Thông cáo báo chí về Hội thảo tập huấn Nâng cao kỹ năng cứu hộ thú biển và rùa biển

Thứ hai, 24/09/2018, 09:21 GMT+7
3274 xem
Chia sẻ:

Hội thảo tập huấn Nâng cao kỹ năng cứu hộ thú biển và rùa biển: " Trau dồi kỹ năng sơ cứu và xây dựng mạng lưới phản ứng nhanh ở Việt Nam" được tổ chức bởi Mạng lưới Động vật biển Việt Nam, Trung tâmbảo tồn đa dạng sinh học và loài nguy cấp (CBES), trong khuôn khổ hợp tác với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Trung tâm Nghiên cứu Đất ngập nước - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM (HCMUS), Trường Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), Cơ quan dịch vụ Nghề cá và động vật hoang dã Hoa Kỳ (U.S . FWS) và Tổ chức Keto (Costa Rica).

Hội thảo đã diễn ra trong hai ngày 13 và 14.09.2018 tại trường Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh với sự góp mặt của hơn 30 đại biểu đến từ các khu bảo tồn biển, đại diện chi cục thủy sản, đại diện chi cục thú y vùng ven biển Việt Nam và các chuyên gia quốc tế đến từ Costa Rica và Thái Lan.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích cải thiện năng lực phản ứng với thú biển mắc cạn và cứu hộ rùa biển của đơn vị liên quan tại địa phương và thành lập một mạng lưới cứu hộ thú biển và rùa biển tạo nên sự kết nối giữa các cơ quan hữu quan tại địa phương, các tổ chức phi lợi nhuận trong công tác cứu hộ thú biển và rùa biển tại Việt Nam.

Mắc cạn” là một thuật ngữ chung chỉ hiện tượng các loài sinh vật dưới nước bị mắc kẹt trên đất liền hoặc trong vùng nước nông (ngoài môi trường sống tự nhiên của chúng) và không thể tự thoát khỏi tình huống đó. Đối với nhóm thú biển (cá voi, cá heo, dugong…), nghiên cứu trường hợp mắc cạn đã và đang cung cấp dữ liệu quan trọng cho khoa học. Các thông tin về sinh học, sinh thái học của nhiều loài cá heo và cá voi hiếm gặp ngoài tự nhiên đã được thu thập qua các mẫu vật mắc cạn.

Về mặt bảo tồn, giải cứu và tái thả thành công những cá thể thú biển thuộc các loài nguy cấp giúp ích cho việc duy trì và phát triển quần thể của loài. Bên cạnh đó, việc giải cứu các cá thể cá heo và cá voi, vốn là loài động vật mang tính “biểu tượng”, cũng giúp ích cho quá trình nâng cao nhận thức về bảo tồn và kết nối cộng đồng với khoa học. Tìm hướng giải quyết thích hợp để xử lý xác các loài thú biển lớn như cá voi cũng rất quan trong với công tác vệ sinh dịch tễ và an toàn môi trường tại địa phương.

Tuy nhiên ở Việt Nam, đa số trường hợp thú biển mắc cạn thường được xử lý bởi ngư dân địa phương, vốn chưa có kiến ​​thức về sinh học và sinh lý của thú biển. Cơ quan có liên quan ở địa phương như chi cục thủy sản, chi cục thú y, các tổ chức phi chính phủ địa phương và nhân viên từ các khu bảo tồn biển gần nơi xảy ra mắc cạn thường được thông báo về trường hợp thú biển mắc cạn. Các đơn vị này có thẩm quyền, trách nhiệm can thiệp vào quá trình giải cứu nhằm đảm khả năng sống sót cao nhất cho con vật, hoặc thu thập các thông tin, dữ liệu cần thiết để phục vụ các công tác nghiên cứu khoa học và bảo tồn. Nhưng ngay cả các đơn vị này cũng chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để ứng phó với trường hợp thú biển mắc cạn. Kết quả, nhiều trường hợp thú biển mắc cạn ở Việt Nam đã được xử lý theo hướng chưa thích hợp, khiến con vật vốn dĩ có thể được cứu bị thiệt mạng, đồng thời mang đến người cứu hộ những rủi ro không cần thiết như bệnh truyền nhiễm, tai nạn…

Khác với nhóm thú biển, rùa biển dành một phần vòng đời của chúng trên bãi biển để sinh sản. Mặc dù rùa biển cái có thể tìm đường quay lại đại dương sau khi đẻ trứng, chúng vẫn dễ bị săn bắt, vướng vào ngư cụ và bị đe dọa bởi hoạt động khác của con người như đánh bắt cá bất hợp pháp ngay tại vùng ven biển Việt Nam. Ở nước ta trong thời gian gần đây, nhận thức của cộng đồng về bảo tồn rùa biển đã tăng lên, cùng với việc thực thi pháp luật chặt chẽ hơn khiến nhiều cá thể rùa được giải cứu khỏi nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép, hoặc được ngư dân tự nguyện giao nộp chính quyền địa phương khi chúng vô tình mắc lưới.

Dẫu vậy, khả năng của các đơn vị hữu quan đóng tại địa bàn còn hạn chế, khiến việc chăm sóc đúng cách cho các cá thể rùa nói trên, hoặc công tác tái thả rùa về đại dương trở nên khó khăn. Trong nhiều trường hợp, các thể rùa do được chăm sóc không đúng dẫn đến hậu quả bị thương vĩnh viễn, gây ảnh hưởng đến khả năng sống sót sau khi được tái thả và gây thiệt hại cho quần thể rùa biển tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia quốc tế đến từ Thái Lan và Costa Rica có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cứu hộ thú biển và rùa biển sẽ chia sẻ những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho các cán bộ của các bên liên quan trong việc cứu hộ thú biển và rùa biển. Các đại biểu tham gia hội thảo cũng sẽ được hướng dẫn và thực hành các bước để cứu hộ thú biển và rùa biển.  Đồng thời, các chuyên gia cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc thành lập và duy trì hoạt động của mạng lưới cứu hộ thú biển và rùa biển tại Thái Lan và Costa Rica, từ đó đưa ra những bài học kinh nghiệm áp dụng cho mạng lưới cứu hộ thú biển và rùa biển tại Việt Nam.

Chuyên gia, diễn giả quốc tế:

Tiến sỹ Gabriela Hermandezlà thành viên của Tổ chức Keto (Costa Rica), thành viên Hiệp hội quốc tế về thú y động vật thủy sinh (IAAAM) trực thuộc Ủy ban cá voi quốc tế International Whaling Commission (IWC).

Phó giáo sư-Tiến sỹ Nantarika Chansue là giáo sư giảng dạy tại khoa Thú y trường Đại học

Chulalongkorn, Thái Lan.

Tiến sỹ Thanida Haetrakul là giám đốc Bệnh viện các loài động vật biển, thuộc khoa Thú y

trường Đại học Chulalongkorn, Thái Lan.

----
Để biết thêm thông tin vui lòng liên hệ:

Anh Vũ Long, Giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và loài nguy cấp, Nhà sáng lập và điều phối Mạng lưới Động vật biển Việt Nam.

Email: long.vu.192@gmail.com

Điện thoại: (+84.)914805233

Một số hình ảnh của hội thảo

4_2

6_1

3_4

1_5

2_5

Tin bài và ảnh: Nguyễn Văn Vững

Phòng Bảo tồn biển và Đất ngập nước

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc