Rùa biển là loài động vật nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm có sự tham gia của cộng đồng là một chủ trương của nhà nước. Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31/7/2013 Phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rõ “….Bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cơ quan quản lý, mọi tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân….đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học…”; Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 7/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã nêu “Nhà nước khuyến khích các hình thức đầu tư nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học, tổ chức quốc tế, đồng thời khuyến khích sự tham gia quản lý của cộng đồng dân cư vùng đệm khu rừng đặc dụng, vành đai bảo vệ khu bảo tồn biển, vùng nước nội địa để quản lý bền vững, phù hợp với quy định của pháp luật”.
Tập huấn về quy trình, kỹ thuật bảo tồn rùa biển cho nhân viên Công ty TNHH Côn Đảo Resort tại đảo Bảy Cạnh
Thực hiện văn bản số 4944/UBND-VP ngày 28/5/2018 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ tháng 6 năm 2018, Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã phối hợp với Công ty TNHH Côn Đảo Resort triển khai Phương án phối hợp phục hồi và bảo tồn bãi đẻ Rùa biển tại Đất Dốc, huyện Côn Đảo giai đoạn 2018 - 2020. Mục đích của Phương án là (1) Phục hồi và bảo tồn bãi đẻ của rùa biển tại khu vực bãi biển Đất Dốc; (2) Huy động mọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân vào công tác bảo tồn rùa biển, từng bước xã hội hóa công tác bảo tồn rùa biển; (3) Xây dựng mô hình liên kết giữa Ban quản lý khu rừng đặc dụng với doanh nghiệp du lịch trong việc bảo tồn loài và sinh cảnh để phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học và kinh doanh du lịch; (4) Tuyên truyền nâng cao nhận thực của cộng đồng, nhất là các doanh nghiệp, khách du lịch về bảo tồn rùa biển và bảo tồn đa dạng sinh học; (5) Bảo vệ rùa mẹ, rùa con và nâng cao tỷ lệ nở của trứng rùa biển trước tác động của thiên nhiên và con người. Qua 6 tháng phối hợp triển khai, thực hiện Phương án, bước đầu đã đạt được mục đích đề ra và đem lại thành công ngoài mong đợi. Số lượng rùa mẹ lên bãi Đất Dốc đẻ trứng nhiều hơn các năm trước. Đã có 41 tổ rùa được ấp nở tại bãi Đất Dốc với số lượng rùa con được quản lý và thả về biển là 2.336 cá thể, tỷ lệ nở đạt 83,67%.
Tổ Rùa biển nở tại hồ ấp trứng rùa biển Đất Dốc
Để có được những thành quả nêu trên, trước khi thực hiên Phương án, Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã phối hợp với Công ty TNHH Côn Đảo Resort tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, bảo tồn và cứu hộ rùa biển cho 23 nhân viên của Công ty TNHH Côn Đảo Resort; Xây dựng hồ ấp trứng rùa biển 50 m 2 có rào chắn và lắp đặt thiết bị camera bảo vệ; Tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác 24/24 tại bãi biển Đất Dốc và khu vực hồ ấp trứng để bảo vệ bãi đẻ, trứng, rùa mẹ, và rùa con; Thường xuyên san lấp, vệ sinh bãi biển tạo điều kiện thuận lợi cho rùa lên bãi để trứng. Song song với việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật bảo tồn rùa biển là công tác tuyên truyền, giáo dục, đã có 116 lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, 260 học sinh Trường tiểu học Cao Văn Ngọc và Trường THCS Lê Hồng Phong được nâng cao nhận thức bảo vệ rùa biển. Việc Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo phối hợp với Công ty TNHH Côn Đảo Resort thực hiện thành công phương án phục hồi và bảo tồn bãi đẻ Rùa biển tại Đất Dốc, huyện Côn Đảo có thể xem là mô hình đầu tiên về bảo tồn, quản lý rùa biển có sự tham gia của doanh nghiệp du lịch. Tại Việt Nam, một số bãi biển là sinh cảnh đẻ trứng của rùa biển trước đây nhưng nay đã được quy hoạch, xây dựng để phục vụ du lịch, thì việc nhân rộng mô hình này có thể phục hồi các bãi đẻ của rùa biển trong khu du lịch, góp phần thực hiện thành công mục tiêu Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025./.
Tin bài và ảnh: Nguyễn Văn Vững
Phòng Bảo tồn biển và Đất ngập nước