Côn Đảo-Di tích và danh thắng

Thứ ba, 08/01/2008, 08:17 GMT+7
3024 xem
Chia sẻ:

Côn Đảo là một quần đảo ở biển Đông, cách Vũng Tàu gần 80 hải lý về hướng Đông Nam. Quần đảo này gồm 14 đảo, Côn Lôn là đảo lớn nhất với diện tích 52km2, và bao quanh nó là nhiều đảo nhỏ: Hòn Trọc, Hòn Bà, Hòn Cau… Côn Đảo là một địa danh nổi tiếng với khu di tích lịch sử, di tích cách mạng, những nhà tù giam cầm hàng ngàn chiến sỹ yêu nước qua hai cuộc kháng chiến. Côn Đảo còn là một điểm du lịch hấp dẫn. Vườn quốc gia Côn Đảo (VQGCĐ) là một khu bảo tồn sinh học đa dạng và phong phú nhất thế giới.

Từ thành phố Vũng Tàu đi thăm Côn Đảo, bạn có thể đi bằng tàu khách. Du lịch Côn Đảo chia làm hai tuyến: Tuyến thăm các khu di tích lịch sử cách mạng và tuyến du lịch sinh thái tại VQGCĐ. Từ giữa thế kỷ XIX đến năm 1975, Côn Đảo bị biến thành một nhà tù khổng lồ giam giữ hàng ngàn người yêu nước Việt Nam. Tại đây, hơn 22 ngàn người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc. Từ năm 1862, sau khi thiết lập nhà tù Côn Đảo, thực dân Pháp đã xây 4 trại giam (banh 1, 2, 3, 4), trong đó có hai khu chuồng cọp và nhiều xà lim kiên cố. Đến thời Mỹ Ngụy lại xây thêm trại 5, 6, 7 (chuồng cọp kiểu Mỹ), trại 8 (chuồng bò). Côn Đảo hiện còn giữ khá nguyên vẹn các trại giam, xà lim, chuồng cọp-những dấu ấn tố cáo đanh thép sự dã man của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Bảo tàng Côn Đảo nằm trong khuôn viên dinh thự của chúa đảo ngày xưa. Tại đây còn lưu giữ nhiều hình ảnh, hiện vật cho chúng ta hiểu thêm về cuộc chiến đấu kiên cường bất khuất của những người con yêu nước. Khắp nơi trên đảo, mỗi gốc cây, vạt cỏ, góc sân… đều thấm máu của các chiến sỹ cách mạng. Nghĩa trang Hàng Dương mãi mãi còn đó, bao người con yêu dấu của Tổ quốc đã an nghỉ, như Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, Võ Thị Sáu… Du khách có thể đến thăm những địa danh đã đi vào lịch sử của dân tộc như cầu Ma Thiên Lãnh, cầu tàu 914… Vườn quốc gia Côn Đảo được thành lập ngày 31/3/1993 với diện tích 20 nghìn ha (6 nghìn ha trên các đảo và 14 nghìn ha trên biển). Quỹ bảo tồn thiên nhiên hoang dã (WWF) đánh giá cao VQGCĐ với hai hệ sinh thái rừng và biển. Rừng ở VQGCĐ chủ yếu là rừng nguyên sinh, thuộc hệ sinh thái (HST) rừng nhiệt đới hải đảo, có khí hậu á xích đạo-hải dương nóng ấm, nhiều nắng gió. Rừng Côn Đảo xanh um tùm với nhiều loại cây gỗ quý. Theo thống kê mới nhất, rừng Côn Đảo có 882 loài thực vật, trong đó có 11 loài quý hiếm duy nhất chỉ có ở đây, như: bời lời, lát hoa, sao đen, cẩm thi, thiên niên kiện, săng đào, dầu lá bóng… Côn Đảo có HST biển, gồm HST rừng ngập mặn, HST san hô, HST thảm cỏ… Hệ động vật ở Côn Đảo có gần 150 loài, trong đó 44 loài quý hiếm có tên trong danh sách đỏ, như: sóc mun, gấm ghì trắng, chim điêu mặt xanh, thạch thùng có cánh… HST rừng ngập mặn rất đa dạng với rừng mắm, rừng sú vẹt, rừng bần, rừng đước… đan xen nhau. Từ trung tâm đảo có canô đưa khách đi thăm các đảo nhỏ, thăm ngọn hải đăng do Pháp xây dựng từ năm 1854, ở độ cao 226m. Nhờ rừng ngập mặn mà Côn Đảo dù nhỏ bé giữa biển khơi mênh mông nhưng vẫn tồn tại giữa muôn trùng sóng to và gió lớn. HST san hô với 150 loài gồm đủ dạng, như: san hô dạng bàn, dạng phiếm, dạng khối, đĩa… với nhiều hình thù khác nhau và nhiều sắc màu rực rỡ. Chính nhờ sự phong phú của các dạng san hô là môi trường thuận lợi cho các loại cá, tôm, cua, hải miên, hải quỳ, sao biển, cầu gai, huệ biển cộng sinh, với mật độ 2 nghìn con/500m2, cao hơn nhiều so với các vùng khác của Việt Nam. Những động vật thân mềm như các loài trai, ốc, mực, bạch tuộc, ốc chân bụng, sò, điệp rất phong phú. Vùng biển Côn Đảo có nhiều loại hải sản quý như tôm hùm, cá hàng, cá gióng, cá nhám, cá mập, đồi mồi, vích… Vảy sừng đồi mồi được sản xuất thành những mặt hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị. Đặc biệt, ở Côn Đảo, có loài cá bướm đẹp lộng lẫy với 22 loài là 22 sắc màu và hình dạng khác nhau. Ngoài ra còn có những loài cá thần tiên, kích thước 30-40cm; cá mó lưng gù dài cả mét, trông rất dữ tợn, nhưng thật ra chúng rất hiền. Ở Bãi Đụng, cách trung tâm đảo 2km, là một khu đất bằng phẳng, có một vịnh nhỏ ăn sâu vào, kín đáo và yên tĩnh. Ở đây có loài hải sâm ẩn mình trong hốc đá. WWF đã đầu tư nhiều dự án để bảo vệ HST VQGCĐ, trong đó có dự án bảo vệ loài động vật có vú quý hiếm là bò biển (vì ăn cỏ biển) hay cá cúi (vì đầu luôn cúi xuống), nặng 300-500kg. Loại cá này trong đêm thanh vắng cất lên những tiếng hú hòa vào sóng biển, vì vậy người dân gọi đó là “tiếng hát của nàng tiên cá”. Theo ước tính, ở Côn Đảo hiện chỉ còn độ 10 con bò biển. WWF còn có dự án bảo tồn rùa biển, với 5 trạm cứu hộ và 18 bãi đẻ trứng trên các đảo. Du lịch Côn Đảo mở ra một triển vọng đầy tiềm năng. Từ năm 2000, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức những tour du lịch ra đảo và đã thu hút hàng ngàn lượt du khách. Khách du lịch có thể lưu lại vài ngày trên đảo, buổi sáng đến mũi Cá Mập để ngắm mặt trời nhô lên từ biển cả mênh mông với những đoàn thuyền đánh cá dong buồm ra khơi, buổi chiều đến vịnh Bến Đầm nhìn cảnh hoàng hôn rực rỡ. Côn Đảo là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng trong khung cảnh thiên nhiên hoang dã. Ngày 28/5/2003, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thông qua Dự án phát triển tuyến du lịch Côn Đảo giai đoạn 2003-2005. Theo đó, Côn Đảo sẽ được đầu tư 336 tỷ VND để phát triển hạ tầng cơ sở. Được biết, hiện có hai tập đoàn du lịch châu Âu đang nghiên cứu các tour du lịch đi về Côn Đảo bằng máy bay và tàu biển theo 4 tuyến: Vũng Tàu-TP. Hồ Chí Minh-Côn Đảo; Cần Thơ-Côn Đảo; Vũng Tàu-Trà Vinh-Côn Đảo; Huế-Đà Nẵng-Côn Đảo.

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc