trình độ như vậy, anh Tính dễ dàng có một việc làm ở đất liền nhưng anh lại chọn Côn Đảo làm nơi lập nghiệp với công việc hiện nay là hướng dẫn viên tiếng Anh của Ban quản lý di tích huyện Côn Đảo. Anh Tính cho biết, với những chính sách thu hút của huyện anh có đủ điều kiện sống, làm việc và phát huy khả năng của mình.

 

Anh Nguyễn Ngọc Tùng, Trợ lý giám đốc Sài Gòn – Côn Đảo resort cho biết thêm, hiện khu resort của anh có tới 104 cán bộ, nhân viên làm việc. Trong đó, 1/3 là nhân lực từ đất liền. Mức lương bình quân của mỗi người là 3,5 triệu đồng/tháng cùng với những chế độ trợ cấp và đãi ngộ như các đơn vị hành chính sự nghiệp.

 

Từ năm 2005, huyện Côn Đảo đã phấn đấu nâng cao mức hưởng thụ của người dân địa phương và đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo nên đời sống của người dân trên đảo đã cải thiện đáng kể: không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT hàng năm đều đạt trên 93%; đội ngũ giáo viên không ngừng được củng cố về số lượng, chất lượng; cơ sở vật chất được tăng cường, 100% trường lớp đều được kiên cố hóa. Công tác giáo dục phổ cập giáo dục và bổ túc văn hóa tiếp tục được quan tâm và thực hiện, phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục bậc trung học vào năm 2010. Điều đáng mừng nhất là trong thời gian qua, huyện cũng đã thành lập Trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp, đồng thời phối hợp với các trường đại học mở ở TP. Hồ Chí Minh mở lớp đào tạo hệ đại học từ xa tại Côn Đảo, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức và nhân dân địa phương. Như vậy, huyện Côn Đảo đang dần dần có nguồn nhân lực dồi dào bên cạnh cơ sở vật chất khang trang và nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách.

 

Bài, ảnh: Quang Vũ

 

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc